Quy hoạch trường sư phạm: Giải quyết tội “sinh đẻ vô kế hoạch” không dễ

(Dân trí) - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, việc quy hoạch các trường sư phạm cần bàn thảo chứ không thể nói là làm ngay đuợc, chuyện không dễ bởi đây là tội “sinh đẻ vô kế hoạch” nhiều năm trước để lại.


PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

Tán đồng với việc quy hoạch lại các trường sư phạm hiện nay theo kế hoạch đưa ra của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, quy hoạch là cần thiết vì tội “sinh đẻ vô kế hoạch” nhiều năm trước để lại.

Theo ông Nhĩ, trước đây cả nước có trên 200 trường sư phạm đào tạo từ mẫu giáo, tiểu học, THCS đến ĐH sư phạm. Rồi đến năm 1994, hồi đó tôi còn làm thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã thực hiện 1 bước quy hoạch các trường sư phạm lại còn khoảng gần 70 trường. Cụ thể, gom các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS nhập lại thành 1 trường, mỗi tỉnh có 1 trường và do các địa phương quản lý. Các trường đại học sư phạm thuộc TƯ quản lý là ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Huế, TP.HCM...

Thời gian sau đó, các trường đại học, cao đẳng lại mở thêm khoa sư phạm nên số trường sư phạm cả nước có khoảng hơn 100 trường. Đối với các trường sư phạm không ai quản lý nữa đã để tự phát. Bên cạnh đó, chúng ta tiến hành phổ cập tiểu học và phổ cập THCS nên nhu cầu giáo viên lúc đó khá nhiều. Các trường thi nhau đào tạo nên sinh ra mâu thuẫn tình trạng dư thừa giáo viên hiện nay.

Quy hoạch phải tính toán tới quy mô dân số

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết, khi quy hoạch trường sư phạm là phải tính toán thực tế tới phát triển dân trí.

Phân tích về việc dư thừa giáo viên, ông Nhĩ cho hay, thời gian trước, dân số nước ta phát triển tới 1,7 - 1,8 nhưng sau đó do làm tốt dân số kế hoạch hoá nên dân số cả nuớc thấp chỉ còn 1,2 . Nhưng khi tính toán đào tạo giáo viên lại vẫn tính ở mức dân số lúc quy hoạch từ 1,7 - 1,8 nên khi dân số giảm dẫn đến tình trạng dư thừa giáo viên. Thêm vào đó, các lớp học hiện nay không phải 30 - 35 theo quy định mà mỗi lớp lên tới 50 - 60 học sinh, vậy giáo viên dư thừa là đúng.

Do vậy, việc quy hoạch lại các trường sư phạm là hoàn toàn đúng nhưng quy hoạch lại bao nhiêu trường, quy mô như thế nào cho hợp lý cần phải bàn thảo kỹ lưỡng chứ không thể nói quy hoạch tất cả các trường sư phạm thành 8 – 9 trường vì dựa vào cơ sở nào để nói như vậy. Bây giờ quy mô dân số đã ổn định nhưng xu thế chung của thế giới là dân số già đi và giảm đi … cho nên phải tính toán xu thế xã hội.

Phải cho THPT học 2 buổi/ngày

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, để giảm bớt tình trạng dư thừa giáo viên thì dứt khoát THPT phải học 2 buổi/ngày chứ không thể dạy 1 buổi như hiện nay.

Khi tổ chức 2 buổi/ngày để tính quy mô học sinh các cấp là bao nhiêu, sau đó tính toán tổng thể nhu cầu của toàn thể giáo viên xã hội để đào tạo hệ gì 3 năm hay 4 năm… và từ đó tính tuổi đời phục vụ của giáo viên vì họ dạy vài chục năm như vậy, liệu có bám trụ đến 60 tuổi hay không.

Do đặc thù như vậy, ngành quản lý phải tính sinh viên sư phạm ra trường từ 22 - 23 tuổi làm việc đến 55 – 60 tuổi. Như vậy 30 năm họ cống hiến từ đó ta tính nhu cầu hàng năm của giáo viên là bao nhiêu?. Sau đó mới nói trường sư phạm quy mô hợp lý của nó là bao nhiêu?. Bộ GD&ĐT phải thận trọng trong tính toán.

Phải giảm bớt giáo viên tuổi cao

Về vấn đề dư thừa cử nhân sư phạm, ông Nhĩ cho rằng, hiện nay tình trạng này đang trong giai đoạn khủng hoảng này thì buộc lòng phải giảm chứ không thể ngừng đào tạo. Đã dừng là xuống cấp nên đào tạo phải duy trì nhưng duy trì ở quy mô như thế nào để từng bước tiến tới đào tạo theo quy mô hiện có.

Theo ông Nhĩ, chúng ta phải tính tổng thể gần 1 triệu giáo viên trong cả nước thì phải xem lại đội ngũ nhà giáo này có thể dùng hết không vì nhiều người tuổi đã cao. Nhà nước phải có chính sách giảm bớt số giáo viên cấp 1, cấp 2 không đáp ứng được yêu cầu nhưng theo quy định 60 tuổi về hưu thì họ cứ phải dạy.

“Dứt khoát phải có chính sách để những địa phương bớt đi giáo viên tuổi cao và những giáo viên không đáp ứng yêu cầu thì số giáo viên mới ra trường có chỗ dạy” – ông Nhĩ nhấn mạnh.

Quy hoạch có tính đến giáo viên dạy học bằng ngoại ngữ?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, vừa qua Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có nói sẽ phấn đấu trong vòng 10 – 15 năm nữa ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Có nghĩa là trong trường phổ thông sẽ có hệ dạy hoàn toàn bằng ngoại ngữ . Tôi nghĩ, muốn dạy hoàn toàn bằng ngoại ngữ thì trước hết trường nào đào tạo. Hiện nay giáo viên ngoại ngữ mới chỉ đào tạo để dạy ngoại ngữ chứ chưa đào tạo giáo viên dạy bằng ngoại ngữ. Đó là 1 yếu tố cần phải tính toán.

Yếu tố nữa, theo ông Nhĩ là phải tính đến cơ chế để quản lý các trường sư phạm hiện nay. Phải quản lý thống nhất đất nước là địa phương không quản lý các trường sư phạm mà các trường này là phải trực thuộc TƯ là Bộ GD&ĐT quản lý đào tạo chung cho cả đất nước.

Đặc biệt, khi quy hoạch lại thì phải trả lời đội ngũ các trường sư phạm này sẽ phải làm gì? Đội ngũ giáo viên trường sư phạm đó sẽ được chuyển hoá ra làm sao chứ không thể để họ không biết đi đâu về đâu?

“Quy hoạch là cần thiết nhưng muốn quy hoạch thì phải trả lời các vấn đề trên thì hãy tiến đến việc quy hoạch. Các trường sư phạm không nên có quy mô to vì không quản lý hết mà phải chăm chút về đào tạo từ đó mới làm nên được quy hoạch là bao nhiêu trường? đặt ở đâu? lấy trường nào? Cần có sự tính toán và quy hoạch tổng thể chứ không thể nói chung chung được” – ông Nhĩ bày tỏ quan điểm.

Hồng Hạnh (ghi)