Quanh chuyện đồng phục nữ sinh

(Dân trí) - Sự “thất sủng” của các bộ đồng phục áo dài trắng của nữ sinh trong các trường THPT và sự “lên ngôi” của áo sơ mi cùng chiếc quần tối màu mà cả 3 cấp Tiểu học, THCS và THPT đều lấy làm mẫu đồng phục dường như chứa đựng trong đó nhiều bí ẩn và ý nghĩa.

Đôi điều ngại ngùng…

Chị Trang Nhung có con đang học tại trường THCS Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) với vẻ mặt đầy hài lòng kể: May mà nhà trường có yêu cầu tất cả học sinh phải mặc đồng phục áo sơ mi trắng và quần xanh tím than.

Con gái chị Trang Nhung năm nay lên lớp 7. Mặc dù cô bé Hương Ly năm nay mới có 12 tuổi nhưng em đã phổng phao như một thiếu nữ và quả là không thích hợp chút nào khi nhiều người bạn cùng lớp của em chỉ là những đứa trẻ bé... tí hin.

“Thế rồi đứa “to”, đứa “nhỏ” và bọn nhóc tuổi đó lại hay... tò mò nên rất mệt với chúng” - chị Nhung tâm sự - “Chính nhờ chiếc áo sơ mi trắng rộng thùng thình đã giúp con bé nhà tôi trở về đúng tuổi của nó và hoà đồng cùng với chúng bạn”.

Cũng cùng một cảnh như chị Nhung, chị Nguyễn Loan nhà ở Kim Ngưu đang có con học ở trường THCS Mai Động cũng cảm thấy rất lúng túng khi cô con gái của mình vừa bước vào tuổi 13 mà nhìn đã rất... “gợi cảm”. Nếu không có bộ đồng phục bao bọc thì làm sao con bé tránh được ánh mặt rình rập của kẻ xấu. Mà tuổi của cháu dường như vẫn còn quá nhỏ để ý thức đến điều đó” - chị Loan cho hay.

Theo lời của một nhà tâm lý học thì trẻ em Việt Nam đang ngày càng dậy thì sớm hơn. Trong khi đó, vấn đề giáo dục giới tính ở Việt Nam thì lại chưa theo kịp với “tốc độ” dậy thì đó. Và chiếc áo trắng của đồng phục học trò đã trở thành một giải pháp hữu hiệu nhất cho việc giữ gìn sự hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi này!

Những bộ đồng phục gọn gàng, ý nghĩa

Đối với bậc THPT thì trong 1-2 năm nay, tà áo dài đã bị “thất sủng” và thay vào đó là chiếc áo sơ mi trắng trong đồng phục của học trò.

Về sự đổi ngôi này, em Hoàng Yến - nữ sinh trường Chu Văn An đã nhận xét: “Áo dài toàn thân màu trắng, lại chấm gót nên rất dễ bị vấy bẩn. Trong khi đó, quần tây thường màu xanh đậm, ít nhìn thấy vết bẩn đó hơn, rất tiện cho nữ sinh nhất là trong những ngày “đèn đỏ”.

Áo sơ mi, quần tây thường may rộng rãi, nhà có hai chị em gần tuổi vẫn có thể mặc được, áo dài khó mặc hơn. Đối với một số bạn học sinh bị béo phì, gò ép họ trong bộ áo dài chẳng khác gì một cực hình và nhìn rất phi thẩm mỹ. Chiếc áo sơ mi trắng rộng sẽ che được những khiếm khuyết này”.

Sau nhiều năm tranh cãi đồng phục của học sinh phải thế nào, cách đây không lâu, bà Đặng Huỳnh Mai lúc đó vẫn còn là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường có thể tự chọn đồng phục trường mình sao cho phù hợp.

Nhiều trường đã chọn những bộ đồng phục độc đáo để tạo thương hiệu cho trường mình nhưng hầu hết đồng phục của học sinh hiện nay là theo chuẩn áo sơ mi trắng, quần đen hoặc xanh tím than. Thực sự bộ đồng phục này đã đảm bảo được 5 điều kiện: nghiêm túc, đứng đắn, gọn nhẹ, phổ thông, có tác dụng giáo dục.

Đồng phục học trò đã xóa bỏ sự ngăn cách và mặc cảm về giàu nghèo giữa các em học sinh, tôn thêm nét đẹp tuổi học trò, tránh được những kiểu ăn mặc lố lăng, xây dựng ý thức giữ gìn truyền thống, lòng tự hào và danh dự của nhà trường, giúp các em tránh được những hành động và việc làm không phù hợp...

M.M