GS. Đinh Xuân Lâm nói về việc giảng dạy môn Lịch sử:

Quá lệ thuộc vào sách

“Bộ quy định phải dạy theo sách, thậm chí đến những câu hỏi học sinh trong sách cũng phải theo mẫu, nguyên văn câu hỏi trong sách giáo viên. Vì nặng, dồn dập nên thầy khó phát huy linh hoạt. Học sinh tiếp nhận bị động, nén xuống, nén xuống và không thích nữa.”

Hội Khoa học Lịch sử vừa có kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT về thay đổi chương trình, SGK và các vấn đề liên quan tới môn học Lịch sử trong nhà trường. Dưới đây là một số ý kiến của GS. Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, một trong số ít người chuyên làm SGK từ những năm 1950 tới nay, về vấn đề này.

Theo GS. Đinh Xuân Lâm, trước kia điểm thi đại học môn Lịch sử không có hiện tượng bi đát như mấy năm gần đây. Ông cho rằng có một nguyên nhân khách quan là khi bắt nhịp với nền kinh tế thị trường, người ta chạy theo những môn học để kiếm nghề dễ dàng hơn.

GS. Đinh Xuân Lâm cũng khẳng định rằng thanh niên, HS của ta rất yêu mến lịch sử, vì lịch sử của mình oai hùng, oanh liệt. Vấn đề là truyền đạt đến họ một cách thích hợp.

Ông cho rằng, về mặt phương pháp truyền đạt, có tính chất áp đặt từ trên xuống dưới, nhồi nhét, thầy không phát huy sáng tạo trong truyền đạt, lệ thuộc vào sách. Bộ quy định phải dạy theo sách, thậm chí đến những câu hỏi hỏi HS trong sách cũng phải theo mẫu, nguyên văn câu hỏi trong sách giáo viên. Vì nặng, dồn dập nên thầy khó phát huy linh hoạt. HS tiếp nhận bị động, nén xuống, nén xuống và không thích nữa.

“Ở các nước, người ta có chương trình hoàn chỉnh, ổn định, có tính chất pháp lệnh. Ở ta, mãi đến năm 2005 mới ban hànhchương trình. Chương trình này chắp vá, chưa đảm bảo tính khoa học nhưng người viết vẫn phải căn cứ vào đó để viết SGK. Trong quá trình viết sách, khi thấy bất cập, chúng tôi có kiến nghị. Thì họ bảo "thôi bây giờ ta vừa viết sách vừa sửa chương trình". Như vậy thì hơi ngược.

Khi xây dựng chương trình, Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục tập hợp người làm, lực lượng ít,anh em cũng học đây đó, nhưng mỗi người mang một kinh nghiệm của mình ghép lại với nhau, chưa tranh thủ ý kiến rộng rãi.

Chương trình bây giờ nặng về nội dung chiến tranh, chưa có hoặc ít hoặc bỏ qua bối cảnh kinh tế, văn hoá xã hội. Giở sách, HS thấy đánh nhau là chính. Thực ra lịch sử chống ngoại xâm thì nói đánh nhau là đúng thôi, nhưng phải có nền tảng văn hóa xã hội lý giải cho thắng lợi của chiến tranh.”

Chính vì lý do trên, Hội Sử học Việt Nam đã đề nghị rà soát lại chương trình.

Về vấn đề cải cách giáo dục, thay chương trình, GS. Đinh Xuân Lâm cho rằng bây giờ dễ có xu hướng kéo dài vì thiếu đôn đốc kiểm tra và kế hoạch cụ thể. Bởi vậy, trong đề xuất của Hội Sử học Việt Nam lần này có yêu cầu Bộ phân công cụ thể, giao đơn vị chịu trách nhiệm, tự lựa chọn người, giới thiệu người có khả năng.

Một trong những đề xuất là rà soát lại chương trình đào tạo giáo viên môn Lịch sử, đặc biệt tăng cường phần nghiên cứu khoa học.

Đối với đội ngũ giáo viên hiện tại, Bộ phải có cách bồi dưỡng thực chất. Phải có chương trình mở rộng kiến thức ra chứ không phải bồi dưỡng kiểu giáo viên nắm chắc sách. Cần cho thầy giáo đi vào con đường nghiên cứu, có lớp bồi dưỡng ngắn hạn vài ba tháng.

GS. Đinh Xuân Lâm nhấn mạnh rằng chương trình bồi dưỡng này cần được xây dựng bài bản. Chứ không phải mang tính chất đối phó cái kiểu mùa hè đi biển nghe báo cáo.

Theo VietNamNet