"Săn" học bổng du học: Tìm hạt vàng trên sa mạc

Ở nhiều cuộc hội thảo và triển lãm, đơn vị A dán băng-rôn to đùng: "300 suất học bổng", đơn vị B lại càng phô trương hơn: "1.000 suất học bổng". Nhưng theo quan sát của chúng tôi thì hầu hết chỉ là việc thu nhận đơn xin học bổng là chính, sau đó thì... hạ hồi phân giải.

Những ngày hội triển lãm về giáo dục và nghề nghiệp thường xuyên diễn ra với mật độ khá dày đặc tại TPHCM. Tuy nhiên, "không phải ai cũng may mắn tìm được cho mình một hạt vàng giữa sa mạc mênh mông. Ấy là còn chưa kể đến có hàng nghìn kẻ khác cũng đang mong muốn như mình vậy". Bạn Dũng, sinh viên kế toán năm cuối của Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng cho biết.

 

Mật ít...

 

Những buổi hội thảo du học và triển lãm giáo dục, nghề nghiệp thường là tâm điểm của những "thợ săn" học bổng. Thông thường, ở các cuộc hội thảo và triển lãm, để tăng tính hấp dẫn và thu hút, các trường và cơ sở đào tạo thường tung ra một số "chiêu" quảng cáo khuyến mại đặc biệt.

 

Điểm đặc biệt ở các khu triển lãm du học, giáo dục là sự xuất hiện các khu vực dành riêng cho việc phỏng vấn ứng viên. Có một số đại diện các trường chứng tỏ sự nhanh nhạy và nhu cầu thực sự của mình nên thường chọn việc phỏng vấn ứng viên tại chỗ, nếu đạt thì chọn ngay. Tôi đã thử làm một ứng viên xin du học Anh để nếm cảm giác của một "ứng viên" bị "quay" xem thế nào. Tại gian triển lãm của một trường đào tạo có liên kết với xứ sở sương mù, tôi đăng ký xin phỏng vấn. Mặc dù không phải là ứng viên thật nhưng tim tôi cũng đập thình thịch khi người phỏng vấn là một người Anh to cao xuất hiện. Ông nói bằng giọng nhẹ nhàng và chuẩn xác, dường như biết tôi hồi hộp nên ông bắt đầu khá nhẹ nhàng rồi sau đó, từ từ "siết" với những câu hỏi đơn giản mà hiểm hóc. Từ việc bạn biết gì về đất nước của chúng tôi đến việc bạn có cần làm thêm không, bạn cần bao nhiêu tiền để sống... Cứ như một buổi phỏng vấn xin visa!

 

Coi chừng mật giả

 

Những suất học bổng được quảng cáo rầm rộ nhưng thực chất, rất ít suất học bổng toàn phần. Tuy nhiên, ngay cả khi được học bổng toàn phần thì cũng chưa phải là hết lo. Bởi vì, bên cạnh đó là tiền ăn, ở và đủ thứ chi phí khác. Bạn T.Nguyên, một "chuyên gia săn học bổng" đã cay đắng tâm tình qua mạng Internet: "Học bổng 100% thực nhưng các chi phí khác quá cao, chắc em không theo nổi, giờ lúng túng quá".

 

Chính vì vậy nhiều nên các công ty tư vấn du học hoặc trung tâm đào tạo thường động viên các bạn trẻ với các suất học bổng thấp hơn, gồm 10%, 20%, 30%, 40%. Trong số đó, học bổng giá trị thấp thường nhiều hơn.

 

Cùng với Ngọc Hân, sinh viên năm thứ 2 ngành Đông phương học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tôi tham gia đăng ký thi tuyển học bổng đào tạo chuyên viên lập trình của một trung tâm đào tạo IT khá lớn. Thủ tục rất nhanh gọn chỉ với 2 tấm ảnh khổ 3 x 4 và điền thông tin là có ngay phiếu dự thi. Bài thi được làm trong 60 phút bằng hình thức trắc nghiệm. Các câu hỏi thiên về suy luận logic, kiểm định IQ là chủ yếu, có 25% câu hỏi về trình độ Anh ngữ. Khi tôi hỏi cô nhân viên là có bao nhiêu suất học bổng toàn phần thì cô nói xin lỗi vì không thể cho biết. Nhìn bảng tính phí (sau khi đã trừ 10 - 40%) tôi vẫn thấy chóng mặt! Sẽ quá hiếm cơ hội dành cho con nhà nghèo.

 

Ai cũng có thể có học bổng

 

Việc tìm kiếm những cơ hội du học hoặc học bổng đào tạo tại chỗ là một việc làm thể hiện sự năng động của các bạn trẻ hôm nay. Tuy nhiên, cần phải hết sức tỉnh táo trước những thông tin quảng cáo. Không hiếm trường hợp, quảng cáo học bổng rất cao nhưng thực tế một số nhà dịch vụ đã ăn chặn hoặc kê giá lên để giảm xuống. Triển lãm giáo dục, du học nghề nghiệp là những cơ hội tốt để tìm học bổng.

 

Nhưng có tìm được vàng giữa sa mạc cát hay không còn phụ thuộc vào bản lĩnh của từng bạn trẻ. Tôi gặp Mai, sinh viên đại học bán công marketing trong vai trò một phỏng vấn viên của một công ty bảo hiểm nhân thọ tại triển lãm. Mai tươi cười: "Em làm part time cho họ, để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tiện thể tìm hiểu qua về các công ty, trường học ở triển lãm. Kiếm học bổng á? Phải kiên trì, từ từ mới săn được chứ chị?". Bạn của Mai bật mí thêm: "Em hả? Em nghĩ đi làm thêm cũng là một thứ học bổng đặc biệt, vừa có tiền vừa có kinh nghiệm nữa. Mai mốt xin việc làm dễ hơn".

 

Dũng, một sinh viên Cao đẳng Văn hóa thì cười cười: "Đi mấy chỗ này, cũng có khi phát hiện được nhiều điều hay lắm. Như các công ty nước ngoài họ tranh thủ truyền bá văn hóa dân tộc họ bằng việc mặc trang phục truyền thống để đón chào khách tham quan hoặc chiếu phim nước họ cho người ta xem chẳng hạn". Tôi thầm thán phục cậu bạn tinh tế, vì trước gian triển lãm du học Hàn Quốc, tôi thấy một ti vi 27 inches chiếu phim: Nàng Dae Jang Geum.

 

Theo Hạ Anh

Thanh Niên