Ý kiến giáo viên:

Sau bài văn “lạ”, đôi điều bàn về chuyện dạy văn

Chuyện bài văn của một học sinh lớp 10 với những chi tiết và ngôn từ khá rành rẽ về những hiện tượng tiêu cực của xã hội được đưa lên blog mới đây đã thu hút sự quan tâm không chỉ của giới học trò, mà còn khiến nhiều bậc cha mẹ, thầy cô giáo trăn trở.

Có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau khi đọc bài văn, nhưng đa số không đồng tình. Ở đây xin không bàn tới chuyện đúng, sai của cô học trò khi viết bài văn này, chỉ có điều, qua những chi tiết, từ ngữ được sử dụng trong bài văn, có thể thấy học trò bây giờ không chỉ biết rất nhiều chuyện tiêu cực, những hiện tượng mặt trái của xã hội, mà còn khá rành những “thủ thuật” của người lớn để đối phó hoặc tiếp tay cho hành vi ấy. Ví dụ: chuyện rùa ăn hối lộ rồi mới cấp giấy phép đi lại dưới thủy cung, chuyện mặc cả, ngã giá rất chợ búa, chuyện cờ bạc, lô đề... mà bài văn đã nêu.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên, có ý kiến cho rằng, học sinh (HS) bây giờ viết văn ít có cảm xúc, lời lẽ sáo rỗng, thường lệ thuộc vào các bài văn mẫu, xa rời thực tế. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, cách đặt vấn đề của HS này cho thấy, hiện thực cuộc sống luôn có sức hấp dẫn. Và rồi một lần nữa, vấn đề dạy văn trong trường phổ thông lại được xới xáo...

 

Văn học là phản ánh thực tế, nhưng làm thế nào để HS không bị ảnh hưởng của những tiêu cực từ xã hội và đem phản ánh vào văn chương như một hiện tượng phổ biến? Trong thời đại hiện nay, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, từ thầy, cô giảng ở trường, HS có thể tiếp nhận thông tin từ rất nhiều nguồn: qua sách báo, phim ảnh, trên mạng... và cả từ những điều mắt thấy, tai nghe hằng ngày.

 

Một trong nhiều lý do dẫn tới thực trạng trên là nạn xuất bản sách tràn lan với những đầu sách không chọn lọc, các kênh phim truyện hấp dẫn, những cuốn truyện tranh màu sắc rực rỡ nhưng mang tính ma quái, bạo lực, định hướng lệch lạc mà ít bậc cha mẹ, cấp quản lý nào kiểm soát nổi.

 

Vì thế, nhà trường cần thay đổi phương pháp dạy văn truyền thống bằng một hình thức mới và gần thực tiễn hơn để hấp dẫn HS, có thể bằng cách đưa môn văn vào dạy trong giờ ngoại khóa. Được tham quan các địa danh tác giả đã đề cập đến hay tiếp xúc, trò chuyện với các nguyên mẫu ngoài đời đã được chọn để xây dựng nên nhân vật trong tác phẩm sẽ giúp HS nhớ lâu hơn cách phải học thuộc lòng những trang viết về sự nghiệp của tác giả, hoàn cảnh ra đời và những chi tiết của tác phẩm.

 

Các em được cảm thụ tác phẩm không chỉ bằng kiến thức trong sách giáo khoa mà còn bằng sự liên hệ giữa tác phẩm với cuộc sống thực tại phong phú, sinh động. Qua đây, giáo viên có thể liên hệ kiến thức trong sách giáo khoa với những bài học về giá trị cuộc sống, về tính nhân văn, giúp các em định hướng cảm xúc, hành vi.

 

Làm được điều đó, những đề văn có tính “mở” chắc chắn sẽ hấp dẫn HS, khơi gợi ở các em trí tưởng tượng phong phú và những cảm xúc chân thật mà không sợ các em đi “chệch đường” như sự việc vừa qua.

 

Thống Nhất (ghi)

Theo Hà Nội Mới