Phụ huynh TPHCM lo con không có chỗ học lớp 10 công lập

(Dân trí) - Sẽ có gần 20.000 học sinh lớp 9 ở TPHCM không có chỗ vào lớp 10 công lập trong năm học 2017-2018. Điều này làm nhiều gia đình hết sức lo lắng về con đường học hành và tương lai của con.

Lo con "sớm mất tuổi học trò"

Sở GD-ĐT TPHCM vừa công bố chỉ tiêu vào lớp 10 công lập năm học 2017-2018. Cụ thể, chỉ tiêu vào lớp 10 công ở TPHCM là 63.400 học sinh (trong đó gần 2.000 chỉ tiêu cho trường chuyên, lớp chuyên), chỉ tăng hơn 1.000 chỉ tiêu so với năm vừa rồi.

Tuy nhiên, tổng số học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 năm nay tăng mạnh so với năm ngoái, gần 82.000 học sinh đăng ký thi vào lớp 10 so với 68.000 thí sinh trong năm ngoái, tăng gần 14.000 thí sinh.

Như vậy sẽ có đến 20.000 học sinh không có chỗ học ở lớp 10 công lập. Thông tin này làm rất nhiều phụ huynh và học sinh ở TPHCM không khỏi lo lắng.

TPHCM có gần 82.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 năm học 2017-2018, trong khi chỉ tiêu là hơn 63.000.
TPHCM có gần 82.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 năm học 2017-2018, trong khi chỉ tiêu là hơn 63.000.

Chị Trần Thị Nga, có con học ở trường THCS Thái Văn Lung, Q.Thủ Đức cho biết năm nay con chị thi vào lớp 10 và rất lo lắng khi đón nhận nhiều thông tin không mấy thuận lợi về kỳ thi. Ban đầu là lịch thi diễn ra quá sớm, ngày ngay đầu tháng 6, vừa xong chương trình là các em vào thi luôn không có nhiều thời gian để ôn tập. Rồi giờ nắm được chỉ tiêu vào lớp 10 công thì rất rõ, tỷ lệ học sinh đi tiếp lên bậc THPT lại tiếp tục giảm, cơ hội của con chị và nhiều học sinh khác sẽ giảm đi.

“Có thể sau này con không thể vào được ĐH, CĐ không sao nhưng nghĩ đến cảnh con không vào được cấp 3, không được trải qua giai đoạn tuổi học trò đẹp nhất của đời người là tôi não lòng. Ít nhất cũng trải hết tuổi học trò, có bằng THPT rồi làm gì thì làm, đi đâu thì đi. Bây giờ tôi chỉ biết hối thúc con tập trung ôn thi, học ở trường, luyện bên ngoài... tranh thủ thời gian ít ỏi còn lại. Nhưng học tài thi phận, không biết đường nào mà lường...”, người mẹ bày tỏ sự lo lắng.

Kiểu gì con cũng phải học THPT nên chị Nga cũng nghĩ đến hệ thống ngoài công lập. Vậy nhưng đây cũng chỉ là bước đường cùng vì điều kiện kinh tế gia đình chị không cho phép, theo học trường tư sẽ rất áp lực.

Cũng cùng tâm trạng này, anh Lưu Đình Trọng, ở Q. Bình Tân cho hay, vợ chồng anh đều học hành đến nơi đến chốn, tốt nghiệp ĐH rồi học lên cao học nên không bao giờ anh nghĩ con cái mình... không học nổi lớp 10. Vậy nhưng, mới đây cô con gái anh nói thẳng với bố mẹ cháu không chắc mình vào được lớp 10 làm vợ chồng anh cũng mất ăn mất ngủ.

Anh Trọng cho biết: "Hồi trước mình đi học, lên lớp 10 là điều hiển nhiên trừ trường hợp đặc biệt lắm thôi. Con tôi không phải diện xuất sắc nhưng cũng thuộc top khá nhưng cháu nói, thi vào lớp 10 có đến hàng chục ngàn học sinh trượt, ngoài lực học còn may rủi trong việc chọn nguyện vọng nữa nên cháu không hứa gì với bố mẹ hết".


Các em cần nhắc kỹ khi lựa chọn nguyện vọng đăng ký vào lớp 10.

Các em cần nhắc kỹ khi lựa chọn nguyện vọng đăng ký vào lớp 10.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, số lượng sinh lớp 9 dự thi vào lớp 10 ở TPHCM ngày càng cao do tốc độ tăng dân số cơ học, những năm sau có thể lên đến 100.000 em. Năm nay, tỷ lệ vào lớp 10 khoảng 76-77%, mỗi năm tiếp theo sẽ giảm thêm 3% nhằm thực hiện chủ trương phân luồng sau THCS vào THPT công lập đến năm 2020 là 70%.

Ông Đạt lưu ý, khi đăng ký nguyện vọng vào lớp 10, giáo viên nên tư vấn kỹ lưỡng cho các em nguyện vọng 1 là kỳ vọng, mong muốn, tiếp đó là nguyện vọng 2 ở mức trung bình có thể đạt và nguyện vọng 3 nên “giữ chỗ” an toàn để tăng cơ hội trúng tuyển cho mình.

Rớt lớp 10 học ở đâu?

Con số gần 82.000 học sinh đăng ký dự thi lớp 10 năm nay là con số trên giấy tờ, còn thực tế con số dự thi chính thường sẽ thấp hơn (như năm ngoái là 68.000 thí sinh đăng ký nhưng chỉ hơn 63.000 thí sinh dự thi) vì thay vì thi vào lớp 10, các em đã tự phân luồng qua các lựa chọn khác.

Như vậy, con số học sinh được coi là chính thức trượt lớp 10 không đến mức khủng khiếp như mọi người vẫn nhầm tưởng. Ngoài ra, cũng phải nhắc đến thực tế ở TPHCM, nhiều trường THPT nhất là các trường vùng ven, ngoại thành có đầu vào lớp 10 thấp không thể tin nổi, chỉ cần 2 - 3 điểm/môn đã đỗ.


Điểm chuẩn của nhiều trường THPT ở TPHCM cực thấp, mỗi môn chỉ 2 - 3 điểm gây áp lực cho cả người học lẫn người dạy. Trong ảnh: Điểm chuẩn lớp 10 năm học 2016-2017 của một số trường ở TPHCM.

Điểm chuẩn của nhiều trường THPT ở TPHCM cực thấp, mỗi môn chỉ 2 - 3 điểm gây áp lực cho cả người học lẫn người dạy. Trong ảnh: Điểm chuẩn lớp 10 năm học 2016-2017 của một số trường ở TPHCM.

Hiệu trưởng nhiều trường và cả giáo viên trực tiếp dạy học chia sẻ, đầu vào quá thấp tạo nên áp lực rất lớn trong việc dạy học cho cả thầy và trò. Thầy cô phải dạy theo kiểu “gò”, hy vọng các em có thể thi tốt nghiệp THPT, còn học trò cũng bị ức chế, căng thẳng vì việc học quá khả năng của mình. Nhiều học sinh vì không theo nổi phải bỏ học giữa chừng.

Vì thế việc phân luồng cho học sinh sau THCS là rất cần thiết để các em có lựa chọn đúng với năng lực của mình. Ông Nguyễn Tiến Đạt khẳng định, chỗ học cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS ở TPHCM không thiếu. Ngoài chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập, mỗi năm các trung tâm Giáo dục Thường xuyên tuyển khoảng 12.000 chỉ tiêu, các trường THPT ngoài công lập tuyển khoảng 21.000 chỉ tiêu và các trường Trung cấp nghề, TCCN tuyển khoảng 40.000 chỉ tiêu.

Đặc biệt, những học sinh tốt nghiệp THCS có hộ khẩu ở TPHCM sang học TCCN đều được miễn 100% học phí. Các em tiết kiệm được thời gian học tập, có việc làm sớm, được liên thông thuận lợi… Năm học 2016-2017 nhờ phân luồng tốt, có khoảng 10.000 học sinh ở TPHCM không thi tuyển vào lớp 10 mà chọn thẳng vào Trung cấp nghề, TCCN.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, các trường, giáo viên chủ nhiệm cần tăng cường công tác tư vấn để phụ huynh, học sinh chọn trường phù hợp theo hoàn cảnh gia đình, năng lực học tập, tránh chọn trường học quá xa chỗ ở, gây khó khăn trong việc đi lại.

Hoài Nam