Rắc rối chuyện máy tính!

Hàng loạt thí sinh đã phản ứng mạnh mẽ ngay sau khi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long trả lời rằng loại máy tính Casio fx570MS không được mang vào phòng thi trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2005.

Tại sao lại có quyết định vội vã này khi mà ngày thi không còn bao xa nữa? Và dường như  rắc rối không chỉ dừng ở đây.

 

Cấm cũng như không?

 

Theo công văn ngày 3/6/2005 của Bộ GD-ĐT,  thí sinh (TS) được mang vào phòng thi "máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản, ghi chép, ghi số điện thoại... và không có thẻ nhớ. Cụ thể là các máy tính cầm tay sau đây: máy tính chỉ làm các phép tính số học cộng, trừ, nhân, chia, khai căn, bình phương; các máy tính nhãn hiệu Casio fx95, fx220, fx500A, fx500MS và các máy tính có tính năng tương tự (có phép tính siêu việt, lượng giác như sin, cos, ln, exp)"... Nghĩa là dòng máy tính fx570MS bị loại ra khỏi danh sách được phép mang vào phòng thi.

 

Ngay sau khi nhận được thông tin này, nhiều TS chuẩn bị bước vào trường thi bắt đầu lúng túng và đi tìm một phương án giải quyết tiêu cực: tìm cách chuyển đổi chức năng của máy tính fx500MS (loại được mang vào phòng thi) thành loại fx570MS để có thể mang vào phòng thi. Tại sao thí sinh lại thích sử dụng dòng máy fx570MS ?

 

Thông tin về loại máy này cho thấy đây là một loại máy hiện đại trong các dòng máy hiện nay. Máy này có thể thực hiện các phép tính véctơ, tính lôgarit, có thể dùng để đổi các đơn vị, tính tích phân xác định, tính nguyên hàm... Rõ ràng có loại máy tính như thế, khả năng làm được bài của TS tăng lên rất nhiều, vì có thể định hướng làm bài dựa vào kết quả mà máy tính cho ra.

 

Và tại các diễn đàn công nghệ vật liệu..., toantuoitho..., diendantoanhoc... đều có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng các công thức để chuyển đổi máy fx500MS thành fx570MS bằng các công thức toán học. Sau khi chuyển đổi, chỉ có một số khó khăn là người sử dụng máy fx500MS phải nhớ sử dụng theo kiểu bàn phím của máy fx570MS.

 

Thậm chí trên các diễn đàn các chuyên gia còn khuyên nên dán giấy - in theo kiểu bàn phím máy fx570MS vào các phím bấm của máy fx500MS để sử dụng cho quen (!) Các bước chuyển cũng có nhiều cách khác nhau, nhưng nhìn chung kinh nghiệm chuyển đổi này đều được đưa ra rất rõ ràng và mạch lạc.

 

Thế nhưng theo một GV toán của Trường THPT Marie Curie (TPHCM), "ngay cả loại máy fx500MS cũng lưu được khoảng 88 ký tự. Nếu TS nhập để lưu công thức vào máy thì sẽ lưu được cả chục công thức. Việc kiểm soát các loại máy tính này cũng không khó, có thể yêu cầu giám thị xóa bộ nhớ này đi, khi đó máy tính dù loại 500MS hay 570MS sẽ trở lại máy tính bình thường ngay.  Do đó, cũng không nên cấm làm gì, mà chỉ cần tập huấn cho giám thị cách xóa bộ nhớ của máy là xong!".

 

Trong khi đó chuyên gia về máy tính Nguyễn Trường Chấn lại cho rằng: “Máy 570MS rất gần với chương trình học THPT. Sau khi làm ra kết quả , sau sáu phút là máy tự động mất luôn các thông số vừa làm chứ không nhớ lâu dài. Cho nên tôi khẳng định máy 570MS không có bộ nhớ lưu về sau. Nếu có lưu chăng, thì cũng chỉ có lưu những hằng số vật lý (khoảng 40 hằng số), đó là những hằng số phức tạp như hằng số Faraday, trọng lượng electron..., chứ không lưu được các công thức làm toán”.

 

Nhiều TS sẽ bị thiệt thòi?

 

Thật ra qui định máy tính nào được mang vào phòng thi là chuyện năm nào cũng được TS quan tâm. Thế nhưng qui chế tuyển sinh ban hành lại không hề nhắc đến điều này và vì thế phần lớn  TS khi chọn mua máy tính để sử dụng đều mua các loại máy được mang vào phòng thi mà kỳ thi tuyển sinh trước cho phép. Một TS ở Đồng Nai cho Tuổi Trẻ biết sở dĩ mình chọn mua máy tính fx570MS là do khi đi mua, người bán đã chìa ra văn bản của bộ rằng loại này được mang vào phòng thi, vậy là mua mà không cần đắn đo hay suy nghĩ.

 

Trong khi đó, qui định được mang máy tính nào vào phòng thi năm nay lại được công bố quá chậm, sẽ ảnh hưởng không ít đến TS. Chắc chắn hàng ngàn TS đã chọn mua máy fx570MS sẽ phải mua lại máy mới, gây tốn kém và lãng phí. Ngược lại trong trường hợp không nhận được thông tin cấm này, có thể sẽ có nhiều TS mang theo loại máy fx570MS và không được mang vào phòng thi, gây ức chế về tâm lý không đáng có đối với TS.

 

Phải chăng vì bận lo nghĩ đến nhiều vấn đề lớn lao khác mà những chuyện nhỏ như máy tính đã không được Bộ GD-ĐT quan tâm nghiên cứu và hướng dẫn kịp thời? Tất nhiên, hậu quả của câu chuyện rắc rối này cuối cùng người lãnh đủ vẫn là TS!

 

Theo Nguyễn Phan

Tuổi Trẻ