Phụ huynh tố trường dạy thêm Anh văn trong giờ học chính khóa

(Dân trí) - Nhận được đơn thư phản ánh của phụ huynh về việc một số trường tiểu học tại TP Cần Thơ liên kết với Trung tâm ngoại ngữ bớt giờ học chính của học trò để dạy thêm Anh văn, PV <i>Dân trí</i> đã liên hệ với các trường để làm rõ việc được nêu.

Phụ huynh khẳng định dạy thêm trong giờ chính khóa

Trong đơn gửi báo Dân trí, phụ huynh này viết: Trường tiểu học nơi con tôi đang theo học tổ chức đại hội cha mẹ học sinh để yêu cầu phụ huynh học sinh đăng ký cho con em tất cả các khối lớp theo học lớp tiếng anh do công ty Đại Trường Phát đưa vào dạy tại trường với 3 mức 170.000đ, 250.000đ, 320.000đ/tháng. Mức học phí như thế là quá cao. Học phí thu được từ các học sinh, Công ty Đại Trường Phát và các trường chia nhau với tỷ lệ nhà trường 20%, công ty này 80%. Thời gian dạy học từ 15h30 đến 18h mỗi ngày được chia làm nhiều ca.

Phiếu đăng ký học mà công ty Đại Trường Phát đưa ra
Phiếu đăng ký học mà công ty Đại Trường Phát đưa ra.
 
Phụ huynh này cũng cho rằng nhà trường đã vi phạm luật Giáo dục bởi: “Sử dụng giờ học chính khóa của học sinh để phân học sinh ra dạy rồi thu học phí cao ngất ngưỡng, tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các học sinh. Các trường tiểu học An Nghiệp, Thới Bình 1, Ngô Quyền, Lê Quý Đôn và Công ty Đại Trường Phát cắt xén giờ học chính khóa của học sinh để kinh doanh thu lợi ngay trên giờ học mà lẽ ra các em được học các môn học chính. Việc cắt xén giờ chính khóa từ 15h30 đến 16h20 mỗi ngày gây xáo trộn giờ học của học sinh và làm ảnh hưởng đến việc học của những môn chính khóa”.
Phiếu đăng ký học mà công ty Đại Trường Phát đưa ra
Các em học sinh Trường tiểu học Ngô Quyền (TP Cần Thơ) đang học chương trình Anh văn do Công ty Đại Trường Phát liên kết.

Hiệu trưởng giải trình

Sau khi nhận được đơn phản ánh của phụ huynh học sinh, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với một số hiệu trưởng nhà trường mà phụ huynh nêu trong đơn thư phản ánh. Cô Mạch Lệ Xuân - Hiệu trưởng Trường tiểu học An Nghiệp cho biết: Việc công ty Đại Trường Phát tổ chức dạy tiếng Anh trong trường với mức thu học phí như trên là có thật. Tuy nhiên, tố cáo nhà trường vi phạm luật Giáo dục là không đúng.

Cô Mạch Lệ Xuân - Hiệu trưởng Trường tiểu học An Nghiệp trao đổi với PV
Cô Mạch Lệ Xuân - Hiệu trưởng Trường tiểu học An Nghiệp trao đổi với PV Dân trí.

Cũng theo cô Xuân, chương trình Anh văn I-Learn là chương trình học tiếng Anh tự nguyện, nhà trường không ép buộc. Việc học cũng được tổ chức rất khoa học, chỉ cho học sinh học buổi chiều, vì trường này 100% đều là học sinh học 2 buổi. Buổi sáng học chính khóa, buổi chiều ôn luyện và năng khiếu. Do đó nếu cho rằng trường cắt xén chương trình chính khóa để phân học sinh ra dạy để thu học phí là không chính xác.

“Việc tổ chức thu học phí và chia chác lợi nhuận giữa nhà trường và công ty gây bất bình và tạo dư luận xấu trong phụ huynh học sinh là không có. Vì thực tế Công ty chỉ gửi lại 5% để chi phí khấu hao cơ sở vật chất về điện, nước…” - cô Xuân nói.

Tương tự, cô Đinh Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Quyền cho biết: Anh Văn I-Learn là một chương trình bổ trợ, do một công ty có thẩm quyền tổ chức có hệ thống được Bộ giáo dục cho triển khai ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Chương trình học hoàn toàn tự nguyện, nhà trường có hơn 1500 học sinh, nhưng chỉ có 80 em tham gia đăng ký học, bởi nhà trường không dạy trong giờ học chính mà dạy ngoài giờ,(tức từ 16h20 đến 17h30 - PV) vì thế không tiện cho việc phụ huynh đưa đón con, đây là một trong những lý do dẫn tới việc ít học sinh theo học chương trình I-Learn-” cô Thảo chia sẻ.

Sở GD-ĐT TP Cần Thơ sẽ kiểm tra và chấn chỉnh

Liên quan vấn đề này, sáng 6/12, phóng viên Dân trí trao đổi với ông Võ Minh Lợi - phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, ông Lợi cho biết: Thực hiện đề án “dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” và quyết định 1400 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khuyến khích mạnh mẽ tạo cơ chế thuận lợi để các trường liên kết hợp tác giảng dạy, đào tạo, từ đó TP Cần Thơ có đề án dạy và học ngoại ngữ trong đó mục tiêu chính là huy động xã hội hóa.

Ông Lợi cũng cho biết, tình hình thực tế của ngành giáo dục TP Cần Thơ không có đầy đủ phương tiện trang thiết bị giảng dạy nên mục tiêu huy động xã hội hóa, đầu tư từ các doanh nghiệp các tỉnh, thành khác. “Công ty Đại Trường Phát có chương trình giảng dạy ngoại ngữ tương tác đầu tiên được Bộ GD-ĐT thẩm định đủ điều kiện và cho phép hoạt động. Chính vì thế, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ có văn bản số 1211 chỉ đạo cho các phòng giáo dục triển tới các trường để giảng dạy ngoại ngữ cho học sinh tiểu học”.

Ông Lợi cũng khẳng định: “Chương trình này phải dạy ngoài giờ học chính khóa của học sinh, nếu trường nào dạy trong giờ thì Sở sẽ yêu cầu nhà trường phải thay đổi. Mục đích của Sở là tạo điều kiện cho học sinh nâng cao hiệu quả học ngoại ngữ, giúp các em đạt kết quả cao trong các kỳ thi, tăng cường xã hội hóa học ngoại ngữ. Sau 3 tháng học, Sở sẽ tiến hành khảo sát hiệu quả giảng dạy của công ty này rồi sẽ có quyết tiếp tục thí điểm dạy tiếp hay tạm ngưng”.

Phạm Tâm