Hà Nội:

Phụ huynh cũng phải học quy chế thi

(Dân trí) - Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu tất cả các trường phải tổ chức việc học tập quy chế thi cho tất cả các thành viên của nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh lớp 12.

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không phát hành tài liệu ôn thi tốt nghiệp, vì thế các trường tự tổ chức việc ôn tập cho học sinh lớp 12 theo chương trình và sách giáo khoa. Riêng kỳ thi học kỳ 2 ở các trường, môn Ngoại ngữ sẽ tổ chức thi bắt buộc theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

 

Để kỳ thi tốt nghiệp THPT được nghiêm túc, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường  phải tổ chức việc học tập quy chế thi cho tất cả các thành viên của nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh lớp 12.

 

Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường trên địa bàn Thủ đô năm nay tiếp tục tổ chức các hội đồng coi thi theo mô hình liên trường. Mỗi liên trường từ 2 trường trở lên, trừ các trường hợp đặc biệt đối với các trường thí điểm phân ban. Còn thi tốt nghiệp bổ túc THPT, tùy theo số học sinh dự thi mà mỗi quận huyện có thể có từ một  đến 3 hội đồng coi thi.

 

Đối với các học sinh không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12 của những năm học trước, năm nay muốn dự thi thì phải nộp đơn xin kiểm tra lại những môn có điểm trung bình dưới 5 điểm. Hiệu trưởng nhà trường sẽ chịu trách nhiệm công nhận đủ điều kiện dự thi cho các học sinh và chịu trách nhiệm về các hồ sơ của thí sinh.

 

Lịch thi tốt nghiệp THPT

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT sẽ được tổ chức cùng một đợt trên toàn quốc từ ngày 31/5 đến 2/6.

 

Ngày 31/5 (Thứ tư): Sáng thi môn Ngữ văn, chiều thi môn Hóa học.

 

Ngày 1/6 (Thứ năm): Sáng thi môn Lịch sử, chiều thi môn Địa lý.

 

Ngày 2/6 (Thứ sáu): Sáng thi môn Toán, chiều thi môn Ngoại ngữ.

 

* Riêng các học sinh thi tốt nghiệp bổ túc THPT chiều ngày Thứ sáu (2/6) thi môn Vật lý.

Theo quy định của Sở thì trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT, các học sinh được phép mang vào phòng thi các đồ dùng sau đây: bút viết, bút chì, thước kẻ, com pa, ê-ke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình. Máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản, ghi chép, ghi số điện thoại và không có thẻ nhớ.

 

Cụ thể là các loại máy tính chỉ làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, khai căn, lũy thừa. Ví dụ như các loại máy tính nhãn hiệu Casio fx 95, fx 200, fx500, fx500MS, fx570MS và các máy tính có tính năng tương đương (có phép tính siêu việt, lượng giác như: sin, cos…).

 

Học sinh cũng được phép mang bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học và Bảng tính tan (trong giờ thi môn Hóa học) và Át-lát Địa lý Việt Nam (trong giờ thi môn Địa lý). Các tài liệu này phải do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành và không được đánh dấu hoặc viết thêm bất kỳ nội dung gì.

 

Ngoài các vật dụng trên, học sinh không được mang vào phòng thi các vật dụng, tài liệu khác như: giấy than, bút xóa, vũ khí, chất gây nổ, chất gây cháy, bia, rượu, thuốc lá, các phương tiện kỹ thuật thu, phát truyền tin, ghi âm, ghi hình, tài liệu thiết bị chứa thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi. 

Mai Minh - Hồng Hạnh