Ra mắt chương trình đào tạo lập trình ngôn ngữ NEURON

(Dân trí) - Ngày 14/6, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư giáo dục và phát triển nguồn nhân lực quốc tế Stanford (Stanford International JSC) đã tổ chức họp báo ra mắt chương trình đào tạo NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ NEURON) cho 250 học viên với chủ đề “NLP & Nhận diện tính cách”.

Chương trình được diễn giả Vas - Vasanth Gopalan, một trong những chuyên gia đào tạo NLP hàng đầu châu Á trực tiếp đào tạo.

Diễn giả Vas - Vasanth Gopalan cho biết, NLP chứa đựng ba thành tố có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành những kinh nghiệm cá nhân của mỗi chúng ta: thần kinh học , ngôn ngữ học, và các mô thức được lập trình sẵn. Vào những năm đầu thập niên 70, nhà ngôn ngữ học John Grinder, và nhà toán học Richard Bandler tiến hành tìm kiếm những công cụ xuất sắc trong việc phát triển tiềm năng bản thân. Grinder and Bandler đặt ra câu hỏi: “Sự khác biệt giữa một người tương đối thành thạo và một người thật sự vượt trội trong cùng một lĩnh vực là gì?” Câu trả lời không gì khác hơn chính là NLP, hay còn được mệnh danh là “khoa học của sự xuất chúng” hay “khoa học của sự thay đổi”. Hai giáo sư đại học Santa Cruz (Mỹ) này được xem là những người sáng lập ra NLP để cải thiện kỹ năng con người thông qua việc tạo ra những mô thức hành động tốt hơn. Chương trình NLP lại được các trường đại học danh tiếng trên thế giới như Harvard, San Francisco, Miami (Mỹ), Bristol (Anh)… đưa vào giảng dạy.

Một trong những ý tưởng độc đáo nhất của NLP là nếu một người nào đó làm được việc gì, thì ta sẽ có khả năng tìm hiểu cách thức họ làm như thế nào và lặp lại nó. Nguyên lý mô phỏng (Principle of Modelling) của NLP là một trong những cách tiếp cận độc nhất vô nhị cho việc phát hiện và bắt chước những kỹ năng tiềm thức của những người kiệt xuất (có năng khiếu bẩm sinh) để dạy lại cho những người khác những kỹ năng mà bình thường rất khó có thể học được.

NLP nhằm vào việc thay đổi tận gốc của hành vi, tức thay đổi lối tư duy dẫn đến hành vi. Cuộc sống, năng lực cũng như trình độ đều là hệ quả của cách chúng ta suy nghĩ. Việc thay đổi tận gốc vì vậy là điều bắt buộc nếu một người muốn nâng cao bất cứ kỹ năng nào, hoặc thay đổi các thói quen đã bám rễ. Trong nhiều trường hợp, việc thay đổi này khá dễ dàng và mang lại hiệu quả cao.

Ông Tony Dzung, người sáng lập Langmaster International cho biết, hiện nay, phần lớn sinh viên không dành nhiều thời gian và coi nhẹ việc đầu tư phát triển bản thân. Thay vào đó họ đắm chìm vào cộng đồng, thế giới ảo. Vì vậy, chính họ vô tình tạo ra một khoảng các với thế giới thực ngày càng “dày hơn”. Mặt khác, sinh viên là nguồn lực chính tạo ra giá trị cho xã hội trong tương lai, nhưng chính họ lại chưa hẳn nhận thức được thực trạng này. Chương trình NPL sẽ giúp họ nhận ra được giá trị của bản thân mình và biết cách sử dụng 100% năng lượng để đạt được mục tiêu, quản trị được cuộc đời của chính mình.

Hồng Hạnh