Raffles đề xuất giải pháp học tại Phnom Penh

(Dân trí) - Một trong các phương án giải quyết học viên mà Raffles Việt Nam đề xuất là chuyển tiếp sang học ở các nước có hệ thống Raffles. Nếu học viên chuyển sang học tiếp ở Phnom Pênh (Campuchia) thì đơn vị này sẽ lo mọi chi phí.

Hôm qua 6/1 hàng trăm phụ huynh và học viên đã tập trung tại Công ty TNHH Đào tạo nghề Quốc tế Raffles Việt Nam (Q. Phú Nhuận, TPHCM) đòi hướng giải quyết sau khi Bộ GD-ĐT có quyết định dừng việc đào tạo CĐ không phép. Sau một buổi làm việc vắng mặt giám đốc công ty, nhiều phụ huynh yêu cầu công ty phải trả lời bằng văn bản và có giá trị pháp lý.

Raffles đề xuất giải pháp học tại Phnom Penh - 1
Đông đảo học viên đến Raffles để hỏi phương pháp giải quyết sau khi Bộ GD-ĐT có quyết định dừng việc đào tạo CĐ không phép.

Phía Raffles Việt Nam cũng đã gửi thông báo đến cho phụ huynh và học viên với nội dung: cam kết thực hiện đúng quyết định xử phạt của Bộ GD-ĐT. Dừng tất cả hoạt động quảng cáo, tiếp thị, tuyển sinh, đào tạo cũng như các hoạt động giảng dạy từ ngày 6/1/2012. Những học viên đang theo học, công ty đang liên hệ để chuyển qua các trường của Raffles ở những nơi khác như Úc, Campuchia học tiếp.

Raffles đề xuất giải pháp học tại Phnom Penh - 2
 Phụ huynh làm việc liên quan đến vấn đề giải quyết quyền lợi người học.

Đến chiều qua, trao đổi với Dân trí, ông Hwong Kee Hong, phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Raffles Việt Nam cho biết những phương hướng giải quyết gồm: “chuyển những học viên đang học sang các chi nhánh khác của hệ thống Raffles tại Úc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Campuchia.... để tiếp tục chương trình học.

Trường hợp học viên chuyển sang học ở Úc hoặc Singapore vì học phí ở các nước này đã gấp 2-3 lần Việt Nam, trường gánh phần chênh lệch học phí là đã quá sức rồi nên các chi phí khác học viên phải tự lo. Nếu học viên không có điều kiện thì có thể chuyển sang học ở Thái Lan và Campuchia vì chi phí ở những nơi này thấp. Riêng học ở Phnom Penh (Campuchia) thì toàn bộ chi phí đi lại, visa, ký túc xá, giảng viên, cơ sở đào tạo sẽ do Raffles Việt Nam sắp xếp và chi trả.

Ngoài ra, những học viên đã học gần xong chương trình, chỉ còn vài môn nữa thì cũng buộc phải chuyển tiếp sang Phnom Penh để hoàn tất chương trình. Ông Hwong Kee Hong lý giải rằng học ở Úc và Singapore bắt buộc phải đăng ký học từ 6 tháng trở lên, trong khi đó học viên học gần hết chương trình chỉ còn học 2-3 tháng.

Trong trường hợp, phụ huynh và học viên không đồng ý với tất cả các phương án trên thì phía công ty sẽ hoàn trả lại học phí. Tổng giám đốc Raffles Việt Nam cũng thừa nhận tổng số học viên học chính thức là 900, ngoài 396 học viên đang học chương trình cao đẳng  thì còn nhiều học viên đang học chương trình tiếng Anh. Tuy nhiên, sau Quyết định của Bộ GD- ĐT thì hiện đã dừng hết mọi hoạt động giảng dạy.

Trước đó, ngày 29/1/20112 Bộ GD-ĐT đã ra quyết định quyết định xử phạt bằng tiền mặt và buộc dừng hoạt động quảng cáo, chiêu sinh đào tạo trái phép, giải quyết quyền lợi, trả lại tiền cho người học đối với Công ty TNHH dạy nghề đào tạo Quốc tế RAFFLES Việt Nam; Công ty TNHH ILA Việt Nam (ILA Việt Nam); Công ty TNHH Nghiên cứu và giáo dục Việt Nam (ERC Việt Nam) vì vi phạm liên kết đào tạo không phép.

Lê Phương