Sách nói cho người khiếm thị

Vượt qua những mất mát, chị đã chọn cho mình một lẽ sống: Làm sách nói dành cho người mù.

Tôi đến thư viện khi chị đang tất bật cùng nhân viên soạn băng chuyển cho người mù ở Thái Bình. Dáng đi xiêu quẹo, khập khiễng nhưng nụ cười của chị rất tươi. Chị là Nguyễn Hướng Dương, Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù. 

Vượt qua nỗi đau

Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TPHCM ngành Ngữ văn Nga, Hướng Dương không đi dạy mà học thêm ở Trường Nghiệp vụ Du lịch Saigon tourist. Những chuyến đi xuôi ngược, những lần đưa khách đi khắp mọi miền đất nước giúp chị có thêm niềm vui mới. Nhưng giữa lúc tươi đẹp nhất, chị bị tai nạn giao thông. “Tỉnh dậy, nhìn xuống đôi chân cụt ngủn của mình, tôi chỉ muốn chết” - chị kể. Năm ấy, chị 25 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của đời người.

Sách nói cho người khiếm thị  - 1
Chị Nguyễn Hướng Dương.

Chị tâm sự: “Rồi tôi cũng ngộ ra trên đời này mọi việc đều có nhân quả. Tôi không còn oán trách cuộc sống nữa và bắt đầu chấp nhận cuộc sống mới”. Chị bắt đầu tập đi trên đôi chân giả. Những vết hằn của đôi chân nhựa cứa vào da thịt rướm máu nhưng chị vẫn cố vì “cuộc sống còn dài”.

Niềm vui khi được gieo hạt

Tình cờ đến Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu chơi, chị trò chuyện và kể chuyện cổ tích cho các học sinh nơi đây. “Thấy các em thích quá, tôi nghĩ: Tại sao mình không làm những quyển sách nói để gửi đến các em? Các em đã mù bẩm sinh, nếu không được tiếp cận với tri thức thì chẳng khác nào mù thêm lần nữa”.

Tay trắng cùng đôi chân không còn nguyên vẹn, chị gõ cửa khắp nơi để xin tiền, phương tiện, máy móc. Rồi chị cũng thuê được một căn phòng nhỏ, chật hẹp để làm nơi thu âm. Máy móc cũ kỹ, một mình chị vừa đọc vừa bấm máy thu, các quyển sách nói được chuyền tay từ các em Trường Nguyễn Đình Chiểu sang hội người mù các quận, huyện, các tỉnh.

“Trong lúc nhu cầu sách nói quá lớn mà phòng ốc chật hẹp thì một mạnh thường quân cho mượn một căn phòng để thu với điều kiện khi có khách thuê, phải trả phòng. Rồi phòng cũng có người thuê. May thay, trong một buổi giao lưu vì sự nghiệp chăm sóc trẻ em, tôi đã nói lên nỗi niềm của mình và được Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tài trợ toàn bộ kinh phí xây phòng, trang bị máy móc ngay tại Hội Phụ nữ từ thiện. Tôi sung sướng còn hơn bắt được vàng” - chị kể.

Những tia nắng ấm cho người khiếm thị

Những quyển sách nói không còn chỉ là những câu chuyện cổ tích mà là các quyển sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 với các môn: văn, sử, địa, hóa, sinh, lý, tiếng Việt, tiếng Anh, giáo trình đại học, cao đẳng, cao học… Năm 2010, Quỹ Từ thiện sách nói dành cho người mù ra đời. 

Một trong những người tìm đến thư viện sách nói nhiều nhất là anh Nguyễn Văn Long, một người khiếm thị đã tốt nghiệp cử nhân sử học, xã hội học và thạc sĩ, nay là giáo viên Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Anh tâm sự: “Thành quả  tôi có được hôm nay có sự góp phần rất nhiều từ những quyển sách nói của chị Hướng Dương”.

Quỹ đã xây dựng trang web sachnoionline với 415 đầu sách và hơn 7 triệu lượt người truy cập, phục vụ rộng rãi người mù và cả người sáng mắt trong và ngoài nước. Nhưng mới đây, nhà từ thiện muốn lấy lại mảnh đất cho mượn.Chị bộc bạch: “Quỹ đã gửi đơn xin UBND TPHCM một chỗ để thư viện hoạt động. Chúng tôi rất mong có chỗ ổn định, làm ra những quyển sách hay để phục vụ tốt hơn cho những người kém may mắn trong cuộc sống”.

Theo Hồng Đào
Người Lao Động