Sách giáo khoa trích dẫn lời Bác Hồ bị sai chính tả?

(Dân trí) - Mua sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 5 (tập 1) để con nắm sơ kiến thức sẽ học trong năm học mới sắp tới, anh Lý ở Bà Rịa - Vũng Tàu ngạc nhiên khi nghe con bảo sách giáo khoa sao có nhiều lỗi chính tả. Giở ra bài tập đọc đầu tiên, anh Lý cũng đồng tình với ý kiến của con.

Phụ huynh này cho rằng: “Sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo dục mà ngay bài tập đọc đầu tiên ở trang số 4, chỉ gần 300 chữ nhưng lại có mấy lỗi chính tả: “mấy tháng giời”, “từ phút này giở đi”; “sau 80 năm giời nô lệ”. Đáng lẽ những từ này phải ghi là “tr” thì trong đoạn trích này lại ghi thành “gi””.

Đoạn trích Thư gửi các học sinh trong sách tiếng Việt lớp 5 theo phụ huynh là sai chính tả
Đoạn trích "Thư gửi các học sinh" trong sách tiếng Việt lớp 5 theo phụ huynh là sai chính tả

Nguyên văn đoạn trích tập đọc như sau:

“Thư gửi các học sinh (Trích)

Các em học sinh,

Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam.

Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao?

Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.

Chào các em thân yêu.

Hồ Chí Minh”

Tuy nhiên theo PV tìm hiểu từ các chuyên gia giáo dục bậc tiểu học cũng như các giáo viên trực tiếp dạy lớp 5, các ý kiến đều cho rằng: “Người biên soạn sách đã cố tình giữ nguyên văn bản thảo thư của Bác gửi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tháng 9 năm 1945. Những từ như “mấy tháng giời”, “từ phút này giở đi”; “sau 80 năm giời nô lệ” giúp học sinh liên tưởng đến những biểu cảm của Bác nên giữ nguyên văn đó”.

Đồng quan điểm này, thầy Lê Tấn Lộc, một giáo viên kinh nghiệm lâu năm dạy lớp 5 ở trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5, TPHCM) chia sẻ rằng trong quá trình dạy học nhiều em học sinh đều có thắc mắc này. Do đó, trong quá trình giảng dạy, sau khi cho học sinh đọc mẫu xong, chính giáo viên sẽ là người giải thích từ khó cho học sinh hiểu.

“Các từ này được hiểu là những từ học sinh cần phải biết, nhất là đối với các em ở miền Nam vốn không quen sử dụng những từ này. Do đó, giáo viên khi dạy sẽ hướng dẫn cho học sinh biết đây là cách phát âm của vùng miền”, thầy Lộc chia sẻ.

Trao đổi với Dân trí, GS Nguyễn Minh Thuyết - chủ biên sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5 cho biết: “Văn bản “Thư gửi các học sinh” trong sách chúng tôi trích nguyên văn trong Tuyển tập Hồ Chí Minh của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, đó là văn bản chuẩn nhất của Bác Hồ. Trước nay cũng đã một số lần chúng ta sửa một số chỗ của Bác như từ “tôi - em” sang “bác - các cháu”. Tuy nhiên nếu năm 1945, Bác từng ấy tuổi thì sao có thể xưng “bác với các cháu” được mà phải là “tôi với các em”. Còn những từ như “giời”, “giở đi” không phải là sai chính tả mà bởi vì Bác dùng theo tiếng miền Bắc và chúng tôi tôn trọng trích nguyên văn lời Bác”.

Sách Tiếng Việt lớp 5 tập 1 được biên soạn theo chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT, GS Nguyễn Minh Thuyết là chủ biên, đã được dạy từ năm học 2005-2006 đến nay.

Lan Phương