Quý tử đi thi

Chẳng mảy may lo đến chuyện ăn, ở, phương tiện đi lại trong những ngày thi, cũng chẳng phải lo đến cái nóng bức của trời Hà Nội lúc nào cũng trên 34 độ C, những thí sinh này đi thi như đi nghỉ dưỡng.

Hơn thế, kỳ thi đại học là một dịp để những tiềm năng nhõng nhẽo phát huy hết sở trường, và một lần nữa, chúng lại ra yêu sách. Đó là phác họa một phần chân dung của một "cô chiêu, cậu ấm" trước ngày thi đại học.

 

H. vốn sinh trưởng ở một gia đình vẫn có tiếng là "đại gia" trong làng nghề làm giấy Đống Cao, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Tiền bạc không thiếu nhưng muốn mở mày mở mặt về học vấn, gia đình H. không tiếc chút gì để đưa "cậu ấm" đi thi.

 

Trước kỳ thi đại học vài tháng, bố H. đã mua một căn nhà to tướng ở Láng chỉ để "cho thằng nhỏ có chỗ ở lúc thi đại học". Và với H. thì nếu đỗ đại học, phần thưởng cho cậu sẽ là "con" Camry đang thuộc quyền sở hữu của bố. Với quyết tâm có bằng được "con xế hộp" bóng loáng, H. chuẩn bị hành trang lên Hà Nội thi đại học.

 

Nhưng H. còn đưa ra một "yêu sách": 1. Để H. tự lên Hà Nội, tự sống, tự lo. 2. Phải để H. tự lái con Camry phần thưởng lên để làm... phương tiện đi thi. Mặc cho bố hết nặng lại nhẹ, mẹ khóc hết nước mắt, H. vẫn kiên quyết với đòi hỏi của mình, và chỉ với một lý do đơn giản: Để yên tâm đi thi, mẹ ở nhà cho đỡ... khổ. Trời chẳng chịu đất thì đất phải chịu trời, cuối cùng, H. một thân một mình với con "xế hộp" lên Hà Nội.

 

Còn L., vốn có bố là giám đốc một công ty lớn ở thành phố Bắc Ninh, cũng đến ngày thi đại học. Không "tỏ chí nam nhi" như H., L. đi lên Hà Nội kéo theo một bầu đoàn. Mẹ L. lên Hà Nội với L. để chăm lo, quản lý cậu quý tử, một người giúp việc lên để chăm chuyện ăn uống, sinh hoạt và lẽ dĩ nhiên là phải có một tài xế kiêm vệ sĩ để đưa L. đi thi. Chiếc xe của ông bố trở thành phương tiện đi lại của "ông con" trong những ngày nước sôi lửa bỏng.

 

Nhắc đến những "cậu ấm, cô chiêu" với phương tiện đi lại, T. một cựu sĩ tử trong kỳ thi đại học năm ngoái tỉnh bơ: "Em được chú đưa đi bằng chiếc Mercedes S500. Nhưng ăn thua gì chị, có nhiều đứa còn "khủng" hơn em nhiều. Ôtô là chuyện nhỏ".

 

Chẳng thế nên không có ai lạ khi biết ở tỉnh nọ thuộc miền Trung, con của một ông phó chủ tịch tỉnh này không đi bằng tàu, cũng chẳng bằng ôtô mà cu cậu lẳng lặng đi ngược vào Nam khoảng 60 km, đến một tỉnh có sân bay để đi ra Hà Nội bằng... máy bay. Xe ôtô riêng ra sau, cậu cứ "bay" trước đã. Cũng được biết rằng, trước đó khoảng nửa tháng, bố cu cậu đã phôn ra Hà Nội: mua cho em nó một cái nhà!

 

Chuyện ăn uống của các sĩ tử này thì khỏi phải bàn. H. một bước đến nhà hàng, hai bước vào các quán đặc sản, khỏi lo ngộ độc thực phẩm và cũng chẳng phải chịu cái nóng nực của mùa hè. Còn L. thì có mẹ lo tất tần tật, công việc của L. chỉ là nghỉ ngơi dưỡng sức đến ngày thi. Còn cậu ấm con "sếp" ở miền Trung thì đã có bếp ăn của một khách sạn thuộc loại 4 sao lo đầy đủ.

 

H. vốn 1 thân 1 mình, ra Hà Nội, nên cái chuyện có tiền phòng thân cũng là lẽ đương nhiên. Với lời tuyên bố, cũng giống như lời răn đe của bố: Trong kỳ thi đại học, chỉ được tiêu trong con số... 20 triệu. Mà kỳ thi chỉ diễn ra lâu nhất là trong vòng nửa tháng! Và để tiêu số tiền ấy, H. trở thành khách quen của các quán bar hạng sang, những sàn nhảy nổi tiếng ở Hà thành. Mấy khi ở Hà Nội, nhân dịp này, phải thử cho biết thế nào là sàn Hà Nội chứ!

 

Thế là ngày ngủ, đêm chơi, rảnh rang một chút thì xem có đứa bạn nào cũng lên thi, rủ đi chơi cho đỡ... nhàm chán. Bạn bè kháo nhau, đến nhà thằng H. thay vì mời nước, nó mời uống John đen đấy.

 

Chẳng biết rồi đây, những sĩ tử "đặc biệt" này vào phòng thi thế nào, chỉ có thể tổng kết rằng, qua nhiều kỳ thi qua, những "cậu ấm, cô chiêu" được cưng chiều như trứng mỏng lên Hà Nội thi, đa số âm thầm quay về.

 

Cũng có một số như T. (Yên Bái), thi vào trường Nhân văn, khối C kết quả được 7 điểm 3 môn, nhưng một thời gian sau, lại thấy cậu học... Bách khoa khoa Điện tử viễn thông và nghiễm nhiên khoa ấy dành cho học sinh... khối A. Chuyện thật mà như bịa. Hoặc như phổ biến hơn là các cậu ấm, cô chiêu này nếu không đỗ đại học ở Việt Nam sẽ lên đường ra... nước ngoài để du học?!

 

Chẳng mảy may suy nghĩ, hoặc phải chen chúc nhau trong những căn phòng nhỏ, nóng như chảo như những thí sinh khác, cũng chẳng có cảnh mẹ bìu, con ríu vạ vật ở những tán cây ngoài cổng trường, những thí sinh này được trang bị gần như hoàn hảo về vật chất. Đi xe hơi, ở khách sạn, ăn nhà hàng, tiền tiêu tính bằng 6 số là phác họa chính xác của sĩ tử sinh ra trong các gia đình thuộc hàng "đại gia".

 

Nhưng có một thực tế đau lòng mà hầu hết đúng là tỉ lệ nghịch với những gì họ được trang bị, con số đỗ đại học một cách chính thống lại rất hiếm. Chẳng thấy mấy ai kể chuyện con "đại gia" này, con "đại gia" kia đỗ thủ khoa, mà người ta chỉ ngồi kháo với nhau: Hôm nay, con "đại gia" nọ đi thi!

 

Theo An Ninh Thủ Đô