"Rào cản" từ bằng giỏi, bằng khá?

<a href="http://www9.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/7/128600.vip">Lá thư của sinh viên P.T.T</a> (khoa Ngoại ngữ - ĐH Vinh) gửi thầy Hiệu trưởng là tâm trạng của nhiều sinh viên khi tốt nghiệp Đại học..

Họ phấn đấu học hành, thi cử đạt điểm cao để nhận bằng khá, giỏi, hy vọng sau khi ra trường sẽ có cơ hội tìm được việc làm tại các công sở. Nhưng con điểm quá mong manh.

 

Sinh viên T. trưởng thành trong một gia đình nghèo khó, bố mất sớm, mẹ vất vả nuôi 3 con nhỏ với đồng lương hưu ít ỏi (một người con bị tật nguyền), T. hiểu nỗi nhọc nhằn của mẹ và em đã tu thân học hành.

 

Vượt qua mặc cảm, cô sinh viên nghèo đi rửa bát thuê cho các quán ăn ngoài khu nội trú, làm thuê ở quán chè, tằn tiện chắt góp từng đồng phục vụ cho học hành. Mơ ước của nữ sinh quê Ninh Bình học để có tấm bằng đại học loại khá để tìm việc làm đỡ vất vả hơn.

 

Nhưng giấc mơ của T tan vỡ. Điểm tổng kết 6,99, T chỉ được bằng trung bình khá. Thiếu 1 “ly” nữa thôi (khoảng cách giữa 6,99 và 7 điểm), thế mà khả năng xin việc đã… dài đi một dặm. Từ đây, gánh nặng mưu sinh không chỉ đặt lên vai T, mà trút lên cả đôi vai gầy của mẹ.

 

Tại sao nhiều cơ quan đơn vị lại đặt điều kiện tuyển dụng sinh viên bằng giỏi, bằng khá, loại những sinh viên tốt nghiệp bằng trung bình, trung bình khá?

 

Một số địa phương có chủ trương thu hút nhân tài, kêu gọi sinh viên bằng giỏi, bằng khá về làm việc. Bởi xu hướng chung hiện nay là, một bộ phận trí thức trẻ rất “ngại” về tỉnh lẻ công tác, mà họ tìm công việc tại các TP lớn như Hà Nội, TPHCM.

 

Chủ trương đó nhằm hạn chế “chảy máu chất xám” ra ngoại tỉnh. Nhưng chính sách thu hút nhân tài là một chuyện, việc đặt ra chỉ tiêu tuyển dụng nặng bằng cấp lại là chuyện khác.

 

Ngoài động lực khuyến khích sinh viên vươn lên học tập, vô hình tạo ra rào cản đối với những cử nhân có bằng “loại thấp”, như trường hợp T là một điển hình.

 

Thực tế thì không phải ai học khá, học giỏi trong nhà trường, sau này ra ngoài xã hội đều trở thành cán bộ tâm huyết, năng lực. Giữa “học” và “hành” có một khoảng cách. Người này học tốt, nhưng có thể làm việc không hiệu quả.

 

Ngược lại nhiều người học lực bình thường, song trong công tác bộc lộ tư chất, năng lực vượt trội của mình. Tóm lại là lý thuyết phải được chứng minh, kiểm nghiệm qua thực tế.

 

Xin chia sẻ với tâm sự của PGS - TS Nguyễn Ngọc Hợi: “Các nhà tuyển dụng nhân sự nên phỏng vấn, kiểm tra chất lượng, chứ đừng hoàn toàn căn cứ vào bằng”. Sính bằng giỏi, bằng khá, chắc gì đã hay. Các tổ chức, đơn vị cần phải uyển chuyển hơn trong tuyển dụng.

 

Rời Trường ĐH Vinh, P.T.T trở về Ninh Bình nơi chôn rau cắt rốn, cầm tấm bằng trung bình khá trong tay mà tâm trạng trĩu nặng. Sao chuyện học hành mà sinh viên lại có nhiều tâm tư thế?

 

Theo Quang Long

Tiền Phong