Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ đối với chế độ cử tuyển

(Dân trí) - Cử tuyển là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc miền núi và đặc biệt với vấn đề cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện cử tuyển đã nảy sinh nhiều bất cập, cần khắc phục.

Trao đổi với phóng viên về ý kết quả sau 15 năm thực hiện chế độ cử tuyển, ông Tráng A Pao - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết:

 

- 15 năm qua chúng ta đã có trên 20.000 học sinh vào các trường ĐH - CĐ và trung cấp, trong đó có gần 15.000 học sinh vào ĐH - CĐ. Nhiều dân tộc thiểu số như Hà Nhì, Lao, Sinh Mun, Bố Y... lần đầu tiên có con em được đi học theo chế độ cử tuyển. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là nông lâm nghiệp, thủy lợi, sư phạm, văn hoá... Nhiều địa phương nhờ nguồn cán bộ được đào tạo theo chế độ cử tuyển đã khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ, một số dân tộc thiểu số đã hình thành đội ngũ cán bộ trí thức của dân tộc mình.

 

Trong quá trình thực hiện chế độ cử tuyển đã nảy sinh ra nhiều bất cập như gian lận trong đối tượng, khai không đúng thực tế vùng cử tuyển. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

 

Đúng là đã nảy sinh ra vấn đề này, đó là do một số ngành chưa nhận thức đầy đủ về mục tiêu của chế độ cử tuyển nên thiếu quan tâm. Qua giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội  và các đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy: Có tỉnh nhiều học sinh  thay đổi địa chỉ cư trú từ thị trấn, thị xã thành vùng cao; có nơi thay đổi thành phần dân tộc Kinh thành người dân tộc thiểu số để được xét cử tuyển.

 

Mặc dù Chính phủ và các Bộ ngành đã có văn bản chỉ đạo hướng dẫn việc quản lý đầu vào, đầu ra đối với học sinh cử tuyển nhưng thực tế nhiều địa phương quản lý lỏng lẻo chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính nên dẫn đến tình trạng không theo dõi được học sinh cử tuyển. Thậm chí có nơi cử người đi học khi ra trường lại không nhận về và không bố trí công việc. Nhiều địa phương không có kế hoạch đào tạo cán bộ theo vùng tuyển nên đã lấy vùng khác thay thế.

 

Mặt khác, khi các cơ quan, bộ ngành khi giao kế hoạch và chỉ tiêu cử tuyển chưa nắm chắc được tình hình thực tế nên dẫn đến nhiều địa phương thừa sinh viên nhưng vẫn thiếu cán bộ. Hiện nay, một số dân tộc chưa có học sinh cử tuyển như dân tộc Ngái, Lự, Mảng, Si La, Brâu, La Hủ, Ơ Đu, Rơ Măm…Thời gian giao chỉ tiêu được quy định là trước 2 tháng, nhưng hàng năm đều giao quá chậm so với quy định trong khi đó quy trình xét duyệt tuyển chọn lại quá nhiều khâu phức tạp so với quy định. Những tồn tại này đã làm nảy sinh các sai sót, tệ quan liêu, khép kín, thậm chí có cán bộ vì mục đích và động cơ cá nhân đã cố tình làm sai quy định. 

 

Theo ông, để khắc phục những bất cập trên cần có những biện pháp gì?

 

Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa chế độ cử tuyển của từng địa phương đảm bảo việc thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu.  Các Bộ, ngành ở TƯ với chính quyền địa phương cần cơ chế phối hợp chặt chẽ  để quản lý cả đầu vào và đầu ra đối với học sinh cử tuyển và chỉ định rõ cơ quan nào ở TƯ,  cơ quan nào ở địa phương chịu trách nhiệm quản lý, phối hợp tổ chức thực hiện vấn đề này.

 

Quốc hội sẽ chỉ đạo và giao cho các ngành chức năng có kế hoạch, quy hoạch về mục tiêu đào tạo chế độ cử tuyển. Bên cạnh đó, cần có cơ chế mở, không nhất thiết đào tạo cử tuyển chỉ có ĐH - CĐ mà phải hướng tăng cường đào tạo ở bậc THCN và Dạy nghề. Đề nghị Chính phủ có chế độ ưu đãi, khuyến khích vật chất đối với học sinh, sinh viên cử tuyển đặc biệt là các vùng khó khăn để cho các em có điều kiện học tốt hơn.

 

Mai Minh - Hồng Hạnh

(thực hiện)