Sai lầm khi chọn trường

(Dân trí) - Không phải thí sinh nào cũng đủ sáng suốt và bình tĩnh để chọn trường dự thi ĐH mà sẽ không phải hối tiếc. Dưới đây là 3 sai lầm thường gặp của các sĩ tử trong việc chọn trường được các chuyên gia đúc kết.

1. “Nhắm mắt” chọn bừa

Đặc tính thích phiêu lưu, mạo hiểm, thích cái mới nhiều khi khiến bạn trẻ “chọn bừa” một trường để thi. Nhưng điều này làm không ít người phải trả giá bằng một vố “trượt vỏ chuối”, hoặc có khi là mất 4, 5 năm học ĐH mà không biết sau này sẽ làm gì hay ngành học có phù hợp với mình không!

Ngay cả những thí sinh vào diện xuất sắc cũng có thể thất bại khi chọn trường do thiếu thực tế về ngành học. Chẳng hạn như trường hợp của H, một nam thí sinh học giỏi có tiếng của trường Hà Nội - Amsterdam đã dự thi ngành PR của trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhưng, chỉ sau đúng một năm học, cậu đã “chùn bước” muốn tìm cho mình con đường khác bởi e sợ trước một lô những công việc mà một nhân viên PR phải đảm nhận.

Về điều này, Tiến sĩ tâm lý học Trịnh Hoà Bình đã có một đúc kết rất hay: “Mong muốn của giới trẻ không phải bao giờ cũng cân bằng với năng lực! Đã thế, họ lại thường chọn trường theo xu hướng bất cần tìm hiểu về nghề nghiệp, bất cần hiểu về bản thân mình và chọn trường theo hướng bắt chước nhau! Họ chỉ cần có một trường học để giải phóng áp lực, ra trường chỉ cần một nghề nghiệp để giải phóng nhu cầu công ăn việc làm và kiếm sống.

Nhiều bạn thì chỉ cần nghe thấy tên một nghề, nhìn qua loa cách vận hành của nó là có khi đã … thích ngay mà không hề đếm xỉa đến việc liệu bản thân mình có độ tương thích nhất định với yêu cầu công việc hay không. Vô hình trung, các bạn đã hi sinh cả sở thích của mình”.

TS Trịnh Hòa Bình khuyên rằng, các bạn trẻ cần phải xem xét kĩ lưỡng, cân bằng giữa bản thân và công việc tương lai để có thể chọn cho mình một hướng đi phù hợp nhất.

2. Không tự chủ

Không ít thí sinh đã phó mặc việc chọn trường thi cho phụ huynh, lý do vì “em không thể quyết được việc hệ trọng như vậy”, hoặc đơn giản hơn là vì “thi trường nào cũng được, nếu trượt thì lỗi tại bố mẹ”... Trên thực tế, việc không chủ động chọn trường khiến nhiều thí sinh chuốc lấy những thất bại đáng tiếc dù có đỗ ĐH.

Theo GS Đào Văn Long, phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, chọn cho mình một trường chính là chọn cho mình một hướng để đi suốt cuộc đời. Sự lựa chọn này có ảnh hưởng rất nhiều cho sự thành bại của mỗi con người. Quyết định nghề cho cuộc đời mình dựa theo ước muốn gia đình, sự rủ rê của bạn bè, chạy theo trào lưu của xã hội… là một sai lầm khó cứu vãn.

Việc lựa chọn đúng trường học phù hợp với khả năng, tính cách, sở thích sẽ giúp bạn trẻ thêm say mê, hứng thú trong học tập và đó là một trong những nguyên nhân cơ bản để dẫn đến thành công sau này.

3. Cứ phải vào bằng được ĐH!

Có những học sinh học rất kém ở phổ thông nhưng vẫn cứ lao vào thi ĐH một cách vô ích. Đơn cử trong năm 2007 có tới 65% thí sinh dự thi ĐH không đạt nổi 5 điểm/môn. Rồi nhiều thí sinh vẫn “ngoan cố” dự thi ĐH trong nhiều năm với hy vọng sao cho có đỗ và nhất mực cho rằng, ĐH là con đường duy nhất để vào đời.

Quả thật trong xã hội thời trước, sĩ tử có ít lựa chọn và con đường mà ai cũng muốn theo đuổi là học để làm “quan”. Còn ngày nay, ĐH vẫn là con đường tốt để mọi người phấn đấu. Nhưng đó không nhất thiết là cánh cửa duy nhất mở ra cho bạn trẻ.

Theo ông Lê Sỹ Cảnh, Giám đốc Công ty Nhựa cao cấp Hàng không, phải tỉnh táo để nhìn nhận mình có đủ điều kiện, khả năng để vào học ở các trường CĐ, ĐH hay không. Nếu không, học nghề là một lựa chọn tốt cho bạn trẻ để có thể trở thành công nhân kỹ thuật bậc 3 ở lứa tuổi 18-20 với nhiều cơ hội việc làm.

Tốt nghiệp THPT ở tuổi 18, nếu theo học hệ công nhân kỹ thuật, đến năm 20 tuổi, bạn trẻ có thể cầm trong tay bằng nghề bậc 3. Học sinh học nghề ngay khi tốt nghiệp THCS sẽ có bằng bậc 3 khi mới 18 tuổi.

Trong khi đó, nếu thí sinh nhiều lần thi ĐH với vài ba năm ôn luyện, họ đã để những năm tháng tuổi trẻ quý báu đi qua và đương nhiên cơ hội tìm việc làm, sự thành công cũng sẽ muộn màng hơn nhiều so với bạn bè đồng trang lứa.

Mai Minh