Rà soát 94 giáo sư, phó giáo sư: “Không thể đổ ngược trách nhiệm lên Thủ tướng”

(Dân trí) - Nói về danh sách 94 giáo sư, phó giáo sư (GS,PGS) bị "treo" việc công nhận chức danh GS,PGS vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc rà soát 94 GS,PGS không thuộc trách nhiệm của Thủ tướng và không thể đổ ngược trách nhiệm lên Thủ tướng.

Ngày 28-3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng đã có buổi làm việc, kiểm tra tình hình các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT.


Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng đã có buổi làm việc, kiểm tra tình hình các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng đã có buổi làm việc, kiểm tra tình hình các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về nhiều vấn đề “nóng” trong giáo dục mà dư luận quan tâm như vấn đề đạo đức nhà giáo, biên chế giáo viên, lương giáo viên, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, tổ hợp tuyển sinh… đòi hỏi người đầu ngành giáo dục giải trình và đưa ra giải pháp hiệu quả.

Về vấn đề gây xôn xao dư luận trong việc công nhận GS,PGS vừa qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, mặc dù, Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 đối với 1.131 ứng viên/ tổng số 1.226 hồ sơ đạt tiêu chuẩn bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, không có đơn thư tố cáo. Còn lại 94 ứng viên có đơn thư tố cáo và phản ánh phải rà soát lại nên chưa xem xét.

“Riêng danh sách 94 ứng viên này không thuộc trách nhiệm của Thủ tướng, không phải tại Thủ tướng mà do Hội đồng chức danh GS nhà nước, do Bộ GD&ĐT thực hiện. Do đó, không thể đổ ngược lên Thủ tướng mà đó là trách nhiệm của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, Bộ GD&ĐT” – Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Dũng cũng yêu cầu, kết quả rà soát cần công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận tránh gây bức xúc dư luận.

Phát biểu về vấn đề này, ông Trần Đình Thiên, thành viên tổ công tác của Thủ tướng cho rằng, Bộ GD&ĐT đã giải trình vấn đề GS,PGS nhưng không phải là vấn đề “ta giải trình với ta” mà là vấn đề quốc tế và công luận vì đây là sự tin cậy uy tín của một đất nước.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, về cơ bản các ứng viên đều đạt chuẩn, nhưng đó là quy định đã tồn tại 20 năm. Đa số các ứng viên đều đầy đủ tiêu chuẩn. Cũng có một số ít trường hợp qua các hội đồng “sàng” và “lọc” chưa đầy đủ, chính xác. Bộ GD&ĐT đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra để thực hiện việc rà soát. Theo kế hoạch ngày 31-3 là kết thúc.

Bộ trưởng Nhạ cho hay, quá trình rà soát, Hội đồng ngành đã phải làm việc nghiêm túc với từng cá nhân để tạo kết quả tâm phục, khẩu phục.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

“Việc rà soát là việc nằm trong quy trình xét tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS, trong quy trình thẩm định, nếu có dấu hiệu thì rà soát lại. Bộ vẫn giữ quan điểm: “Nếu phát hiện trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn GS, PGS theo quy định hiện hành, sẽ kiên quyết không công nhận. Chủ tịch Hội đồng CDGS ngành phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng CDGSNN về kết quả rà soát ứng viên" – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nhạ cho biết, hiện nay Bộ đang tích cực chuẩn bị để sớm ban hành quy định mới của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư phù hợp với yêu cầu mới.

Hồng Hạnh