Vụ HS gãy chân ở trường Nam Trung Yên: Sự hoài nghi về công lý bị đánh tan

(Dân trí) - Gần 3 tháng sau vụ học sinh Trần Chí Kiên (Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội) bị tai nạn được đưa ra ánh sáng, cùng với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan báo chí, hành trình đi tìm sự thật của gia đình anh Trần Chí Dũng đã có kết quả. Anh Dũng chia sẻ: “Tôi như trút được gánh nặng. Qua sự việc này, sự hoài nghi về công lý của tôi đã bị đánh tan”.

“Con không phải người có lỗi”

Tâm sự sau khi quyết định cách chức được đưa ra với hai lãnh đạo Trường tiểu học Nam Trung Yên liên quan đến tai nạn trong sân trường của cháu Trần Chí Kiên (học sinh lớp 2A2), anh Dũng - bố cháu bé cho biết, gia đình hài lòng về cách xử lý của lãnh đạo thành phố: Triệt để, dứt điểm. Điều đó mang lại niềm tin cho gia đình và các em học sinh.

“Sự việc đến nay gần 3 tháng, sức khỏe của cháu đã hồi phục tốt. Tuy nhiên, cháu phải đi bằng nạng chứ chưa đi bình thường. Cảm xúc của tôi như trút được gánh nặng vì đã tìm ra sự thật. Qua sự việc này, sự hoài nghi về công lý của tôi đã bị đánh tan”, anh Dũng nói.

Kể về hành trình đi tìm sự thật cho con, bố cháu Kiên nhớ lại, khi con nằm viện đến ngày cuối cùng, buổi sáng khi tâm sự với con, cháu cho biết mình bị chú lái taxi đâm, trên xe có cô hiệu trưởng và cô hiệu phó. Lúc đó anh nghĩ con bị nhầm, bị hoang tưởng với người lái taxi đưa cháu đi bệnh viện.

Buổi chiều, khi bác sĩ khám lại lần nữa để chuẩn bị ra viện, khi xem phim X-quang của con, bác sĩ tỏ ra rất ngạc nhiên vì sao ngã mà xương đùi lại có thể gãy vì xương đùi là xương cứng nhất của cơ thể, để gãy lìa như thế này phải bị tai nạn giao thông, tai nạn ngã từ trên cao xuống hoặc bị bệnh lý về xương.

Tuy nhiên sau khi ra viện về nhà, có hai phụ huynh học sinh đã gọi điện cho anh nói rằng, các con họ có kể lại bạn Kiên bị ô tô đâm trong sân trường. Và anh quyết định hành trình đi tìm sự thật.

Cháu Trần Chí Kiên và bố trước khi chưa bị tai nạn
Cháu Trần Chí Kiên và bố trước khi chưa bị tai nạn

“Điều khó khăn nhất của tôi lúc ban đầu là thuyết phục được con nói ra sự thật bởi sau này tôi mới biết, một số giáo viên đã dùng áp lực của nhà giáo để dọa con không được kể lại sự việc vì con đã chơi ở sân sau của trường- nơi bị cấm cho học sinh chơi. Mặc dù vậy, khi tôi kiểm tra, thấy khu vực sân sau không có biển cấm chơi.

Thứ hai, tôi cũng đã mất rất nhiều thời gian vận động phụ huynh và giáo viên nói ra sự thật vì họ đều sợ bị ảnh hưởng.

Thứ 3, tôi đã rất khó khăn trong việc tiếp cận các em vì nhà trường và BGH cản trở tiếp xúc và làm mọi cách để làm sai lệch sự việc.

Sau gần 3 tháng tìm ra được sự thật, tôi đã có thể nói với con: Bố tìm được chú taxi rồi, chú ấy lái xe gây tai nạn cho con. Trong sự việc này, con không phải là người có lỗi”, anh Dũng nói.

Đi tìm công lý, không phải cuộc chiến

Trong hành trình gần 3 tháng đi tìm công lý cho con, dù rất mỏi mệt nhưng thỉnh thoảng, anh Dũng chia sẻ cảm xúc qua trang thông tin cá nhân.

“Chiều nay nhận được những thông tin về vụ tai nạn của anh Nghé (tên ở nhà của cháu Kiên-PV) mà lòng bần thần, suy nghĩ mông lung. Ước gì mình không bao giờ phải nghe cái kết luận và quyết định đau buồn này và cũng ước gì chân anh Nghé vẫn nguyên vẹn như ngày nào của hơn 7 năm về trước khi bố hân hoan đón anh từ tay bác sĩ. Nhưng ước gì vẫn chỉ là niềm mơ ước không bao giờ trở thành sự thật. Dù thế nào, tôi vẫn tin nhà giáo vẫn là những con người cao quý bởi ông nội, ông ngoại, bác của anh Nghé đều là nhà giáo”, anh Dũng viết ngày 20/2, sau khi có thông tin kỉ luật các giáo viên có liên quan đến vụ tai nạn trong sân trường của con trai.

Vết thương ở đùi của cháu Kiên sau khi bị tai nạn gãy chân trong sân Trường tiểu học Nam Trung Yên
Vết thương ở đùi của cháu Kiên sau khi bị tai nạn gãy chân trong sân Trường tiểu học Nam Trung Yên

Trong quãng thời gian chăm con bị tai nạn, trên trang thông tin cá nhân, mẹ cháu Kiên cũng viết những dòng tâm sự đầy đau xót: “Con kể, con bị chú lái xe đâm vào chân con, con bị ngã, con còn nghe được tiếng xương kêu đấy mẹ ạ. Cô hiệu trưởng xuống xe ngó rồi đi thẳng vào chỗ cái trống. Con được bác bảo vệ bế lên phòng thư viện rồi sang phòng y tế. Chú lái xe không xuống, đi thẳng ra cổng trường. Mẹ ơi, chân con gãy đấy!

Từng lời con trẻ như những nhát dao cứa tim... một người bình thường còn cảm thấy nghẹn lòng nữa là người mẹ sinh ra con!!!

....
Thế nên hết ngày này, ngày khác... mẹ kìm nén nỗi đau của riêng mình để giải quyết sự việc theo hướng “thiện chí, có tâm, có tình” vì mẹ vẫn tin vào hai chữ “nhân văn” và “tình người” của những người mẹ thứ 2 của con. Nhưng đến giờ sau 23 ngày xảy ra, tất cả những phản hồi về "sự thật" khiến niềm tin này bị tổn thương nghiêm trọng...Tại sao lại có sự vô cảm, thờ ơ, sợ trách nhiệm đến mức mất hết cả tình người.
Sự thật luôn chỉ có một. Xin đừng sáng tác thêm nữa...

Biết rằng trẻ con sẽ chóng lành những có lẽ vết thương lòng này, không bao giờ lành lặn được”.

Chia sẻ vào chiều 21/2, ngay sau khi sự thật được đưa ra ánh sáng, anh Dũng cho biết: “Tôi nhớ một câu nói, “nếu có hành động sai trái là tội lỗi nhưng nếu dung túng hành động sai trái lại là tội ác” - đó là động lực giúp tôi đi đến cùng sự việc bởi tôi không muốn sự việc tương tự xảy ra với bất kì cháu bé nào nữa. Nếu vậy, tôi sẽ vô cùng ân hận. Chính điều đó thôi thúc tôi đi tìm sự thật chứ không phải trả thù vì cái chân gãy của con.

Lúc này đây, tôi không nghĩ tới sự thắng-thua bởi đó là hành trình đi tìm công lý chứ không phải cuộc chiến để mà phân thắng-bại.

Dù sao, tôi vẫn mong muốn nhà giáo là nghề cao quý, đừng vì hành vi của một vài nhà giáo mà đánh giá không tốt về tập thể các nhà giáo và nền giáo dục. Tôi rất cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã quan tâm sâu sát sự việc, cảm ơn Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo sát sao. Điều đó mang đến niềm tin cho chúng tôi về một Chính phủ vì lợi ích của cộng đồng”.

Mỹ Hà