Sao không chọn người tài lại chọn người nấu món ngon?

(Dân trí) - Sau khi học sự tích Bánh Chưng bánh Dầy, một học trò lớp 7 ở TPHCM đã “trách” ông vua kỳ cục, chọn người nối ngôi không chọn người có đức có tài mà chọn chỉ vì món ăn ngon?

Trên Facebook của mình, một nhà giáo là quản lý một trường học ở TPHCM kể về cuộc nói chuyện với phụ huynh học sinh. Qua phụ huynh, cô được biết học trò lớp 7 của trường, sau khi học về sự tích Bánh Chưng bánh Dầy về phàn nàn với cha mẹ: “Vua gì mà kỳ thế, chọn người nối ngôi để vị trì đất nước mà không chọn người có tài có đức, lại chọn chỉ vì có món ăn ngon”.

 

Nội dung status về niềm tự hào khi học sinh tư duy Sao không chọn người có tài có đức mà lại chọn người có món ngon nối ngôi gây tranh cãi
Nội dung status về "niềm tự hào" khi học sinh tư duy "Sao không chọn người có tài có đức mà lại chọn người có món ngon nối ngôi" gây tranh cãi

Sau khi kể lại tình huống trên, nhà giáo này bày tỏ cảm xúc: “Mình nghe mà thấy ngưỡng mộ và tự hào về học sinh của mình quá thể”. Và đặc biệt, ở phần phản hồi, nhiều nhà giáo trong trường cũng bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá học sinh ngày nay thông minh và thực tế.

Lập tức, nội dung này được rất nhiều, đặc biệt là những người công tác trong lĩnh vực giáo dục chia sẻ và bình luận. Trong đó băn khoăn về cách hiểu “mở” của học trò về sự tích Bánh Chưng bánh Dầy và đặc biệt là nhận xét “tự hào, ngưỡng mộ” từ phía quản lý nhà trường.

ThS giáo dục Phạm Phúc Thịnh bày tỏ quan điểm, khi đọc nội dung trên, ông vẫn hy vọng là… người viết viết cho vui. Nhưng khi biết được tính nghiêm túc của người viết thì ông không khỏi giật mình về cách mà chủ status về cảm nhận văn học của học sinh.

Có thể người viết tự hào về học sinh của mình có tư duy phản biện, nhìn ra những chỗ “bất hợp lý” trong truyền thuyết Việt Nam. Chuyện nghe như cười mà không khỏi buồn.

Theo ông Thịnh, nếu học sinh có tư duy như trên sau khi học sự tích Bánh Chưng bánh Dầy thì cần xem lại năng lực truyền đạt của giáo viên dạy Văn trên lớp, chưa giúp các em hiểu được ẩn dụ thông qua việc thi làm món ăn ngon để được chọn làm vua.

“Chủ status khi tự hào vì học sinh của mình cảm nhận văn học như vậy thì năng lực tư duy của người thầy như thế nào? Hình như nhà giáo này quên mất rằng câu chuyện truyền thuyết không thể hiểu theo câu chữ mà phải hiểu được thông điệp nằm sau câu chuyện đó là gì, phải hiểu được phần hồn của tác phẩm’”, ThS Thịnh bày tỏ.

Ông Thịnh ví von: “Tôi hiểu thêm được lý do vì đâu bạn trẻ ngày nay thích nghe Sơn Tùng - MTP hát "không phải dạng vừa đâu" chứ không thích nghe "Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm ngủ" vì trăng chỉ là một tinh cầu hoang vắng thì làm gì có chuyện con trăng nằm ngủ được”.

Biết được tình huống trên, một cô giáo dạy Văn chia sẻ, bà vẫn hy vọng nội dung trên Facebook của nhà giáo nọ đơn thuần kể chuyện vui. Còn nếu nghiêm túc thì không hiểu giáo viên trên lớp đã truyền thụ cho HS về tác phẩm ra sao mà em lại lập luận, thắc mắc như vậy? Nếu xét về mặt logic, tư duy em đặt ra có thể được xem là “hay” nhưng với một tác phẩm văn học, lại là sự tích của dân tộc thì lại là vấn đề khác.

“Các em được học qua tác phẩm sẽ hiểu được ý nghĩa cốt lõi của sự tích Bánh Chưng bánh Dầy không phải chọn người kế vị vì món ngon mà vì Lang Liêu đã biết kết hợp những tinh túy của đất trời, đạo lý của con người trong chiếc bánh”, cô giáo chia sẻ.

Ngoài ra, cũng có một ý kiến phản hồi lo ngại việc dạy Văn nông cạn, hời hợt từ “tư duy” của học sinh và “niềm tự hào” của người thầy vì học sinh hiểu “lệch”. Việc truyền thụ trên lớp đã không giúp các em hiểu hết tinh túy, ý nghĩa của tác phẩm. Hơn nữa, thay vì giúp HS nắm hết được “cái hồn” của tác phẩm, người thầy lại “tự hào” về cách hiểu chưa đúng của trò thì e rằng sai lại càng sai?

Lê Đăng Đạt