Quảng Ninh đứng đầu về số vụ HS đánh nhau

(Dân trí) - Kết quả kiểm tra Phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” tại 12 tỉnh/thành phố thuộc 7 vùng thi đua cho thấy, trong 12 tỉnh thành có 384 HS đánh nhau. Đặc biệt nhất là Quảng Ninh khi có 169 em, kế tiếp là Tây Ninh với 126 em.

Về số lượng học sinh (HS) vi phạm và bị kỷ luật, Lạng Sơn đứng đầu với 151 em, tiếp theo là Bà Rịa Vũng Tàu với 132 em, Tây Ninh có 83 em. Tổng 12 tỉnh thành có 376 em đã bị kỷ luật vì vi phạm trong năm học 2011-2012.

Cũng theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2011-2012, tổng số bỏ học của kỳ I ở các tỉnh thành trên là 13.980 em. TP.HCM là địa phương có nhiều HS bỏ học nhất với 5.619 em. Bình Định, Quảng Ngãi, Sóc Trăng cũng có tới hơn 1.000 em không tiếp tục đến trường.

Những con số trên cho thấy một phần nào đó có sự xuống cấp đạo đức trong giới trẻ. Bên cạnh đó, mối quan hệ mật thiết giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục HS vẫn chưa thực sự bền vững. Theo dư luận xã hội, sở dĩ tình trạng HS đánh nhau trong thời gian gần đây ngày càng gia tăng là do giáo dục kỹ năng sống trong trường học chưa được chú trọng.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra phong trào cho thấy việc rèn luyện kĩ năng sống đã được đưa vào dạy ở chương trình phổ thông với hình thức tích hợp nội dung vào một số môn học và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Một số nơi đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kĩ năng sống, giá trị sống cho cán bộ, giáo viên (GV) cốt cán. Một số dự án giáo dục của Bộ đã tập huấn cho cán bộ, GV cốt cán về tổ chức và nội dung kĩ năng sống.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là cập nhật, bồi dưỡng dạy kĩ năng sống cho cán bộ, GV của nhà trường còn chưa đáp ứng được nhu cầu ở cơ sở. Tài liệu giáo dục kỹ năng sống cho các nhà trường còn chưa đủ. Qua trao đổi trực tiếp với GV cho thấy GV còn hiểu chưa đúng về việc tích hợp dạy kỹ năng sống cho HS vào các môn học. Phần lớn GV hiểu tích hợp là dạy thêm kiến thức về kỹ năng sống sau khi hết nội dung bài giảng, do vậy thường không đủ thời gian. Năng lực một số GV còn chưa đáp ứng được việc giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động tập thể (trò chơi, hát dân ca, hướng dẫn câu lạc bộ,…).

Việc phối hợp với giáo dục an toàn giao thông, phòng chống nghiện chơi game hoặc chơi game có nội dung không lành mạnh, đánh nhau trong và ngoài trường học được các nhà trương chú trọng. Kết hợp với năm An toàn giao thông, các nhà trường đã tích hợp, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, giao lưu để qua đó nâng cao nhận thức rèn luyện kĩ năng đảm bảo an toàn cho mỗi người và an toàn cho trường học. Tỉ lệ đánh nhau, vi phạm an toàn giao thông, tai nạn thương tích, vi phạm kỉ luật trong HS giảm. Thông qua rèn luyện kĩ năng phòng chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường, HS tự tin, chủ động ứng xử phù hợp và tốt hơn trong các mối quan hệ và xử lí công việc.

Ở vùng đô thị, đa số các gia đình chú trọng vào việc cho HS học thêm quá nhiều, ít thời gian tham gia hoạt động rèn luyện kĩ năng. Thậm chí có nhiều trường và cấp quản lí giáo dục ở một số nơi hầu như chỉ chú trọng đến kết quả thi chuyển cấp, thi HS giỏi, tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Kết quả giáo dục kĩ năng sống, lối sống, nhận thức xã hội, ý thức xã hội của HS không được coi trọng như điểm số học tập.

Môi trường xã hội còn có nhiều hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng không tốt đến xây dựng môi trường thân thiện, tích cực trong trường học. Nạn tảo hôn ở một vài nơi đã ảnh hưởng đến việc đi học của HS, nhất là HS nữ.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, trong năm học tới tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” trong các nhà trường. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn cung cấp các kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cốt cán về một số nội dung của phong trào thi đua để có thể tập huấn lại trong các lớp tập huấn hè ở địa phương. Tăng cường giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa cán bộ, GV của các cơ sở giáo dục trong cả nước.

Thông qua đó để nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý và triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” trong các nhà trường một cách hiệu quả và bền vững; Hướng dẫn và nâng cao năng lực GV làm công tác tư vấn; năng lực vận dụng phương pháp kỷ luật tích cực trong dạy học và giáo dục; giáo dục kỹ năng sống cho HS. Bên cạnh đó, hướng dẫn tổ chức câu lạc bộ cho HS; tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, trò chơi dân gian trong trường học.

Nguyễn Hùng