Góp ý về việc lựa chọn phương án cho kỳ thi THPT quốc gia:

Quan trọng là lựa chọn được phương án ra đề thi thực sự hợp lý

(Dân trí) - “Tôi đồng tình nên tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia như đề xuất của Bộ GD-ĐT. Vấn đề là lựa chọn được phương án ra đề thi, bài thi thực sự hợp lý cho kỳ thi này là điều hệ trọng” - ý kiến của Nhà giáo Nhân dân Lê Đức Quý, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh.

Dân trí
Nhà giáo Nhân dân Lê Đức Quý (ảnh), nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, gửi đến Dân trí bài viết xung quanh việc Bộ GD-ĐT mở diễn đàn lấy ý kiến về lựa phương án cho kỳ thi THPT quốc gia. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
Tôi đồng tình với BGD-ĐT chọn khâu đột phá là đổi mới thi cử trong tiến trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/W. Thực ra, nếu vẫn 2 kỳ thi như bấy lâu nay mà thi tốt nghiệp THPT thực sự nghiêm túc, đánh giá trung thực, khách quan ở mọi miền thì khâu đột phá trong tiến trình đổi mới rất có thể không phải là thi cử. Hiện tại, dù cách thức tổ chức có thể khác nhau, nhưng đại đa số các nước trên thế giới vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT mà cái đích cuối cùng họ đạt được là đánh giá trung thực, khách quan. Chừng nào không đạt được yêu cầu này tất yếu phải điều chỉnh hay từ bỏ. Chính chúng ta đã rơi vào hoàn cảnh này. Đó là lý do số đông độc giả trong đó có cả Giám đốc một số sở GD-ĐT mạnh dạn nói “không nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT mang tính quốc gia như những năm qua”.

Tôi đồng tình nên tổ chức một kỳ thi THPTquốc gia như đề xuất của Bộ GD-ĐT, vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa là căn cứ để xet tuyển vào ĐH-CĐ;  Chọn được phương án ra đề thi, bài thi thực sự hợp lý cho kỳ thi này là điều hệ trọng. Chúng ta có đủ cơ sở tin tưởng vào đội ngũ giảng viên, chuyên gia thực thi nhiệm vụ ra đề thi. Nguyên tắc để thực hiện kỳ thi này trong Dự thảo của Bộ GD-ĐT đã nêu khá rõ. Về chọn môn thi, bài thi Bộ cũng cần phải nêu ra một số nguyên tắc tối thiểu, đặc biệt phải hạn chế tối đa việc học lệch, cắt xén chương trình.

Về môn thi, theo tôi  phương án 2 hợp lý nhất nhưng cần bổ sung thêm: 3 môn thi (không gọi bài thi) là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi Khoa học Tự nhiên (KHTN) (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (KHXH) (Sử, Địa) đều bắt buộc, nghĩa là mỗi học sinh thi 3 môn và 2 bài.

Lần đầu tiên thực hiện kỳ thi này, độ tổng hợp chưa nên đòi hỏi cao đối với các bài thi về KHTN và KHXH.  

Với bổ sung này sẽ hạn chế tối đa việc học lệch, cắt xén chương trình, điều tối kỵ trong quá trình dạy và học mà bấy lâu chúng ta không giám sát được. Thử hỏi lâu nay học sinh các trường phổ thông phần lớn tuyển sinh vào ĐH theo khối A, B, D thì cả năm học lớp 12, và cả 10, 11 có quan tâm đến các môn sử, địa thuộc bài thi KHXH hay không? Đặc biệt căn cứ để tuyển sinh vào ĐH-CĐ rộng mở hơn nhiều so với dự thảo. Nếu không  các trường ĐH-CĐ buộc phải tổ chức thi, khảo sát thêm mặc dầu có thể họ không muốn, lại gây áp lực, tốn kém cho học sinh. Một ưu điểm nữa, thí sinh ổn định tại phòng thi của mình trong suốt cả 2,5 buổi.

Về thời gian thi của các bài KHTN và KHXH nên điều chỉnh lên 150’hay 180’ thay vì 90’ như dự thảo, vì việc điều chỉnh này không dẫn đến tăng buổi thi mà vẫn giữ nguyên 2,5 buổi như dự thảo, tạo thuận lợi cho người ra đề, nhất là sự phân hóa dễ dàng hơn, còn học sinh không phải nôn nóng về thời gian làm bài.

 Thời điểm hiện tại Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến về chủ trương thực hiện một kỳ thi quốc gia và phương án chọn môn thi. Đối tượng quan tâm nhất là lực lượng quản lý, giáo viên, học sinh phụ huynh các trường THPT. Về chủ trương một kỳ thi hẳn là đồng tình cao, và dù cho phương án môn thi hay bài thi nào, thì băn khoăn chung vẫn là có nghiêm túc, công bằng hay không?

Về chọn phương án môn thi, bài thi, tôi giám chắc đại đa sẽ chọn phương án 1. Tại sao vậy? Vì chính cơ quan chủ quản đã khẳng định: “Phương án 1 ít xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực đối với giáo viên và học sinh. Chấm thi thuận lợi dễ dàng”. Còn khó khăn phương án 2: “thi kiến thức tổng hợp chưa chuẩn bị đầy đủ, gây lo lắng, tác động tâm lý giáo viên, học sinh và phụ huynh. Việc chấm thi khó khăn”. Với tư cách là người thực hiện ở khối phổ thông không chọn phương án 1 mới lạ. Những điều khó đối với phương án 2 liên quan đến cơ quan chủ quản đủ thừa khả năng giải tỏa, còn gần năm trời sao không hướng dẫn cơ sở tổ chức dạy, kiểm tra theo tinh thần kiến thức tổng hợp (nếu với bài thi). Chẳng lẽ học sinh nắm và hiểu cơ bản kiến thức các môn Lý, hóa, sinh mà lại không làm được bài thi KHTN ở mức tối thiểu. Rồi việc chấm thi không thể không điều hành được.

Những bất lợi khi thực hiện phương án 1: Diễn ra nhiều ngày (4 ngày, 8 buổi) gây tốn kém cho cả phụ huynh và Nhà nước, vì hội đồng thi quy tụ về các trung tâm. Chưa nói khó khăn trong việc điều hành hiện trường thi đối với môn tự chọn và các môn làm căn cứ để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh (ngoài các môn thi để công nhận tốt nghiệp). Hiện tượng học lệch cắt xén chương trình dễ nặng nề hơn; căn cứ tuyển sinh vào đại học cao đẳng hẹp so với phương án 2 có điều chỉnh như trên.

Điều quan trọng nếu phương án 1 thực hiện năm 2015 thì việc đổi mới thi cử chưa đi vào chiều sâu, vì môn thi quy định không khác gì năm 2014, ngoại trừ quy tụ học sinh với quy mô hội đồng lớn, có sự tham gia của khối các trường ĐH-CĐ (đã thực hiện năm 2007). Tiến trình đổi mới về thi cử diễn ra quá chậm  chạp, không phù hợp với tư tưởng “đột phá”, là  “trận đánh lớn” khi thực hiện Đề án đổi mới Giáo dục.

Không thể không khó khăn, trở ngại trong tiến trình đổi mới nền Giáo dục nước nhà. Không thể không thận trọng với các bước chuyển đổi căn bản, chưa nói là khâu đột phá. Sẽ tạo được sự đột phá về thi cử mà xuất phát điểm là kỳ thi này nếu thành công ở 2 khâu là kỷ cương và chọn môn thi. Cần hướng về phía trước, quyết tâm và bản lĩnh tôi tin Bộ sẽ có quyêt định thích hợp để kỳ thi đáp ứng được lòng mong đợi của đại đa lực lượng giáo giới và xã hội.

Lê Đức Quý