Sáu bí quyết để nuôi dạy trẻ thông minh và thành công

(Dân trí) - Mong muốn chung của các bậc cha mẹ là muốn con mình trở nên thông minh. Nhưng có lẽ không ai tìm được một công thức thật sự hiệu quả để đào tạo được một người trưởng thành thông minh và thành công.

Sáu bí quyết để nuôi dạy trẻ thông minh và thành công - 1

Theo hai nhà tâm lý học Kathy Hirsh- Pasek và Toberta Golinkoff , là đồng tác giả của cuốn sách vừa xuất bản có tựa đề “Trở nên thông minh: Khoa học có thể giúp gì cho việc nuôi dạy những đứa trẻ thành công”, nếu chỉ dạy trẻ bằng cách ghi nhớ, học thuộc sẽ không hiệu quả trong một thế giới đang luôn thay đổi bởi thông tin, sự phát triển và khoa học kỹ thuật.

Để có thể thành công trong công việc và cuộc sống sau này, trẻ cần có những kỹ năng phù hợp. Dựa trên những kinh nghiệm làm việc trực tiếp với trẻ em và số liệu thu thập được sau nhiều năm nghiên cứu về sự phát triển của trẻ, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc làm thế nào để trẻ trở nên thành công không chỉ trong việc học tập mà còn trong nhân cách, hai chuyên gia này cho rằng “chúng ta cần thay đổi toàn bộ khái niệm về sự thành công trong trường học và ở ngoài trường học”.

Từ quan điểm đó, các chuyên gia đã xây dựng nên sáu qui tắc để hình thành những kỹ năng cần thiết giúp trẻ phát triển như mong muốn và đạt thành công trong tương lai mà các bậc cha mẹ và nhà trường cần sử dụng trong quá trình giáo dục trẻ ở thế kỷ 21 này.

1- Sự cộng tác phải được khuyến khích trẻ thực hiện từ rất sớm: Theo Hirsh- Pasek, nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em, “Sự cộng tác là tất cả”. Trẻ cần phải học để hiểu và làm việc cùng với những người khác. Đó là bước đi đầu tiên tới thành công. “Tất cả những gì chúng làm, ở trong lớp học hay ở nhà, đều phải được xây dựng trên nguyên tắc nền tảng này”- bà chia sẻ- “Không ai có thể một mình chơi được cả buổi hòa nhạc giao hưởng”.

2- Đề cao những kỹ năng giao tiếp: bao gồm cả nói, viết, đọc và nghệ thuật lắng nghe. Những kỹ năng này là thiết yếu đối với việc học tập và phát triển sự hiểu biết ở tất cả các lĩnh vực.

3- Nếu rèn luyện được những kỹ năng giao tiếp này, con bạn có thể nắm bắt được các nội dung học tập từ khoa học đến toán học hay nghệ thuật dễ dàng hơn. Với kỹ năng giao tiếp tốt- theo nhà tâm lý học Hirsh- Pasek- trẻ có thể sử dụng những kỹ năng ngôn ngữ này để học nội dung kiến thức của tất cả các lĩnh vực bao gồm khoa học, toán học, nghệ thuật và nhiều hơn nữa. Nhiều học sinh sẽ phải cố gắng rất nhiều ở những môn học này nếu như các em ngay từ đầu đã không được học cách làm thế nào để cộng tác (làm việc nhóm) và giao tiếp hiệu quả.

4- Giúp trẻ đào sâu suy nghĩ về những gì chúng đang học: Suy nghĩ đa chiều- theo các chuyên gia- có tác dụng phát huy hiệu quả vào thời điểm trẻ phải nắm bắt được hiệu ứng của những nội dung kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề và phân tích những gì chúng được học. “Khi đứa trẻ biết được là Columbus đã tìm ra châu Mỹ, nhưng sau đó chúng lại biết thêm rằng những thổ dân vốn dĩ đã sinh sống tại đó. Đó chính là thời điểm con bạn đã bắt đầu suy nghĩ một cách đa chiều”- Golinkoff dẫn chứng.

5- Khuyến khích khả năng suy nghĩ sáng tạo, giúp trẻ phát triển năng lực suy nghĩ logic và tìm ra những ý tưởng mới. Đây là một kỹ năng nâng cao và là một kỹ năng cần được phát triển một cách chắc chắn dựa trên những kỹ năng kể trên. Khi một đứa trẻ có khả năng suy nghĩ đa chiều, chúng có thể phát triển năng lực suy nghĩ logic, ý tưởng và phát minh. “Khả năng sáng tạo đòi hỏi phải có hiểu biết sâu sắc”- Hirsh- Pasek giải thích.

6- Hình thành sự tự tin, từ đó trẻ có thể sẵn sàng đương đầu với thách thức: Trẻ cần phải có sự tự tin để đối đầu với các thử thách một cách an toàn- các chuyên gia phân tích – vốn là kỹ năng ngày càng khó đạt được trong môi trường trường học hiện đại đang ngày càng trở nên “bao bọc” trẻ em.

Sự an toàn là tốt, nhưng trẻ em cũng cần phát triển đầy đủ sự tự tin để khám phá, đánh giá rủi ro và thách thức bản thân mình. Nếu các bậc cha mẹ không nuôi dạy con không ngai đối mặt với rủi ro, thách thức, chúng sẽ không đạt được thành công- các chuyên gia khẳng định.

Nhưng hai chuyên gia này cũng lưu ý: Những lời khuyên này có thể hữu ích nhưng không bảo đảm là sẽ trở thành bí quyết thành công cho tất cả mọi trường hợp.

An Khanh (Theo Business Insider)