Qui định chuẩn quốc gia đối với đại học: Các trường khó thực hiện!

(Dân trí) - GS.TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, Thông tư số 24/2015/TT – BGDĐT – ngày 23/09/2015, của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, về “Qui định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học” ở Việt Nam hiện nay (gọi tắt là Thông tư 24) còn nhiều bất cập và khó thực hiện được.

Làm việc gì cũng phải xin phép!

Hiện nay ở Việt Nam, không kể hệ thống an ninh và quốc phòng, trong lĩnh vực dân sự đã có 436 trường đại học và cao đẳng (năm học 2014 – 2015), trong đó có 219 Đại học (và trong số này có 60 ĐH ngoài công lập). Như vậy bình quân mỗi tỉnh cũng có gần 7 Trường Đại học và Cao đẳng. Số lượng như vậy là lớn, nhưng phân tán, nên Bộ GD&ĐT rất khó kiểm soát trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ đào tạo tại các trường.

Đề cập đến quyền tự chủ của các Đại học và quyền kiểm tra giám sát của Bộ Giáo dục & Đào tạo đối với các Trường, trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo Luật định. GS.TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, một số nội dung còn bất cập tại Thông tư số 24/2015/TT – BGDĐT – ngày 23/09/2015, của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, về “Qui định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học”ở Việt Nam hiện nay (gọi tắt là Thông tư 24).

Theo GS Hóa, nhiệm vụ trọng tâm của các Đại học là đào tạo trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ. Để thực hiện nhiệm vụ này, các Đại học phải thực hiện những công việc như: Xây dựng cơ sở vật chất; Tuyển chọn đội ngũ cán bộ giảng dậy và quản lý; Mở ngành và chuyên ngành đào tạo; Xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh; Xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức đào tạo; In phôi bằng và chứng chỉ, cấp cho người học.

Các việc trên hầu hết các trường đều phải xin phép, Bộ đồng ý các Trường mới được thực hiện. Trong đó chỉ có việc thứ nhất – Xây dựng cơ sở vật chất, các Trường ngoài công lập, được “tự động thực hiện”, còn các việc tiếp theo đều phải xin phép.


Theo qui định tại Thông tư 24, thì diện tích đất, phải đảm bảo 25 m2 /1SV... có quá xa vời. (ảnh: minh họa)

Theo qui định tại Thông tư 24, thì diện tích đất, phải đảm bảo 25 m2 /1SV... có quá xa vời. (ảnh: minh họa)

Khó đạt chuẩn về cơ sở vật chất

Về xây dựng cơ sở vật chất, GS Hóa cho rằng, cơ sở vật chất của các Đại học là yếu tố rất quan trọng để tạo dựng môi trường và nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay cơ sở vật chất của hầu hết các Đại học, đặc biệt là Đại học ngoài công lập, còn rất thấp kém so với nhiều trường đại học trong khu vực. Còn có không ít đại học ngoài công lập, phải thuê mượn địa điểm thường xuyên. Rất tạm bợ, không đủ điều kiện tác nghiệp về sư phạm.

Thấy được tình trạng trên, Bộ đã có Thông tư chỉ đạo các Đại học cần nâng cấp, để đạt chuẩn quốc gia. Theo qui định tại Thông tư 24, thì diện tích đất, phải đảm bảo 25 m2 /1SV. Vậy nếu trường có 10.000 SV, thì phải có khuôn viên 25 ha; 25.000 SV – 65 ha; 30. 000 SV – 75ha...

"Với qui định này, hiện nay ở Việt Nam đã có mấy trường đạt chuẩn về diện tích theo qui định?!. Như vậy qui định này là chưa xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Nếu qui định này là cho “tương lai”, thì lại là quá xa vời" - GS Hóa nhấn mạnh.

Còn đối với diện tích sàn xây dựng, theo Thông tư 24, phải là: 3m2/1SV, theo GS Hóa, Bộ cần thống nhất cách tính cho các ca học của Trường: phải tính 2 ca/ngày. Nghĩa là “ Diện tích sàn xây dựng” phải được nhân đôi.

Qui định tại Thông tư 24/2015, “sàn xây dựng” bình quân là 3m2/1 sv, đã cao hơn qui định tại Thông tư 57/2011/TT – BGDĐT, ngày 02/12/2011: 2m2/1 sv. Tăng thêm 1m2/1SV. Với qui chuẩn này, là rất khó khăn với các Đại học, như vậy đồng nghĩa với việc khó đạt chuẩn cho nhiều Đại học trong điều kiện ở VN hiện nay.

Việc qui định chuẩn “Diện tích đất” và “Diện tích sàn xây dựng” là cần thiết, để tiến tới có nhiều Đại học đạt chuẩn Quốc gia, tuy nhiên, theo GS Hóa, với quy định cần có lộ trình để các Đại học thực hiện. Nên chăng có sự phân biệt giữa Đại học công lập và ngoài công lập và Bộ sẽ xử lý thế nào, nếu một số đại học không đạt chuẩn quốc gia trong một thời gian dài.

Chưa thể tách bạch “định hướng” các đại học hiện nay

Về đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, Thông tư 24, qui định tỷ lệ sinh viên/giảng viên. Tại Thông tư này, phân định chi tiết các cơ sở đào tạo, như: Cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu; Cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng; Cơ sở GDĐH định hướng thực hành…

GS Hóa cho rằng, quy định như vậy chưa phù hợp với hiện trạng các đại học ở Việt Nam hiện nay. Vì chưa có một đại học nào chỉ theo một định hướng như Thông tư 24/2015/TT – BGDĐT! của Bộ. Mà hầu hết các Đại học đều đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Vì thực tế tại hầu hết các đại học, một giáo viên có thể dạy một số môn chung cho một số ngành khác nhau, và như vậy họ phải được thống kê vào các khoa mà họ đảm nhận giờ giảng. Chưa thể tách bạch “định hướng”các đại học hiện nay, theo Thông tư 24 đã nêu.

Vì vậy, qui định “chuẩn giáo viên” cho từng ngành đào tạo, GS Hóa đề nghị cần phải xem xét trên thực tế của các Đại học Việt Nam và bước đi của các Đại học trong khu vực.

Về mở ngành đào tạo, theo GS Hóa đây là việc khó khăn của nhiều Đại học, đặc biệt là Đại học ngoài công lập. Vì tìm đủ các số giảng viên có học vị TS cho một mã ngành xin mở là không dễ. GS Hóa đề nghị Bộ GD&ĐT khi các trường xin mở ngành, chưa nhất thiết ngay từ đầu phải có đầy đủ giáo viên trong biên chế theo qui định, mà chỉ cần số giáo viên chủ chốt (TS, Ths… để lãnh đạo khoa, bộ môn…theo qui định).

Về thủ tục mở mã ngành, GS Hóa cho rằng rất phức tạp vì phải làm nhiều bộ hồ sơ, theo mẫu, nộp Sở GDĐT (với trường ngoài công lập). Sở duyệt, nếu được, sẽ trình Bộ. Chờ một vài tháng, nếu Bộ duyệt, “cấp phép”, coi như thành công. GS Hóa đề nghị: Hồ sơ mở ngành – với ĐH ngoài công lập, không cần qua Sở GDĐT, mà chuyển thẳng lên Bộ. Nếu đã được cấp phép một mã ngành, thì ngành tiếp theo không phải thuyết minh cơ sở vật chất và các điều kiện chung của Trường nữa; Nếu thực hiện được như vậy, có nghĩa là Bộ đã giảm được thủ tục hành chính với các trường Đại học.

Chỉ tiêu tuyển sinh xác định 1 lần có giá trị trong 5 năm

Về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, GS Hóa cho rằng, chỉ tiêu tuyển sinh là do các Đại học tự xác định, dựa trên hai điều kiện chủ yếu, đó là: Đội ngũ CBGD và Cơ sở vật chất của Trường.

Do đó, không nhất thiết năm nào cũng “xin”chỉ tiêu. Mà chỉ tiêu chỉ xác định một lần và có giá trị trong 5 năm, nếu Đại học ấy không có sự biến động hai điều kiện nêu trên.

Bộ cũng nên bỏ hình thức “phạt” khi một đại học nào đó tuyển vượt một số chỉ tiêu. Thực tế là: trường tuyển vượt chỉ tiêu thì phạt, còn trường tuyển sinh không đạt kế hoạch, thì lại “bình an vô sự”. Một thực tế khó thuyết phục trong điều kiện “kế hoạch hóa” ở Việt Nam!.

Việc Bộ có ý định một vài năm tới sẽ khống chế số lượng sinh viên của các Đại học. Về vấn đề này GS Hóa cho rằng Bộ Giáo dục Đào tạo, cần xem lại, vì: Cơ sở vật chất và đội ngũ CBGD, của một đại học, Bộ đã duyệt, đang đủ điều kiện để đào tạo một số lượng SV nhất định, bây giờ giảm số lượng sinh viên đi, vậy: Cơ sở vật chất của Trường thừa ra, sử dụng làm gì ?, Giáo viên thất nghiệp đi đâu, làm gì bằng nghề đặc thù của họ?!.

Theo GS Hóa, SV Việt Nam hiện nay thất nghiệp nhiều, thực tế này không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới từng lúc, từng nơi cũng có nhiều người thất nghiệp, trong đó có không ít sinh viên. Sinh viên thất nghiệp không phải là “tội” của các đại học, mà là khuyết điểm của nền kinh tế, cụ thể là sự yếu kém của hệ thống doanh nghiệp và các cơ quan, không tạo ra được việc làm để thu hút những trí thức trẻ vừa được đào tạo. Do đó, theo GS Hóa căn cứ vào hiện tượng, để hành động theo cảm tính, sẽ là vội vàng và dễ dẫn đến sai lầm trong chính sách.

Chưa hợp lý trong in phôi bằng

Về việc phôi bằng và cấp bằng cho người học đủ điều kiện tốt nghiệp, GS Hóa cho rằng, cấp bằng tốt nghiệp là quyền của các đại học. Tuy nhiên quyền này phải được sự công nhận của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Logic thì trường đã được cấp bằng, thì phải được in phôi bằng. Nhưng thực tế không phải như vậy. Đã lâu nay Bộ đã giữ quyền in phôi bằng. Các trường cần thì lên mua như vậy chưa hợp lý.

GS Hóa kiến nghị, việc được in phôi bằng và các chứng chỉ, là một nội dung trong quyền tự chủ của các đại học. Vì vậy Bộ cần trao quyền đó cho các đại học. Bộ giữ quyền kiểm tra và thanh tra định kỳ, nếu cần.

GS cũng đề nghị cần xem xét lại quy định, Bằng tốt nghiệp bị mất, được phép cấp lại. Theo khoản 3, điều 2 Qui chế Văn bằng, chứng chỉ, của Hệ thống giáo dục quốc dân(Ban hành theo Quyết định số 33/2007/QĐ – BGD ĐT, ngày 20 tháng 6 năm2007, của Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, qui định: Bản chính văn bằng, chứng chỉ, chỉ được cấp một lần, không cấp lại).

Hồng Hạnh (ghi)