Sao lễ tri ân lại thế này?

Đại diện nhà trường, phụ huynh đọc diễn văn, học sinh (HS) phát biểu cảm nghĩ, đại diện HS tặng hoa cho ba mẹ và thầy cô giáo, những tiết mục văn nghệ… Thế nhưng phía dưới sân trường, thay vì ngậm ngùi, nghiêm túc lắng nghe lại là những tiếng cười khúc khích, trêu đùa lẫn nhau của HS.

Đó là những điều có lẽ là không mấy vui và thật đáng suy nghĩ tại lễ tri ân và trưởng thành ở một trường THPT cuối tuần qua.

Ngay từ sáng sớm, khoảng 400 HS lớp 12 đã tập hợp đông đủ để cùng tham dự lễ tri ân, một buổi lễ duy nhất đầy ý nghĩa trong cuộc đời của mỗi HS. Mỗi lớp cử một số HS đại diện, được mặc lễ phục để lên sân khấu trong phần tri ân và như thế cũng đồng nghĩa chỉ những phụ huynh của các em này mới có mặt trong buổi lễ quan trọng ấy.

Sau khẩu hiệu chào cờ, HS đứng nghiêm trang trong tiếng nhạc bài hát quốc ca mà không phải hát theo vì để tăng thêm không khí trang trọng như lời giải thích của đại diện một lãnh đạo nhà trường.

Tiếp đó, hiệu trưởng nhà trường đọc diễn văn, đại diện phụ huynh đọc bài viết gửi đến HS, rồi HS lên đọc bài cảm nghĩ… Dưới sân trường, HS tụm năm tụm bảy tám chuyện, chơi game hoặc… chụp ảnh lưu niệm. Dường như không ai để ý đến những gì đang diễn ra. Sau khi em HS đọc xong bài cảm nghĩ, thầy giáo kiêm MC của chương trình nói “Cảm ơn bài cảm nghĩ vô cùng xúc động của em…” thì những tiếng cười phía dưới càng rõ rệt hơn, ai đó thốt lên “xúc động gì vậy trời!” rồi lại cười khúc khích.

Phần quan trọng nhất cũng đến, đại diện các em HS được chọn từ các lớp trong bộ lễ phục lên sân khấu tặng hoa và quà để tri ân các đấng sinh thành cũng như thầy cô giáo. HS phía dưới lại nháo nhác chụp ảnh, reo hò cổ vũ khi MC nhắc đến tên lớp mình, tên bạn hoặc thầy cô nào đó…

“Sao lễ tri ân lại thế này?” một phụ huynh “không mời” bỗng tặc lưỡi khi đứng nhìn toàn cảnh buổi lễ từ phía hành lang bên ngoài cổng trường. Người viết liền hỏi suy nghĩ của phụ huynh này thì nhận được câu trả lời: “Tại sao buổi lễ như thế lại nháo nhác quá. Những bài cảm nghĩ rất chỉn chu, hoa mỹ về câu từ nhưng sáo rỗng, ai cũng viết được. Bài viết của HS cũng vậy, không có nét riêng nào. Không lẽ bao nhiêu năm đi học các em không có suy nghĩ thật nào cần chia sẻ hay sao? Lễ tri ân mà sao như buổi tập dượt cho một chương trình biểu diễn nào đó thì phải!”.

Đối với HS cuối cấp, những buổi lễ tri ân và trưởng thành như thế góp phần tạo kỷ niệm đẹp và sâu sắc cho cuộc đời HS. Đó cũng là cơ hội để các em được bày tỏ với cha mẹ, thầy cô và bạn bè sự tri ân, tình cảm thân thương nhất trước khi bước vào đời. Ý nghĩa là thế nhưng nó sẽ thật vô nghĩa nếu việc tổ chức hình thức, kém trang trọng. Điều đó vô tình khiến một buổi lễ ý nghĩa nhất trong đời mỗi thế hệ HS dường như có điều gì đó chưa thực sự trọn vẹn…
 
Theo Hà An
Pháp luật TPHCM