Rối rắm ĐH Quốc gia: Vẫn "đội nón và che ô"?

Hình tượng ví von "vừa đội nón, vừa che ô" cho thấy sự rối rắm của mô hình ĐHQG và ĐH vùng vốn cần được các cấp quản lý Nhà nước nghiên cứu thấu đáo và đưa ra những quyết sách đúng đắn.

Thời gian gần đây, báo chí và một số chuyên gia giáo dục nêu ý kiến phản biện về mô hình của ĐH Quốc gia, đặc biệt là các bài viết tâm huyết của GS. Nguyễn Ngọc Trân. Để hiểu rõ hơn về mô hình quản lý Nhà nước của ĐH Quốc gia, người viết xin phân tích thêm những bất cập, vướng mắc của cả hai mô hình ĐHQG và ĐH vùng ở Việt Nam và đề xuất giải pháp cho mô hình này.

"Tinh hoa" và... ít đề tài nghiên cứu khoa học

Lần ngược về những năm cuối của thập niên 80, quy mô các trường ĐH ở nước ta rất nhỏ, chỉ trên dưới 1.000 sinh viên và hầu hết là đào tạo đơn ngành theo mô hình đào tạo của Liên Xô (cũ). Khi đó, Chính phủ và một số nhà quản lý giáo dục cho rằng mô hình ấy không phù hợp với nền kinh tế đang có những thay đổi cơ bản, vì thế cần phải chuyển sang đa ngành, đa lĩnh vực.

Muốn vậy, cần hợp nhất và sáp nhập thành các trường ĐH đa ngành. Đây là lý do chính để hình thành hai ĐHQG (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG Tp. HCM) và ba ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế và Đà Nẵng)[1]. Theo đó bên dưới là các "trường ĐH thành viên" trực thuộc với mong muốn các cơ sở giáo dục ĐH này sẽ là những cánh chim đầu đàn đưa giáo dục ĐH Việt Nam thoát khỏi vùng trũng của khu vực Đông Nam Á.

Đến nay, sau gần 20 năm, tình hình của ĐHQG và ĐH vùng có gì chuyển biến tích cực? Theo tác giả Đinh Việt Bình: "Chỉ cần xem cách tuyển sinh (đầu vào), và nhất là chất lượng đầu ra cũng đủ thấy chưa hơn ai, chưa có sức thuyết phục các trường ĐH khác không có chữ "Quốc gia", cũng như đối với xã hội dường như còn... khá nhạt".[2]

Là ĐHQG mang tiếng "tinh hoa" nhưng số lượng bài báo nghiên cứu khoa học của hai ĐH này được xuất bản trên các tạp chí danh tiếng quốc tế còn khá khiêm tốn. Hai ĐHQG này đồng thời tham gia đào tạo một số lượng khá lớn sinh viên không chính qui, vốn chỉ dành cho các trường ĐH mở và ĐH địa phương.

Đại học Quốc gia TPHCM.
Đại học Quốc gia TPHCM.
 
Theo GS. Lâm Quang Thiệp, tổng số sinh viên không chính qui của cả nước vào năm 2007 là 843.473, chiếm 49,79% tổng  số sinh viên (1.676.117) sinh viên. Ngay cả các ĐH "trọng điểm" (bao gồm ĐHQG và ĐH vùng), tỷ số sinh viên không chính qui trên tổng số cũng rất cao, và còn cao hơn 2 trường đại học mở[3].

Về vấn đề nghiên cứu, GS. Phạm Duy Hiển đã thống kê: Năm 2004, 4 trường ĐH hàng đầu của Việt Nam (tức 2 ĐHQG và 2 ĐH trọng điểm khác) chỉ có 83 bài báo quốc tế và Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam là 82 bài.

Tổng số bài báo quốc tế của Việt Nam là 403 bài trong khi số bài báo quốc tế của chỉ của riêng Trường ĐH Chulalongkorn là 416 bài và ĐH Mahidol (Thái Lan) là 465 bài. Tức số bài báo quốc tế chỉ riêng của một trường ĐH Chulalongkorn hay Mahidol của Thái Lan đã nhiều hơn hẳn so với hơn 400 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam cộng lại!

Bảng 1: Tổng số công bố quốc tế của các trường nghiên cứu và phát triển hàng đầu của Việt Nam và Thái Lan năm 2004

 

 

 

Tác giả tương ứng trong nước

Tác giả tương ứng nước ngoài

Các cơ quan nghiên cứu

Tổng số công bố QT

Số lần được trích dẫn trung bình

Tổng số Công bố QT

Số lần được trích dẫn trung bình

Tổng số Công bố QT

Số lần được trích dẫn trung bình

4 trường ĐH Việt Nam hàng đầu

83

6.6

44

4.5

39

8.8

Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam

82

6.3

31

4.9

51

7.5

Việt Nam (tổng số cả nước)

403

10.0

117

6.6

286

14.1

Chulalongkorn University

416

12.0

295

7.1

121

15.3

Mahidol University

465

13.9

320

8.3

145

16.9

Nguồn: Phạm Duy Hiển (2010: 620). 'Khảo sát năng lực nghiên cứu ở các quốc gia Đông Á và bài học cho Việt Nam', Tạp chí Giáo dục ĐH, 60 (6), Springer, Hà Lan, pp.615-625.

Hiện chưa có thống kê chính xác ĐHQG Hà Nội có bao nhiêu bài báo được đăng trên các tập san quốc tế được bình duyệt theo ISI, nhưng nhìn vào bảng 2 bên dưới, Việt Nam đứng ở cuối bảng khi so sánh với các nước Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc về số bài báo khoa học đã công bố quốc tế trong 11 năm qua (1/1997-12/2007)[4].

Tính đến thời điểm tháng 10/2011, ĐHQG T/p HCM chỉ có 142 bài thuộc danh sách ISI[5]. Nếu lấy con số 4.667 bài báo quốc tế năm 2007 của Việt Nam trừ cho 142 bài báo của riêng ĐHQG Tp. HCM (có lẽ trong 10 năm đến thời điểm năm 2011) thì số lượng bài báo quốc tế của ĐHQG Tp. HCM là không đáng kể.

Giả sử ĐHQG Hà Nội có cùng số lượng 142 bài báo như ĐHQG Tp.HCM thì cả hai ĐH này chỉ có 284 bài báo, trong tổng số 4.667 bài báo của cả nước, chiếm tỉ lệ 6.08%[6], một con số rất khiêm tốn đối với hai ĐHQG vốn được xem là "tinh hoa" và đầu tàu của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.

Bảng 2: Số bài báo khoa học công bố quốc tế 1997-2007[7]

Phép cộng cơ học và những bất cập

Phép cộng cơ học và những bất cập

Ở đây, ngoài việc "khá nhạt" như đã nêu, điều ngạc nhiên là nếu ĐHQG, ĐH vùng là University thì các trường thành viên cũng là University (hay member university), nghĩa là trường ĐH "trong" ĐH.

Con dấu của hai ĐHQG cũng mang hình quốc huy như của Bộ GD- ĐT (tương đương với cấp Bộ), đặc biệt là Thủ tướng trực tiếp điều hành cả Bộ GD- ĐT và hai ĐHQG. Như vậy, có thể thấy vai trò của ĐHQG là cùng với Bộ GD- ĐT và các bộ ngành chủ quản khác tham gia quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Vì vậy, có người cho rằng ở Việt Nam hiện nay có đến ...ba Bộ GD- ĐT chứ không phải là một. Phải chăng Chính phủ khi thành lập hai ĐHQG vào các năm 1993-1995 muốn làm một cuộc thử nghiệm nhằm lấy ĐHQG làm đối trọng với Bộ GD- ĐT để xem...có gì mới không bởi Bộ GD- ĐT vốn từ lâu được xem là làm thay và ôm đồm công việc của các trường?

Trên thực tế, hai ĐHQG hoạt động độc lập với nhau và cấu trúc quản lý nội bộ của hai ĐH cho thấy mức độ tự chủ cao trong quản lý các trường thành viên. Việc này gây ra nhiều nhầm lẫn trong việc nhìn nhận của quốc tế bởi các nhà quan sát quốc tế thường xem hai ĐHQG này là hai khu (campus) độc lập của một ĐH, tức ĐHQG Việt Nam.

Một vấn đề khác nhìn từ quan điểm quốc tế, các trường thành viên của hai ĐHQG được xem như các... khoa chứ không phải là trường thành viên. Trong khi ở Việt Nam, nhiều người mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của mô hình này bởi "quốc gia" sẽ tốt hơn nhiều so với trường không có danh xưng "quốc gia" (?).

Thật vậy, với sự trực thuộc của Thủ tướng CP, 2 ĐHQG được xem là tinh hoa, là đầu tàu chủ lực trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Và trên hết là được nhiều quyền tự chủ hơn tất cả các trường khác ở Việt Nam, kể cả tự chủ thực chất và tự chủ thủ tục (Bedard, 1991).

Vì vậy, có người cho rằng ở Việt Nam hiện nay có đến ...ba Bộ GD- ĐT chứ không phải là một. Phải chăng Chính phủ khi thành lập hai ĐHQG vào các năm 1993-1995 muốn làm một cuộc thử nghiệm nhằm lấy ĐHQG làm đối trọng với Bộ GD- ĐT để xem...có gì mới không, bởi Bộ GD- ĐT vốn từ lâu được xem là làm thay và ôm đồm công việc của các trường?

Mặc dù có quyền hành cao, kinh phí được rót trực tiếp nhưng tại sao đến nay 2 ĐHQG vẫn chưa nằm trong nhóm 500 trường ĐH hàng đầu thế giới là việc rất đáng suy gẫm? Phải chăng việc tập trung một loạt các trường ĐH đơn ngành vốn hoạt động một cách độc lập và khá mạnh trước đây vào cái gọi là "ĐHQG" và "ĐH vùng" để chúng phát triển trở thành đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng thật ra chỉ là phép cộng cơ học thay vì tìm ra một cơ chế hoạt động phù hợp, đã mang đến những hệ lụy không đáng có?

Một vấn đề khác là qui mô lý tưởng của một trường ĐH đa ngành trên thế giới cho thấy chỉ vào khoảng 20.000 - 45.000 sinh viên nhưng qui mô của ĐHQG Hà Nội là 71.914, trong khi của ĐHQG Tp.HCM là 109.485. Như vậy tổng cộng số sinh viên của hai ĐH này đã lên đến 181.359[8], chiếm khoảng hơn 1/10 tổng số sinh viên cả nước là 1,6 triệu.

Quả thật rất khó để 2 ĐHQG có thể đào tạo tinh hoa cho một số lượng sinh viên cực lớn như vậy. Ngay cả ĐH Harvard danh tiếng cũng chỉ có khoảng 20.000 sinh viên. Riêng qui mô của ĐH Huế năm 2007 là trên 100.000 sinh viên (kể cả không chính qui) nên phần nhiều giảng viên đều ít tham gia nghiên cứu khoa học vì còn bận phải...chạy show.

Có lẽ nhận thấy qui mô bất thường này nên theo Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của TTCP phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ giai đoạn 2006-2020, điều 1, khoản 3 đã qui định quy mô đào tạo của ĐHQG Hà Nội và QĐHQG Tp. HCM chỉ dừng lại ở khoảng 42.000 sinh viên. Nhưng quyết định này được ban hành có lẽ chỉ để...thêm vui vì chẳng ai nhớ và thi hành.

Bất cập về sự quản lý Nhà nước đối với ĐHQG được tác giả Đinh Việt Bình lập luận rằng việc "cho ĐH QG nhiều quyền, nhiều ưu tiên...liệu có dẫm vào "vết xe" của những Tập đoàn, Tổng công ty 90, 91 trên lĩnh vực kinh tế? Mục đích của các tập đoàn này sẽ là "những quả đấm thép", là "chủ lực" trong nền kinh tế quốc dân, nay đã làm được những gì, hiệu quả ra sao...ai cũng biết" bởi "giáo dục trong bản chất của nó là bình đẳng ở cả nghĩa rộng nhất cũng như hẹp nhất.

Trước hết, tất cả các trường, các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục từ phổ thông đến ĐH, các trường công lập cũng như ngoài công lập phải được bình đẳng dưới sự quản lí của Nhà nước" và vì thế "ĐHQG không thể (không phải) là ngoại lệ"[9].

Việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về Bộ GD- ĐT (kể cả xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản của Bộ GD- ĐT) đã được nêu lên trong Nghị quyết 14/2005 nhưng tại sao đến nay vẫn chưa được thực hiện là điều đáng suy nghĩ? Phải chăng cơ chế bộ chủ quản gắn liền với "xin- cho" tạo nên đặc quyền đặc lợi cho các "nhóm lợi ích" vốn đã hằn sâu quá lâu và không thể thay đổi được ở Việt Nam?

Ở các ĐH vùng, tình hình có vẻ gay cấn hơn do các ĐH này vốn trực thuộc Bộ GD- ĐT chứ không phải trực thuộc CP như 2 ĐHQG vốn có mức độ tự chủ khá hơn. Tầng nấc quản lý từ Bộ GD- ĐT xuống ĐH vùng, rồi từ ĐH vùng xuống các trường ĐH thành viên, và từ các trường thành viên xuống các khoa/phòng, càng làm cho việc quản lý ngày càng trở nên phức tạp và căng thẳng với những mâu thuẫn và xung đột rất lớn về quyền lợi, nhân sự và tài chính.

Bởi  "khó khăn nằm ở chỗ: Mâu thuẫn giữa các trường ĐH thành viên và ĐH Huế về quyền hạn, trách nhiệm và quyền lợi trong tương quan với các trường ĐH đơn ngành trực thuộc Bộ, còn chồng chéo trong các hoạt động điều hành, quản lý; đầu tư của Nhà nước còn thấp; chưa tạo điều kiện cho ĐH Huế sớm hoàn thành khu quy hoạch mới và xây dựng cơ sở vật chất ngang tầm một ĐH trọng điểm quốc gia"[10].

Thời gian qua, lãnh đạo một số trường ĐH thành viên thẳng thắn phát biểu, muốn tách ra thành trường ĐH độc lập. Do hiểu rõ những bất cập của mô hình này, nên năm 2006, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân (lúc đó) trong buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng có nói: "Cuối năm 2006, Bộ sẽ rà soát lại nhiều vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ để đi đến quyết định về mô hình chuẩn của ĐH vùng".

Năm 2010, Phó TT Nguyễn Thiện Nhân đến làm việc với Đại học Huế và phát biểu rằng "phải xây dựng được cơ chế phối hợp để quyền lợi và trách nhiệm của từng trường thành viên mất đi ít nhất; được liên kết, hỗ trợ nhiều nhất, để có sự phát triển và hiệu quả đào tạo cao hơn so với đứng ngoài ĐH vùng".

Tuy nhiên, đến nay, mọi việc vẫn chưa có gì thay đổi[11]. Hình tượng ví von "vừa đội nón, vừa che ô" cho thấy sự rối rắm của mô hình ĐHQG và ĐH vùng vốn cần được các cấp quản lý Nhà nước nghiên cứu thấu đáo và đưa ra những quyết sách đúng đắn.

Đề xuất giải pháp

Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, một trong những giải pháp hữu hiệu là nghiên cứu xây dựng một mạng lưới các trường ĐH "định hướng nghiên cứu", với một hội đồng quản trị duy nhất, giống như Hội đồng Quản trị (Board of Regents) của Trường ĐH California. Mạng lưới này cần được gọi là mạng lưới ĐH định hướng Nghiên cứu Việt Nam, giống như cách phát triển thành công của hệ thống ĐH California (có 10 khu và bao gồm các ĐH "đẳng cấp thế giới" như ĐH UC Berkeley và UC Los Angeles).

Mỗi "trường ĐH thành viên" của mạng lưới này cần có bản sắc riêng, và mỗi trường cần phát triển theo định hướng đa ngành chứ không phải đơn ngành như hiện nay. Mạng lưới của ĐH định hướng nghiên cứu này phải nằm ở phân tầng trên cùng, gồm các trường ĐH "định hướng nghiên cứu" và được quyền tự chủ rất cao. Bao gồm quyền xác định mức học phí cùng với nguồn kinh phí tài trợ dồi dào và các nguồn học bổng của Nhà nước.

Các cơ sở này không được phép đào tạo hệ không chính qui. Một số tiêu chí đánh giá bao gồm: (a) Hơn 70% cán bộ giảng dạy có bằng tiến sĩ. (b) Trung bình mỗi giảng viên hàng năm xuất bản hơn 02 bài báo trên tạp chí nước ngoài được bình duyệt quốc tế. (c) Có hơn 15% số nghiên cứu sinh trong tổng số sinh viên. (d) Trên 5% giảng viên và sinh viên quốc tế[12].

Chỉ những cơ sở giáo dục ĐH nào đáp ứng được các tiêu chuẩn trên mới được vào mạng lưới này. Nếu không đủ tiêu chuẩn, các trường sẽ vào các phân tầng thấp hơn, phù hợp với mục đích và sứ mạng của riêng mình. Đối với các ĐH vùng cũng phải làm tương tự. Danh xưng "quốc gia" hoặc "vùng" dần dần sẽ mất đi. Thay vào đó là phân tầng mạng lưới các trường ĐH theo đuổi định hướng nghiên cứu, định hướng giảng dạy và huấn luyện nghề nghiệp.

Đây sẽ là cơ sở để Nhà nước xác định việc phân tầng và giao quyền tự chủ phù hợp cho các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam nhằm minh bạch hóa và xóa bỏ sự lẫn lộn về tính chính thể của hệ thống giáo dục ĐH như hiện nay.

* [1]  http://dantri.com.vn/c25/s25-445979/mo-hinh-dh-vung-vua-doi-non-vua-che-o.htm 

[2]http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-05-31-hai-chu-quoc-gia-chua-noi-len-dieu-gi

[3]http://chrd.edu.vn/site/vn/?p=5006

[4]http://www.vcn.vnn.vn/PrintPreview.aspx?ID=7858

[5]http://www.baomoi.com/Huong-toi-dai-hoc-nghien-cuu/59/7640924.epi

[6]Đây chỉ là ước lượng tương đối vì số bài báo quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội có thể ít hơn hoặc nhiều hơn Đại học Quốc gia TP.HCM.

[7]http://www.vcn.vnn.vn/PrintPreview.aspx?ID=7858

[9]http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-05-31-hai-chu-quoc-gia-chua-noi-len-dieu-gi

[10]http://gdtd.vn/channel/2741/201012/Mo-hinh-dai-hoc-2-cap-can-cu-the-hoa-ve-tu-chu-tu-chiu-trach-nhiem-1938034/

[11]http://dantri.com.vn/c25/s25-445979/mo-hinh-dh-vung-vua-doi-non-vua-che-o.htm ngày 23/01/2010.

[12]Trích từ Qui hoạch Tổng thể cho Hệ thống Giáo dục Đại học Việt Nam, 2012.

TS. Đào Văn Khanh (Australia)

Theo VietNamNet