Phòng GD-ĐT thiếu nhân lực nhưng GV không muốn chuyển về

(Dân trí) -Nếu đồng ý chuyển về phòng GD công tác, nhiều chế độ dành cho giáo viên (GV) đứng lớp sẽ bị cắt. Chênh lệch về thu nhập khá lớn khiến nhiều GV không "mặn mà" khi được điều chuyển về Phòng GD công tác, thậm chí có chuyên viên còn làm đơn xin... trở về trường.

Theo định biên, Phòng GD-ĐT Quỳ Châu (Nghệ An) có 18 người, thế nhưng hiện tại chỉ có 15 cán bộ. Suốt mấy năm qua, Phòng không điều chuyển thêm được cán bộ nào, đã thế, một số cán bộ còn xin chuyển đi khiến Phòng luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nhân lực.

Lý giải cho tình trạng này, cô Võ Thị Lộc - Trưởng phòng GD&ĐT Quỳ Châu cho biết: Sở dĩ có tình trạng này là do chênh lệch về chế độ giữa cán bộ quản lý, GV giảng dạy tại trường và chuyên viên làm việc tại Phòng. Trên cùng một địa bàn, nếu dạy tại trường thì GV được hưởng 140% lương (bao gồm 70% thu hút và 70% đứng lớp), đó là chưa kể phụ cấp thâm niên... Trong khi đó nếu về Phòng thì không được hưởng các chế độ ấy”. Cũng bởi chênh lệch về chế độ mà theo cô Lộc thì “có năn nỉ cũng không mấy ai về”.

Cô Trần Thị Lê - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Tiến (xã Châu Tiến, Quỳ Châu), người từ chối về Phòng GD công tác đã thẳng thắn: "Ngoài những lý do về hoàn cảnh gia đình thì chế độ đãi ngộ thấp khiến cho không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp khác nếu được chọn cũng từ chối. Cần phải có nền tảng kinh tế ổn định thì chúng tôi mới có thể yên tâm công tác bởi vì ngoài công việc chúng tôi còn có gia đình, con cái nữa”.

Còn cô Bùi Thị Ngọc, sau gần 13 năm làm chuyên viên của Phòng GD huyện Quỳ Châu, mới chuyển về làm Hiệu phó trường Tiểu học xã Châu Thắng, tâm sự: “Khi lên Phòng thì chỉ được hưởng mức lương cơ bản theo ngạch, bậc mà không hề có khoản phụ cấp nào. Trong khi đó, GV ở trường, đặc biệt là các trường ở khu vực 135, ngoài lương còn được hưởng 70% đứng lớp đối với GV Tiểu học; các khoản phụ cấp thâm niên, phụ cấp vùng. Năm 1988, tôi được đề bạt làm hiệu phó, năm 1994 làm hiệu trưởng.
 
Năm 1999, tôi thì được điều về làm chuyên viên tại Phòng. Tính năm công tác cũng được 28 năm 9 tháng, nhưng khi từ Phòng chuyển lại về trường thì chỉ được tính 16 năm 2 tháng thâm niên, còn 12 năm 7 tháng làm việc tại Phòng coi như không. Đây thực sự là điều chúng tôi cảm thấy bị thiệt thòi vì những năm tháng cống hiến của mình không được ghi nhận. Chính điều này đã khiến không mấy GV hào hứng khi được điều chuyển về phòng công tác. Còn những người đang công tác tại Phòng lại muốn được chuyển về các trường”.

Phòng GD-ĐT thiếu nhân lực, giáo viên không muốn về
Phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp và các chế độ khác bị cắt nên nhiều giáo viên không muốn về các Phòng GD-ĐT công tác.

Ông Nguyễn Tất Tây, Trưởng phòng GD huyện Đô Lương cho biết: “Thời gian qua đã có 2 trường hợp xin chuyển đi, hiện nay cũng đang có một số đơn xin chuyển nhưng Phòng chưa đồng ý. Sự chênh lệch về chế độ là điều thực tế. Thậm chí một trường nằm ngay sát cạnh Phòng GD, nhưng chế độ của hiệu trưởng, GV công tác ở trường bao giờ cũng cao gấp đôi chuyên viên làm việc tại phòng. Chính điều này đã khiến anh em nhiều lúc cũng mất động lực làm việc".

Việc cắt phụ cấp đứng lớp là điều dễ hiểu vì số GV khi được điều chuyển về các Phòng GD không còn trực tiếp đứng lớp. Thế nhưng, nếu dạy ở trường, các thầy cô sẽ được tính phụ cấp thâm niên, khi lên đến phòng, khoản này bị cắt mặc dù họ vốn là GV. Trong khi đó, các danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân vẫn được xét cấp cho cán bộ, chuyên viên các phòng GD. Điều này vô hình trung khiến cho các GV được điều chuyển về Phòng công tác cảm thấy thiệt thòi và giá trị bản thân không được đánh giá đúng.

“Dù là GV, không trực tiếp đứng lớp nhưng công tác trực tiếp trong ngành giáo dục nhưng lại bị cắt phụ cấp thâm niên thì quá thiệt thòi cho chúng tôi. Tại sao không tính phụ cấp thâm niên nhưng lại không chuyển từ ngạch viên chức sang ngạch công chứng ủy ban để đảm bảo quyền lợi cho họ?”, một cán bộ cho biết.

Phòng GD-ĐT thiếu nhân lực, giáo viên không muốn về
Thậm chí nhiều chuyên viên đang công tác tại các Phòng GD-ĐT cũng xin chuyển lại về các trường để được hưởng mức thu nhập cao hơn.

Về vấn đề này, theo ông Trần Văn Kỷ, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An thì Sở và Phòng biết từ lâu bởi tình trạng này không phải mới diễn ra. Những cán bộ khi điều chuyển về làm việc tại các Phòng, Sở thường phải đạt yêu cầu cao về trình độ quản lý cũng như chuyên môn, thế nhưng chế độ chi trả cho họ thì lại giảm sút so với lúc đang công tác tại trường. Nhất là từ thời điểm bắt đầu có quyết định về phụ cấp ưu đãi cho giáo viên năm 2004 và khi Nghị định 54 về phụ cấp thâm niên cho GV ra đời năm 2011.

Ssự chênh lệch khi còn công tác tại trường so với khi được điều chuyển về Phòng, Sở được thể hiện rõ ràng, với mức bình quân 45% tổng lương người đó được nhận trong tháng. Đối với những người có thâm niên công tác trên 20 năm, hoặc công tác tại các vùng khó khăn thì sự chênh lệch đó càng lớn, thậm chí gấp đôi lương chuyên viên khi làm việc tại Phòng, Sở. Chính điều này khiến cho không mấy ai "mặn mà" khi được nhận nhiệm vụ điều chuyển.

“Từ một cán bộ quản lý, GV (viên chức) muốn chuyển về làm chuyên viên phòng, sở (công chức) thì thủ tục hồ sơ phải lần lượt qua Phòng GD-ĐT chuyển lên Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ, sau đó trình ra Bộ Nội vụ xem xét. Nếu Bộ Nội vụ đồng ý thì sẽ có công văn chuyển về cho Sở Nội vụ. Sở Nội vụ sẽ có nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định điều chuyển. Lý thuyết là vậy nhưng quy trình này diễn ra khá lâu, có thể lên đến 2, 3 năm nên không mấy cán bộ có đủ sự kiên nhẫn để chờ đợi”, ông Kỷ cho biết thêm.

Hoàng Lam