TS Giáp Văn Dương:

Phụ thu đầu năm phải chăng là “đặc sản” của nước mình?

(Dân trí) - “Phụ thu đầu năm có lẽ là kết quả của chính sách “xã hội hóa” giáo dục, một đặc sản của nước mình”, TS Giáp Văn Dương đặt vấn đề.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Giáp Văn Dương - Tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật ĐH Công nghệ Vienna (Áo), từng làm việc và nghiên cứu tại ĐH Liverpool (Anh), ĐH Quốc gia Singapore.

Ở nước ngoài có Ban phụ huynh không?

Ở nước nào thì không rõ, nhưng ở những nơi mà chúng tôi đã đi qua, con tôi đã đi học (Áo, Anh, Singapore), thì không thấy có Ban phụ huynh (BPH) - mà cách gọi chính xác ở Việt Nam là Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhà trường liên lạc với cha mẹ học sinh bằng thư, email hoặc điện thoại nếu cần gấp.

Vậy phụ huynh xuất hiện trong nhà trường như thế nào? À, đầu tiên là trong tiết mục tìm hiểu trường và đi xin học. Được bộ phận hành chính tiếp đón tử tế đàng hoàng. Nếu cần thì có thể gặp thẳng hiệu trưởng. Trong 4 lần xin học cho con, thì có 2 lần tôi gặp trực tiếp hiệu trưởng, còn hai lần khác thì không, chỉ qua bộ phận giáo vụ.

Sau đó, khi con đã đi học, thì mỗi học kỳ sẽ có gặp mặt 1-1 giữa phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm. Mỗi phụ huynh sẽ có 15 phút để giáo viên cập nhật tình hình học tập của con, khen ngợi vài câu, nêu rõ điểm mạnh điểm yếu, rồi cảm ơn nhau và tạm biệt. Đây là với con tôi. Còn với phụ huynh khác thì chịu. Gặp riêng như vậy để đảm bảo tiếng riêng tư. Tuyệt đối không có họp chung cả lớp mấy học học sinh, bàn cãi căng thẳng, như ở nhà mình.

Ngoài ra, thỉnh thoảng trường có tổ chức lễ hội hoặc sự kiện gì đó, thì bố mẹ có thể tham gia cùng các con. Thường là để quan sát hoạt động của các con và cảm nhận, hoặc tranh thủ mua cái gì để gây quỹ cho các con làm thiện. Ở nhà mình cũng có tiết mục này, nhất là ở các trường tư. Cái khác là ở nhà mình thì phụ huynh gần như chủ trì gian hàng của lớp mình, còn bên kia thì các con. Phụ huynh chỉ "cưỡi ngựa xem hoa”. và khen.

Tác giả bài viết - TS. Giáp Văn Dương. (Ảnh tư liệu)
Tác giả bài viết - TS. Giáp Văn Dương. (Ảnh tư liệu)

Như vậy là ở những nơi đó không có BPH của lớp, lại càng không có BPH của trường. Trừ một nhóm nhỏ các phụ huynh quen nhau vì các con là bạn thân của nhau, thì nói chung, các phụ huynh không biết mặt nhau.

Tuy nhiên, ở Anh, phụ huynh có thể ứng cử vào Hội đồng Trường để tham gia hoạch định và giám sát hoạt động của nhà trường. Trong Hội đồng Trường có đại diện đủ cả, từ phía quản lý giáo dục, nhà trường, quan chức địa phương, phụ huynh, học sinh, một số nghệ sĩ hoặc nhân vật có tiếng… Tôi cũng được giáo viên chủ nhiệm đề nghị tham gia ứng cử vào Hội đồng Trường một lần khi ở Anh nên biết có tiết mục này.

Ở nước ngoài có phụ thu đầu năm không?

Ở châu Âu thì học sinh được miễn học phí nên tất nhiên là không có phải đóng tiền học. Nếu có phải đóng góp gì thì đó là chi phí đi dã ngoại cho con. Trước khi chuyến dã ngoại diễn ra khoảng 2 tuần, phụ huynh sẽ nhận được thông tin về sự kiện, lịch trình, và đề nghị ký xác nhận đồng ý cho con tham gia, đồng ý cho trường chụp hình hoặc quay video tư liệu, kèm theo chi phí phải đóng. Bố mẹ bỏ số tiền đó vào phong bì, dán lại và đưa cho con cầm đến trường là xong. Đây là những thông báo của bộ phận hành chính. Thầy cô dạy chính tuyệt đối không bao giờ nói đến chuyện tiền, hay thu phí, với phụ huynh.

Riêng ở Singapore thì học sinh phải đóng học phí. Mức phí đó là theo quy định của Bộ giáo dục. Nhà trường gửi thông báo, phụ huynh chuyển khoản hoặc thanh toán tự động. Chưa bao giờ thấy phát sinh các phụ phí đầu năm như ở một số trường nhà mình như báo chí đã nêu.

Phụ thu đầu năm có lẽ là kết quả của chính sách “xã hội hóa” giáo dục, một đặc sản của nước mình. Mà cái gì đã là đặc sản thì các bạn biết rồi đấy, chỉ mình mới có. Chứ nếu người khác cũng có thì còn gì là "đặc sản" nữa.

Vẫn biết là bản thân các trường cũng chẳng muốn làm việc này. Chẳng qua cũng vì "cái nước mình nó thế" nên mới phải làm thế. Phải làm thế cho nên mới thế. Chứ thực ra cũng chẳng ai muốn thế. Thế nên mọi chuyện mới thế. Khổ thế đấy...

TS. Giáp Văn Dương