Quảng Ngãi: Trường học “nóng” lên vì học sinh nghỉ học

(Dân trí) - Trường THCS Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi, ngôi trường cấp hai ven biển, nằm trong khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi đang đứng trước những thách thức lớn khi năm nay, con số học sinh nghỉ học cao hơn nhiều so với những năm trước.

Phụ huynh trông chờ… quyết định nghỉ học của con 

Người dân Bình Hải bao năm sống ven biển, nhờ vào lòng khoan dung của biển để có cái ăn, cái mặc. Với họ, việc học cũng tốt, nhưng cũng chẳng bằng việc có con cá, con tôm để nuôi sống qua ngày. Với suy nghĩ “cái chữ có nuôi sống được cái miệng đâu”, họ không mặn mà với việc đến trường. Tư tưởng đó ăn sâu vào trong máu họ, nó ảnh hưởng đến thế hệ trẻ đang lớn lên, đang trong tuổi đến trường. Việc cho con đến trường không phải là ưu tiên hàng đầu mà là phải “biết làm việc để nuôi sống bản thân ngay từ khi chúng có thể làm việc”, như câu nói của một ngư dân tên D. ở đây. Trẻ em Bình Hải biết chèo thuyền thúng nhanh hơn biết cầm bút, biết đọc thời điểm triều lên nhanh hơn đọc chính tả.

Cơn bão số 9 năm ngoái qua đi, nhưng dấu tích của nó gần như đang hiện hữu qua từng ngôi nhà sụp nát, những khoảng trống của sân vườn để lại sau cơn sóng biển ngày bão tràn vào, cuốn đi nhà cửa, của cải. Cuộc sống khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập của học sinh vùng biển này. Chuyện nghỉ học, bỏ học... không còn là một cái gì to tát với họ. Họ sẵn sàng cho con nghỉ học mà không một chút băn khoăn.

Thầy giáo Nguyễn Tấn Được, Bí thư Chi bộ, Phó hiệu trưởng Trường THCS Bình Hải cho hay: “Hình như người dân vùng biển nghèo này chỉ trông chờ vào cái quyết định của nhà trường về việc cho con họ nghỉ học thì phải. Vì một lý do nào đó chúng tôi buộc phải ra quyết định cho một học sinh nghỉ học, đem quyết định đó cho gia đình họ ký thì họ chẳng hề do dự, chẳng biểu lộ một chút gì gọi là tiếc nuối hay năn nỉ nhà trường cho con quay lại trường. Họ thẳng tay cầm bút ký xẹt, hành động đó làm chúng tôi vô cùng đau lòng. Sự học ở đây thật sự đang lên cơn báo động về thực trạng nghỉ học của học sinh trong vùng”.

Quảng Ngãi: Trường học “nóng” lên vì học sinh nghỉ học - 1
Trường THCS Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi. (Ảnh: Trọng Huy)

Nghỉ học đang lên đến cao trào

Trao đổi với thầy Được, chúng tôi được biết thêm, từ nhiều năm qua tình trạng nghỉ học của học sinh trong vùng đã diễn ra nhưng nó chưa đến mức báo động như năm nay. Trước đây, hàng năm có khoảng từ 1% đến 1,5 % học sinh của trường nghỉ học (tổng học sinh của trường giao động trên dưới 1.000 em/năm). Riêng năm nay, tỷ lệ nghỉ học lên tới 2,5% trong tổng số 850 học sinh. Trong học kỳ một có 18 em nghỉ học, sang đầu kỳ hai đã có thêm 6 em nghỉ học. Học sinh nghỉ học rơi vào các khối 7, 8, 9 là chủ yếu. Đối tượng nghỉ học cơ bản là những em có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cũng có những học sinh hư hỏng buộc phải thôi học, học sinh khuyết tật không thể theo học được.

“Chuyện nghỉ học của học sinh vùng này dù là lý do gì thì cũng thật sự không quan trọng gì đối với các bậc phụ huynh của các học sinh đó. Nhận thức của ngư dân vùng biển nơi đây còn rất thấp, họ vốn ít học, cuộc sống khó khăn càng làm cho họ chẳng mấy mặn mà gì với việc chăm lo sự học cho con cái họ đến nơi đến chốn”, thầy Được cho biết thêm.

Theo thầy Được thì vấn đề học sinh nghỉ học đang thật sự lên cao trào, cần phải có sự liên kết của các đoàn thể từ nhà trường, gia đình, xã hội để ngăn chặn kịp thời nạn bỏ học của học sinh trong vùng.

Thầy Được cho biết Ban giám hiệu cũng đã liên tục có những cuộc họp giáo viên toàn trường để đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn ý định bỏ học của học sinh. Cụ thể là giáo viên chủ nhiệm, bộ môn trực tiếp theo dõi những em có thể bỏ học để từ đó động viên, phối hợp với hội phụ huynh học sinh, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, mặt trận của địa phương để có những biện pháp tích cực, kịp thời. Giáo viên cũng đến vận động tại nhà từng em, thuyết phục phụ huynh đưa con đến trường.

“Chúng tôi đang ra sức tích cực tìm mọi biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài để hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng học sinh nghỉ học. Nhưng một thực trạng đáng buồn cứ diễn ra tại vùng quê nghèo này là, ngoài những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không thể đến trường, những em học kém quá, bỏ học đi làm ăn thì còn đó những em học sinh quá hư hỏng, đạo đức học sinh đang xuống cấp nghiêm trọng. Vấn đề này một phần do gia đình lơi lỏng trong quản lý, cùng với quá trình đô thị hóa đang đẻ ra các dịch vụ vui chơi thu hút giới trẻ trong độ tuổi đi học, cuốn các em vào những trò chơi ảo trên mạng, ham mê game mà bỏ học cũng là những vấn đề đáng báo động. Ngoài phạm vi nhà trường thì rất cần chính quyền địa phương mạnh tay can thiệp. Nhưng đến nay thì vấn đề này mặc dù nhà trường đã nhiều lần kiến nghị nhưng chính quyền vẫn chưa có những giải pháp can thiệp hiệu quả”.

Trong lúc đang tiếp chuyện với tôi thì thầy Được có điện thoại. “Là cuộc họp liên ngành của xã tổ chức để bàn, tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng nghỉ học đó. Vấn đề này hiện giờ đang làm đau đầu không chỉ nhà trường mà còn của toàn thể chính quyền xã”, thầy Được nói vội rồi chào tôi để đi họp.

Trường THCS Bình Hải được xây dựng từ 1976, đến nay đã 35 năm, đã trải qua biết bao mùa bão táp. Cho đến giờ, như cách nói của thầy phó hiệu trưởng thì cơ sở vật chất đã “về mo”, nhà trường không thể cho học sinh đến trường mỗi khi gió lớn, sắp tới trường cũng sẽ có quy hoạch chuyển đi. Nhưng vấn đề đó vẫn là chuyện của tương lai. Còn hiện giờ, cả trường, cả xã đang “lên giây cót” để tìm mọi biện pháp “hạ nhiệt” tình trạng học sinh nghỉ học.

Trọng Huy