Quỹ tín dụng sinh viên: Cạn sạch vốn!

Năm học mới đã đi qua hơn nửa học kỳ, nhưng nhiều sinh viên vẫn chật vật quanh chuyện “xoay vốn” để trang trải chi phí học tập.

Mỗi ngày, tại các trường ĐH luôn có hàng trăm SV tụ tập trước văn phòng hoặc trung tâm hỗ trợ sinh viên với những câu hỏi dồn dập “Ngân hàng đã có vốn chưa cô?”, “Bao giờ có thông báo mới?”… khiến nhiều người không khỏi day dứt.

 

Hy vọng rồi thất vọng

 

Anh Trương Minh Kiệt, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên (TTHTSV) Trường ĐH Kinh tế TPHCM than thở: “Đến nay vẫn còn hơn 440 hồ sơ xin vay chưa được giải quyết… Biết ngân hàng hết vốn, chúng tôi không dám thông báo rộng rãi đến SV vì sợ các em hụt hẫng, nhưng SV vẫn tiếp tục gởi hồ sơ về mỗi ngày...”.

 

Tại Trường ĐH Dân lập Văn Lang từ học kỳ 2 của năm học 2004-2005 đến nay chỉ có 127 SV được vay vốn trong tổng số 594 SV có nhu cầu. Lê Quang Thiên Điện (quê Phú Yên), SV năm 2 khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Mở - Bán công TPHCM cho biết: “Hồ sơ của em đã được duyệt từ đầu tháng 4-2005, nhưng đến nay vẫn chưa có tiền…”.

 

Ngô Thị Kim Hà (năm 3 khoa Đông Nam Á) buồn bã: “Gia đình có 8 anh chị em, em phải lo tiền học, năm trước em được vay một lần rồi, năm nay xin vay lại nhưng chưa được. Nghe nói ngân hàng đã hết vốn, mà đến 31-10 là hết hạn nộp học phí. Em vừa xin nhà trường gia hạn thêm 15 ngày nữa để chờ xem có được vay không…”. PGS-TS Lê Bảo Lâm, Hiệu trưởng trường cho biết: “Các ngân hàng đều có những nguyên tắc để tránh rủi ro, chưa có cơ chế nào để giải quyết ách tắc này nên chúng tôi không dám đứng ra bảo lãnh cho SV…”.

 

Cạn vốn, khốn khó

 

Vì sao đến nay, nhiều SV rơi vào tình cảnh dở khóc dở mếu, không được vay vốn để học tập? Bà Ngô Thị Bích Hằng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh TPHCM cho biết: “Bình quân mỗi tháng chúng tôi chỉ thu nợ được khoảng 250 triệu đồng, nghĩa là phần thu nợ chưa được 1% tổng số nguồn vốn đã cho vay. Mức thu này chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu vay vốn của SV tại TPHCM”. Tính ra cứ một SV trả nợ thì có 10 SV cần vay.

 

Đã vậy, theo phản ánh từ phía ngân hàng, điều lệ quy định thời hạn cho SV vay được tính từ khi họ nhận khoản vay đầu tiên. Nhưng một số SV vì nhiều lý do, đã kéo dài khóa học thêm 1 đến 2 hoặc 3 năm mới tốt nghiệp.

 

Khi ra trường họ lại gặp khó khăn trong xin việc làm, nếu có việc thì lương thường thấp, chi phí cho bản thân còn không đủ, do đó họ hoàn vốn chậm, ảnh hưởng đến việc luân chuyển vốn. Đó là chưa kể SV được vay vốn phần lớn con nhà nghèo, người bảo lãnh không có khả năng trả nợ thay, vì vậy số nợ quá hạn ngày một nhiều hơn. Những điều đó đã dẫn tới một kết cục: Khoản vốn cho vay đã ít ngày một cạn, số đối tượng được vay ngày càng ít đi.

  

Đổi phương thức: cho SV vay qua địa phương

 

Phân tích nguyên nhân thâm thủng Quỹ Tín dụng SV, bà Ngô Thị Bích Hằng cho rằng, theo quy định, SV ra trường sau 4 năm phải trả hết nợ. Tuy nhiên, hiện nay các trường chỉ nắm được đầu vào của người học. Nhiều trường hợp, SV về xin xác nhận của địa phương dù hoàn cảnh không khó khăn nhưng địa phương vẫn chứng nhận. Trong khi đó NH chỉ xét dựa trên giấy tờ của trường gởi về. Do vậy mới có tình trạng “nhiều SV nằm trong đối tượng được miễn giảm học phí đến làm thủ tục miễn giảm hoặc xin vay vốn với những chiếc điện thoại di động đời mới, xe phân khối lớn...”.

 

Để hướng tới sự công bằng xã hội, công bằng trong giáo dục, công bằng đối với người học - mục tiêu rất lớn của chế độ ta - theo Th.S Trần Đình Lý, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính ĐH Nông Lâm TPHCM, phải xác định đúng người đáng được hưởng chính sách hỗ trợ. Tốt nhất nhà nước và NHCSXH nên hỗ trợ trực tiếp cho các SV thông qua địa phương, qua gia đình của các em. Khi đó, đồng tiền hỗ trợ đó sẽ đi đúng địa chỉ, được sử dụng có ý nghĩa hơn, quỹ cũng dễ thu nợ hơn.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, trước tình hình hiện nay, nhà nước phải tìm cách để tăng vốn cho Quỹ Tín dụng SV. Quy mô của quỹ cho vay đặc biệt này có thể đến 40% - 50% ngân sách nhà nước hàng năm cấp cho giáo dục đại học. Đó mới là con đường đổi mới cơ bản chính sách cung cấp tài chính cho giáo dục đại học.

 

Quỹ Tín dụng SV được thành lập từ năm 1998 với mục đích giúp SV khó khăn vay vốn học tập. Thời kỳ mới thành lập, quỹ nằm ở Ngân hàng Công Thương Việt Nam. Từ đầu năm 2003, quỹ này được chuyển giao cho NHCSXH. Ở tầm cả nước, nhưng Quỹ Tín dụng SV chỉ có tổng cộng khoảng 168 tỷ đồng và chưa hề được bổ sung vốn trong vòng 7 năm qua. Tính đến cuối tháng 9-2005, số dư nợ đã lên đến hơn 149 tỷ đồng và là khoản nợ rất khó đòi.

Với 30 tỷ đồng từ ngân hàng trung ương rót về, NHCSXH chi nhánh tại TPHCM đã cho hơn 10.000 học sinh, SV của 49 trường ĐH, CĐ, THCN vay hết. Mức vay tối đa cho một học sinh, SV là 300.000 đồng/tháng, trung bình một học kỳ mỗi SV được vay 1,5 triệu đồng với lãi suất 0,45%.

 

 

Theo Sài Gòn Giải Phóng