Sắp sửa triệt tiêu hệ dân lập...

(Dân trí) - Ngay trong thời gian tới, mô hình ĐH, CĐ bán công sẽ không tồn tại. Còn các trường đại học dân lập cũng sẽ chuyển sang đại học tư thục. Như vậy, hệ dân lập sớm muộn cũng sẽ bị triệt tiêu! Tại sao?

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long: Xu hướng chung của giáo dục đại học thế giới chỉ gồm hai loại hình trường là trường công lập và trường tư thục. Giáo dục đại học VN cũng cần phải tiến tới mô hình đó.

 

Mười lăm năm thoi thóp

 

Đại học Dân lập (ĐHDL) Thăng Long- Trường ĐHDL đầu tiên có mặt tại Việt Nam vào năm 1988. Sau 6 năm hoạt động dưới hình thức thử nghiệm, năm 1994 mới có quyết định chính thức thành lập trường.

 

Hơn 15 năm qua sau “ngọn đèn dầu” ngoài công lập (NCL) đầu tiên đó, đến nay “le lói” thêm được khoảng 30 trường ĐH, CĐ NCL. Lọt thỏm trong tổng số hơn 200 trường ĐH, CĐ công lập, ĐH, CĐ dân lập dễ dàng bị biến thành “nia”trong sơ đồ đường chạy của thí sinh nhiều năm nay khi lọt “sàng” ĐH công lập, CĐ công lập và  không muốn học nghề!

 

Cùng với sự lùng bùng của cơ chế bộ máy quản lý kiểu “của ông, của tôi, của chúng ta”, sự lao đao “bơi” theo lợi nhuận là sự cơ cực mỗi mùa tuyển sinh! Đơn cử như mùa tuyển sinh năm 2004, lờ đi quy định của Bộ GD-ĐT bắt buộc hồ sơ xét tuyển thí sinh phải chuyển qua đường bưu điện, không ít trường kéo bàn kéo ghế ra tận cổng sẵn sàng cho việc “giáp lá cà” tóm thí sinh tại trận!

 

Đỉnh điểm của mùa tuyển sinh đó, một số trường như ĐHDL Kỹ thuật công nghiệp TPHCM chỉ tuyển được 8% chỉ tiêu khối A, ĐH DL Lạc Hồng khối A: 9%; ĐHDL ngoại ngữ Tin học TPHCM khối A: 10%; ĐH DL Thăng long khối A: 12%…và ĐHDL Bình Dương suýt đứng trước nguy cơ không tuyển được một thí sinh nào!

 

Bà Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch hội đồng quản trị trường ĐH DL Thăng Long thừa nhận: “Sinh viên cũng luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti khi phải nói với người quen rằng mình đang học tại một trường ĐHDL”.

 

Đã đến ngày tận thế?

 

Tình cảnh ngày sẽ kéo dài bao lâu? Câu trả lời rõ ràng đang là một vấn đề… chưa thể trả lời. Hiện tại, số sinh viên NCL mới chỉ chiếm 12% -13% số sinh viên cả nước. Theo quy hoạch về mạng lưới các trường ĐH, CĐ của Chính phủ, 5 năm tới, con số này phải là 40%.

 

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đó không có nghĩa là cho các trường ĐH, CĐDL thả cửa vơ vét thí sinh. Thế nên, Bộ GD-ĐT có sáng kiến ngay lập tức đề ra quy chế thành lập trường tư thục. Ban đầu, tư thục sẽ sát cánh cùng èo uột dân lập để tuyển sinh và sau đó thôn tính hệ thống này dưới hình thức chuyển tất sang thành trường tư thục.

 

Hiện, đã có 3 trường ĐH, CĐ bán công đang trong giai đoạn chuyển đổi sang mô hình tư thục và kế hoạch năm 2005 có 4 trường ĐH tư thục và 5 trường CĐ tư thục thành lập, năm 2006 có ít nhất 8 trường ĐH và một số trường CĐ tư thục ra đời…

 

Hy vọng nào cho hệ dân lập?

 

Quy chế trường đại học tư thục được hầu hết các chuyên gia giáo dục đánh giá là một bản quy chế mở ra một triển vọng, thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư của người dân cho giáo dục đại học. Quy chế thể hiện chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với loại hình này như ngoài nguồn vốn do các cổ đông đóng góp, trường ĐH tư thục được Nhà nước giao quyền sử dụng đất, cho thuê đất, vay vốn, miễn giảm thuế và được cấp kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng…

 

Để thành lập trường ĐH tư thục cũng không cần phải có cơ quan bảo trợ, hiệu trưởng và các thành viên hội đồng quản trị cũng không bị giới hạn tuổi như trường dân lập

 

Hiệu trưởng kiêm chủ tịch hội đồng quản trị trường ĐHDL Hồng Bàng nhận xét: Nếu Nhà nước tư thục hoá 50% các trường dân lập thì cũng tức là chứng minh hệ thống tư thục phát huy được tác dụng và sẽ tạo nên được thương hiệu cho các trường NCL. Đó cũng chính là con đường hy vọng cho các trường dân lập.

 

Tuy nhiên, một vấn đề khá nóng đang được đông đảo dư luận quan tâm là: Tư thục có khác gì dân lập trong đào tạo và cái “lợi” mà người học được hưởng có gì khác giữa hai mô hình trường này, thì dường như vẫn nằm trong cánh gà của sân khấu trong giờ diễn!

 

Chỉ một thực tế sắp diễn ra khá rõ: thôi rồi dân lập!

 

Mai Minh