Phụ huynh học sinh: “Lo nhất là tiêu cực”

(Dân trí) - “Sốt ruột, hồi hộp, lo lắng” là tâm trạng mà phụ huynh Nguyễn Thị Tuyết, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh có con thi tại trường ĐH Luật. Theo chị Tuyết, những <a href="http://www.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/7/128383.vip">thủ thuật gian lận trong thi cử</a> vừa phát trên truyền hình đêm qua đã làm các bậc phụ huynh gia tăng thêm sự lo lắng.

Mặc dù con gái thi ở trường ĐH Luật và đã trọ ở ngay trong KTX nhưng chị Tuyết vẫn chọn giải pháp “đứng ngồi nhấp nhổm” bên ngoài điểm thi, thay vì về chỗ trọ nghỉ ngơi. Chị bộc bạch, các cháu đang làm bài chẳng còn tâm trí đâu để lo lắng, chỉ có phụ huynh ở bên ngoài không biết diễn tiến ra sao, thành ra: “Người dưới gốc lại lo hơn người trên ngọn”.

 

Theo chị Tuyết, ở kì thi đại học năm trước đã có rất nhiều thí sinh khối C “lâm nạn” ở môn Sử nên suốt cả năm học qua chị thường xuyên động viên con gái chú tâm vào môn học này. Theo chị, nếu việc coi thi nghiêm túc thì việc phân thắng bại của các thí sinh có thể được quyết định bởi môn thi được coi “xương” này.

 

Tuy nhiên, chị Tuyết lại tỏ ra lo ngại khi những tiêu cực trong thi cử ngày càng tinh vi mà theo chị thì các bậc phụ huynh ở các vùng nông thôn chỉ nghe lại cũng đã thấy… khiếp! Cho dù Thứ trưởng Bộ Giáo dục đã tuyên bố siết chặt kì thi, nhưng theo chị Tuyết để làm được điều này trên diện rộng là không dễ.

 

Bác Vũ Văn Nam, ở Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình có con thi tại ĐH Y Hà Nội đã hỏi phóng viên tìm giúp tờ báo đăng tải những vụ tiêu cực vừa được bóc dỡ trong lần thi thứ nhất. Bác Nam cho biết, dù đã có nhiều năm kinh nghiệm đưa con, cháu đi thi nhưng lần nào cũng không thoát khỏi hồi hộp và năm nào cũng được đọc về tiêu cực trong thi cử.

 

Dẫu vậy bác Nam cho biết mình không hề đả động chuyện tiêu cực với con gái, để không làm phân tâm người đi thi. Bác vẫn động viên con “đàng hoàng, nghiêm túc” trong mọi tình huống. Theo bác, khi học sinh nông thôn đã có chất lượng thật thì không ngại trong cuộc đối đầu cân não này.

 

Lại có trường hợp ở Yên Khánh, Ninh Bình cả bố và mẹ đều “hộ tống” con đi thi ĐH Cảnh sát. Chị Lan, mẹ của thí sinh cho biết, cả đêm qua gần như cả gia đình chị không ngủ. Ở quê, ông bà và các cô chú của cháu thỉnh thoảng lại gọi điện ra hỏi thăm tình hình của “người đầu tiên” trong họ đi thi đại học.

 

Chị Lan kể, người ông ở nhà suốt cả ngày cứ đi lại trong phòng và thỉnh thoảng lại chia sẻ nỗi lo với các cô chú của thí sinh. Sau khi xem ti vi đêm qua, ông lập tức nối điện thoại và dặn dò cháu, kiên quyết không mang tài liệu vào phòng thi!

 

Với chị Lan, kỉ luật phòng thi là điều chờ đợi nhất khi mà cả gia đình đang dồn hi vọng vào con cháu mình.

 

Kim Tân