Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Giáo dục, Văn hóa, Thanh niên và Thể thao CH Séc:

Sách giáo khoa Toán ở Việt Nam khó nhưng sẽ đào tạo tư duy tốt

(Dân trí) - “Tôi đã xem qua sách giáo khoa Toán ở Việt Nam và nhận thấy nó khó hơn nhiều so với sách giáo khoa dùng cho học sinh 15 tuổi tại Séc. Có thể các bạn sẽ nghĩ như vậy là quá tải cho học sinh ở Việt Nam, nhưng trái lại, các bạn sẽ đào tạo tư duy tốt cho các học sinh”.

Trên đây là chia sẻ của ông Václav Klaus, Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Giáo dục, Văn hóa, Thanh niên và Thể thao Cộng hòa Séc trong buổi nói chuyện cùng giảng viên, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng với chủ đề “Trung tâm giáo dục thế giới thế kỷ 21 - Phương Đông hay Phương Tây” diễn ra vào ngày 8/6.

Ông Václav Klaus, Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Giáo dục, Văn hóa, Thanh niên và Thể thao Cộng hòa Séc dẫn đầu Đoàn đại biểu Hạ viện CH Séc thăm trường ĐH Tôn Đức Thắng
Ông Václav Klaus, Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Giáo dục, Văn hóa, Thanh niên và Thể thao Cộng hòa Séc dẫn đầu Đoàn đại biểu Hạ viện CH Séc thăm trường ĐH Tôn Đức Thắng

Trong bài nói chuyện của mình, ông Václav Klaus cho rằng sự phát triển vũ bão của kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam, đã thúc đẩy sự tiến bộ của giáo dục.

“Tôi đã xem qua sách giáo khoa Toán ở Việt Nam và nhận thấy nó khó hơn nhiều so với sách giáo khoa dùng cho học sinh 15 tuổi tại Séc. Có thể các bạn sẽ nghĩ như vậy là quá tải cho học sinh ở Việt Nam, nhưng trái lại, các bạn sẽ đào tạo tư duy tốt cho các học sinh”, ông Václav Klaus nói.

Chủ tịch UB Khoa học, Giáo dục, Văn hoá Thanh niên và Thể thao CH Séc đã dành thời gian trò chuyện với hơn nghìn cán bộ, sinh viên của trường ĐH Tôn Đức Thắng
Chủ tịch UB Khoa học, Giáo dục, Văn hoá Thanh niên và Thể thao CH Séc đã dành thời gian trò chuyện với hơn nghìn cán bộ, sinh viên của trường ĐH Tôn Đức Thắng

Chia sẻ về giáo dục của quốc gia mình, ông Václav Klaus cho biết, ở Séc có 90% trường công lập, hệ thống tiêu chuẩn cho toàn quốc gia, khuyến khích đào tạo những kỹ năng tích cực. “Có hơn 15% học sinh Séc tiếp tục học lên đại học. Tôi đã thấy rất nhiều gia đình có điều kiện đầu tư cho con đi học nước ngoài, nhưng như thế có thể trở thành một gánh nặng. Cần làm cho giáo dục Đại học trở nên có chọn lọc hơn”, ông nhận định.

Ông cũng cho rằng giáo dục đại học ở phương Tây không hẳn là vượt trội hơn tại chính phương Đông. Trong tương lai 20 - 30 năm nữa, không một học giả, chính trị gia nào có thể đoán trước tương lai. Tới những năm 2040, không ai dám chắc về xu hướng lao động, sự phát triển của khoa học hay nhu cầu học một ngôn ngữ khác như tiếng Bồ Đào Nha hoặc Ấn Độ chẳng hạn.

“Nói về ngôn ngữ, tôi nhớ khoảng 20 năm trước khi bạn dùng Google dịch, kết quả trả về sẽ rất hài hước với những cụm từ vô nghĩa, không gắn kết. Ngày nay, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, những câu giao tiếp thông dụng được dịch rất sát nghĩa, dù không phải văn phạm hoa mỹ, nhưng tôi có thể hiểu rõ bạn muốn nói gì. Có thể trong 20 năm tới, sẽ có những thành tựu tương tự trong các lĩnh vực khác nhau. Không ai nói trước được tương lai, tuy nhiên, luôn tồn tại những giá trị cốt lõi mà chúng ta luôn cần đến”, ông Václav Klaus nói với sinh viên.

Trung tâm giáo dục thế giới thế kỷ 21 – Phương Đông hay Phương Tây” là chủ đề mà ông Václav Klaus trao đổi với sinh viên
"Trung tâm giáo dục thế giới thế kỷ 21 – Phương Đông hay Phương Tây” là chủ đề mà ông Václav Klaus trao đổi với sinh viên

Kết thúc buổi nói chuyện, ông Václav Klaus dành 3 lời khuyên cho các sinh viên Việt Nam rằng: “Thứ nhất, chăm chỉ đọc thật nhiều. Thứ hai, không ngừng trau dồi ngoại ngữ và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là đừng quên vai trò của Toán học, môn khoa học nền tảng”.

Cũng trong dịp này, ông bày tỏ sự vui mừng về thành quả hợp tác giữa hai quốc gia. Đồng thời, ông cũng nhắn nhủ rằng, Cộng hòa Séc đang mở ra rất nhiều cơ hội học tập bằng tiếng Anh và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các học viên Việt Nam.

Lê Phương