Thanh Hóa:

Rất nhiều Ban giám hiệu trường không đứng lớp theo quy định

(Dân trí) - Mặc dù theo thông tư của Bộ GD&ĐT yêu cầu hiệu trưởng phải dạy 2 tiết/tuần, hiệu phó 4 tiết/tuần. Tuy nhiên, trên địa bàn Thanh Hóa, tình trạng Ban giám hiệu trường tiểu học và trung học cơ sở không dạy học nhưng vẫn “kê” lịch giảng dạy để được hưởng phụ cấp đứng lớp.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại huyện Quảng Xương và TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, hàng loạt các trường tiểu học, trung học cơ sở, hiệu trưởng cùng hiệu phó không tham gia giảng dạy. Thi thoảng mới có trường hiệu phó đứng lớp. Thế nhưng, Ban giám hiệu tại các trường này vẫn nhận tiền phụ cấp đứng lớp 30%.

“Khó thực hiện”

Đó là câu trả lời của rất nhiều hiệu trưởng. Đa số các vị này đều cho rằng Thông tư của Bộ GD&ĐT đưa ra là rất khó thực hiện. Đối với các khối trường tiểu học thì mỗi giáo viên chủ nhiệm một lớp và dạy tất cả các môn nên việc hiệu trưởng xen vào dạy vài tiết/ tuần là rất khó.

Đối với khối trường trung học cơ sở thì nhiều trường “đổ lỗi” cho giáo viên dôi dư nhiều, không “có chỗ” cho hiệu trưởng và hiệu phó đứng lớp trong khi đó ban giám hiệu lại quá bận rộn với những công việc khác như họp hành…

Theo ghi nhận của PV, tại các trường như trường THCS Minh Khai, trường THCS Đông Thọ, trường tiểu học Ba Đình (TP Thanh Hóa); trường Trung học cơ sở Lưu Vệ, trường THCS Quảng Trạch, THCS Quảng Đức, THCS Quảng Định (huyện Quảng Xương)… đều có tình trạng Ban giám hiệu không đứng lớp giảng dạy.

Bà Đỗ Thị Hạnh, Hiệu trưởng trường tiểu học Ba Đình – TP Thanh Hóa phân trần: “Từ xưa đến nay việc Ban giám hiệu không đứng lớp đã thành thông lệ. Phòng GD&ĐT không chỉ đạo nhất nhất mà tùy theo tình hình từng trường”.

Cụ thể ở trường tiểu học Ba Đình, Ban giám hiệu chỉ đứng lớp dạy thay khi giáo viên trong trường ốm đau hay điều động đi đâu đó. Khi nào thấy cần thiết thì Ban giám hiệu mới đứng lớp.

Bà Đỗ Thị Trâm- Hiệu trưởng trường THCS Lưu Vệ cho biết hiện cả Ban giám hiệu của trường đều không chính thức đứng lớp
Bà Đỗ Thị Trâm- Hiệu trưởng trường THCS Lưu Vệ cho biết hiện cả Ban giám hiệu của trường đều không chính thức đứng lớp

Tại trường THCS Lưu Vệ (thị trấn Quảng Xương, huyện Quảng Xương), bà Lê Thị Trâm, Hiệu trưởng nhà trường thẳng thắn nhận khuyết điểm việc không đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền đứng lớp đều đặn hàng tháng. Bà Trâm cho biết: “Do trường còn dôi dư giáo viên, ngay cả giáo viên trong trường cũng chưa dạy đủ số tiết theo quy định nên Ban giám hiệu mới không phải dạy. Hơn nữa, Ban giám hiệu bận rất nhiều công việc như họp hành…”

Tuy nhiên, bà Trâm cũng khẳng định, tới đây dù giáo viên dôi dư nhưng sẽ cố gắng bố trí đứng lớp theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

“Núp bóng” dạy hướng nghiệp?

Một số trường, hiệu trưởng “ngụy biện” vẫn đứng lớp theo quy định đó là dạy môn hướng nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, khi PV đề cập đến việc tiếp cận lịch giảng dạy, giáo án, sổ đầu bài thì hầu hết lãnh đạo các trường không cung cấp được hoặc “đá bóng” cho việc “không thể cung cấp khi chưa có sự đồng ý của cấp trên”.

Tại trường THCS Quảng Trạch (Quảng Xương), bà Nguyễn Thị Hoa – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ban giám hiệu trường vẫn đứng lớp dạy thay khi có giáo viên trong trường nghỉ hay tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy hướng nghiệp cho học sinh lớp 9”. Thế nhưng, vị hiệu trưởng này lại không cung cấp được một minh chứng nào chứng minh cho việc ban giám hiệu trường có đứng lớp với lý do “phải có giấy giới thiệu của Phòng GD&ĐT chúng tôi mới cho kiểm tra”.

Ban giám hiệu trường trung học cơ sở Minh Khai cho rằng có dạy hướng nghiệp cho học sinh nhưng không cung cấp được giáo án cũng như lịch giảng dạy, sổ ghi chép
Ban giám hiệu trường trung học cơ sở Minh Khai cho rằng có dạy hướng nghiệp cho học sinh nhưng không cung cấp được giáo án cũng như lịch giảng dạy, sổ ghi chép

Hay tại trường THCS Minh Khai (TP Thanh Hóa), ông Tống Đức Tính – Hiệu trưởng nhà trường cũng khẳng định mình có đứng lớp và dạy hướng nghiệp cho học sinh lớp 9. Tuy nhiên, hiệu trưởng trường THCS Minh Khai cũng không cung cấp được lịch giảng dạy cũng như giáo án thể hiện Ban giám hiệu trường này có đứng lớp.

Ngoài trường THCS Quảng Trạch, THCS Minh Khai, một số trường như THCS Quảng Đức, THCS Quảng Định… đều “ngụy biện” bằng việc dạy hướng nghiệp cho học sinh lớp 9.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Huy Nam, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương cho biết: “Việc Thông tư của Bộ quy định như vậy để Ban giám hiệu nhà trường không được xa rời chuyên môn, theo tôi như thế là đúng. Tuy nhiên cũng có cái khó vì đối với khối tiểu học thì mỗi lớp phân một giáo viên nhưng khối trung học thì có thể bố trí được như dạy môn hướng nghiệp hoặc môn Giáo dục công dân. Việc Ban giám hiệu đứng lớp trong các môn này cũng phải được ghi chép lại vào sổ sách chứ không thể nói là không ghi được”.

Cũng theo ông Nam, do bây giờ đã gần hết năm học nên năm tới ông sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời. Không để tình trạng Ban giám hiệu trường không đứng lớp được.

Về vấn đề trên, bà Lê Thị Thu Hà - Phó phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa khẳng định: Khi có bất cứ văn bản nào của ngành, chúng tôi đều triển khai đến Ban giám hiệu các trường. Tuy nhiên, theo bà Hà tính thực tiễn của Thông tư này rất khó thực hiện. Không phải thông tư nào Bộ GD&ĐT đưa ra cũng có thể thực hiện được. Phòng cũng đã nhắc nhở, hướng dẫn các trường vận dụng linh hoạt.

Bà Hà cũng khẳng định với PV các hiệu trưởng, hiệu phó các trường có đứng lớp chứ không phải không đứng như PV phản ánh nhưng “chắc do công tác quản lý sổ sách, lưu trữ hồ sơ ở các trường như thế nào đó nên không cung cấp được cho PV” (!?).

Thông tư số 28 /2009/TT-BGDĐT (ban hành ngày 21/10/2009) nêu rõ: Hiệu trưởng, hiệu phó trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Theo đó, hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần.

Ngày 24/9/2010 Bộ GD-ĐT đã có công văn số 6120/BGDĐT-NGCBQLGD gửi giám đốc các Sở GD-ĐT địa phương của các tỉnh thành phúc đáp việc hỏi về Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT. Trong công văn này Bộ GD-ĐT đã khẳng định: “Các Điều 8, Điều 9 của thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT không áp dụng đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I”.

Nguyễn Thùy