Trung tâm đào tạo ngoại ngữ:

Quảng cáo càng kêu, chất lượng càng đểu ?!

"Khuyến mãi hè - giảm giá 50% học phí", "Một vé học cấp độ A - thưởng 1/2 vé cấp độ B"... thôi thì đủ các chiêu khuyến mãi, các kiểu chào mời, được tung ra từ các trung tâm ngoại ngữ. Nhưng chất lượng đào tạo lại chẳng mấy khi được như người ta vẫn quảng cáo.

Nhốn nháo các trung tâm "ngoại"

 

Nếu như đầu những năm 80 của thế kỷ trước, người ta chỉ biết Trung tâm Ngoại ngữ 33 Nhà Chung và trung tâm Ngoại ngữ Phan Chu Trinh ở phố Nguyễn Thái Học - hai địa chỉ học ngoại ngữ hiếm hoi mà ai muốn được vào học phải mất cả buổi để xếp hàng đăng ký, ngoài giấy tờ tuỳ thân, đơn từ, ảnh... phải có cả bằng tốt nghiệp đại học.

 

Nay thì khác, người ta không còn "mốt" đi học các trung tâm ngoại ngữ kiểu "dạy chay, học bộ" ấy nữa. Bắt đầu xuất hiện các trung tâm tiếng Anh có thành phần nước ngoài tham gia. "Chứng chỉ" nước ngoài cấp, nghe oai như đi du học về, lại có "chuyên gia" nước ngoài trực tiếp giảng dạy. Vậy là, học viên đổ theo "mốt" học các trung tâm có "Tây" dạy dù học phí đắt gấp mấy lần so với các trung tâm "ta".

 

Song, bên cạnh một số rất ít những trung tâm tiếng Anh "ngoại" có uy tín và chất lượng thực sự, không ít các trung tâm để lại phiền toái cho học viên có nhu cầu đi học thực sự. Cứ tưởng có yếu tố "Tây" thì bao giờ cũng tử tế, quy củ, hiện đại hơn. Nhưng không như vậy, nhiều trung tâm tiếng Anh mang nhãn hiệu "ngoại" của thế kỷ XXI trên đất Hà Thành có vẻ không tuân theo cái lý thuyết ấy.

 

Học phí thì... ngất trời, chất lượng chỉ "xè xè nắm cỏ bên đường". Giảng viên Tây - có thật! Nhưng lại là "Tây ba lô". Ai cũng hiểu mấy anh, chị "Tây ba lô" thuộc đủ mọi thành phần. Vậy thì, liệu bao nhiêu phần trăm trong các trí thức người Việt có thể nói tiếng Việt chuẩn? Con số sẽ thật nhỏ bé.

 

Kinh tế thị trường, nên cái "thị trường dạy và học tiếng Anh" cũng không nằm ngoài quy luật chung. Ðủ các kiểu tiếp thị, quảng cáo, các kiểu khuyến mãi, giảm giá, các lời tự giới thiệu kêu như chuông tràn ngập phố phường. Nào là "Tốt lại càng tốt hơn", nào là "Học tiếng Anh trong môi trường chuyên nghiệp", "Cùng bạn tạo dựng tương lai"... Và tất nhiên bây giờ các thượng đế cũng chẳng dễ bị mắc lừa.

 

Một học viên sau khi đăng ký hết trung tâm này sang trung tâm khác, dừng lại học yên ổn tại Hội đồng Anh (British Council) cho rằng: "Chẳng nên tin những lời quảng cáo đó, trung tâm nào quảng cáo càng kêu càng đểu!".

 

Nhìn đi thì cũng phải nhìn lại

 

Chuyện nhốn nháo ở các trung tâm ngoại ngữ cũng chẳng nên đổ hết tội lên đầu các trung tâm. Bởi không phải ai đến trung tâm cũng trung thành với mục tiêu nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình.

Những lớp học tiếng Anh luôn đòi hỏi ở người học những cuộc đối thoại với nhiều chủ đề khác nhau. Có những người tham gia nhiệt tình và bạo dạn, thẳng thắn đưa ý kiến của mình và không ngại mỗi khi nói sai. Nhưng có anh chàng, cả buổi học chỉ ngồi nghe các bạn cùng lớp "xì xồ" mà không nói một câu nào. Chỉ thỉnh thoảng nhếch mép cười, mà hình như cũng chỉ cười bằng... tiếng Việt!

 

Rồi mỗi tối thứ 2, 4, 6, một cô bé lớp 12 đến tham gia học tiếng Anh trên chiếc xe @ tại một trung tâm có tiếng. Rất xinh xắn với những bộ quần áo thời trang, mái tóc ép thẳng, cô bé vào lớp hết soi gương lại lấy điện thoại di động ra bấm lấy bấm để, thỉnh thoảng lại quay sang "buôn" chuyện với cô bạn bên cạnh. Và giờ học cũng kết thúc, sách chưa kịp mở ra lại được cất vào một chiếc balô Nike màu đen đắt tiền. Ở nhà, cha mẹ cô chắc hẳn đang cảm thấy rất yên tâm rằng con gái họ đã bỏ ra khoảng thời gian quý giá để thu nạp kiến thức chuẩn bị cho chuyến xuất ngoại du học vào năm sau.

 

Tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung đang dần trở thành tấm vé thông hành trên con đường hội nhập. Chỉ nhìn ở khía cạnh người học đã thấy rất nhiều chuyện phải bàn.

 

 

 Theo Minh Thu

Kinh Tế Đô Thị