“Sau lưng” cuộc vận động “hai không”

(Dân trí) - “Cuộc vận động bước đầu đã lập lại kỷ cương, nền nếp, phát huy dân chủ trong các nhà trường…”, đó là một phần trong Báo cáo kết quả 5 tháng triển khai cuộc vận động “hai không” tại Hội nghị giao ban lần 2 diễn ra sáng 12/1 tại TP Vinh. Vậy nhưng “sau lưng” cuộc vận động này, vẫn còn có nhiều ý kiến nhỏ to về tính khả thi khi mà sự vào cuộc của các trường còn ở mức “rùa bò”…

Cuộc vận động “hai không” được phát động từ ngày 31/7/2006 đến nay đã hơn 5 tháng. Thế nhưng đến thời điểm này, số trường, cơ quan, tổ chức phát động cuộc vận động vẫn là con số nhỏ nhoi. Chỉ có hơn 300 trên tổng số hơn 1.000 trường ĐH, CĐ, THCN tiến hành triển khai cuộc vận động; hàng trăm trường vẫn chưa gửi báo cáo… Thậm chí đến nay nhiều Sở GD-ĐT còn chưa hình thành được Báo cáo tình hình triển khai cuộc vận động để gửi về Thanh tra Bộ. Không hiểu những Sở này “vô tình” chậm chạp, hay không có gì để nói về cuộc vận động nên chọn giải pháp “im lặng”?

 

Trong khi tiêu cực còn “nóng” thì Hội nghị giao ban sáng 12/1 giữa lãnh đạo các Sở GD-ĐT ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn diễn ra một cách bình lặng. Hầu như ở mỗi bài phát biểu đều có “động tác chung” là “bước đầu cuộc vận động đã gặt hái được những thành công đáng kể”. Phần tiêu cực còn nổi cộm cần có giải pháp thì thấy ít vị đề cập tới. Thậm chí nhiều Sở còn có báo cáo sơ sài, hầu như chưa chỉ ra được giải pháp để cải thiện cuộc vận động sắp tới…

 

Giờ giải lao lại thấy “hội nghị” “rộn ràng” những câu chuyện xung quanh việc thực hiện “chậm trễ” cuộc vận động. Ví như nhiều địa phương chưa thật quan tâm hoặc sự quan tâm chưa thật sâu sát, còn mang tính hình thức, còn có biểu hiện “chờ xem” các nơi khác “triển khai” thế nào đã. Hay như chất lượng học sinh còn thấp, cơ sở vật chất phục vụ dạy, học còn nhiều hạn chế, đời sống cán bộ giáo viên còn khó khăn là những trở ngại không nhỏ cho cuộc vận động.

 

Giải thích về sự chần chừ của các địa phương trong việc triển khai cuộc vận động, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long “chữa cháy”: “Để cho cuộc vận động “hai không” đạt được hiệu quả như mong đợi chúng ta cũng cần phải có thời gian, chúng ta còn phải làm kiên quyết. Và để đạt được thành công thì tôi nghĩ rằng phải 3-4 năm nữa ngành giáo dục chúng ta mới có thể trở nên lành mạnh…”

 

“Xung quanh việc thời gian vừa qua, hưởng ứng cuộc vận động nhiều giáo viên đã mạnh dạn đứng lên “nói thẳng, nói thật” thì bị “chèn ép”. Đấy là những nhân tố mới mà chúng ta cần phải kiên quyết bảo vệ. Lãnh đạo Bộ cũng luôn luôn động viên khuyến khích giáo viên tố cáo tiêu cực. Còn việc thông tin vượt cấp, Bộ cũng không nề hà mà khuyến khích và ủng hộ. Tuy nhiên, đơn thư tố cáo phải chính xác và nên có tên, địa chỉ rõ ràng…” - Thứ trưởng Long cho biết.

 

Một bộ phận GV vẫn nghi ngờ tính khả thi của “hai không” - Ông Lê Tiến Hưng - GĐ Sở GD-ĐT Nghệ An

 

Sau khi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát động cuộc vận động “hai không”, Nghệ An thực sự đã “ra quân” một cách quyết liệt. Một số vụ “án đỉnh” nổi cộm như vụ Nam Đàn 2, Thanh Chương 3, Cao đẳng văn hoá nghệ thuật… đã được tiến hành thanh kiểm tra và xử lý dứt điểm. Đến thời điểm này Sở đã xem xét, xử lý kỷ luật gần 150 cán bộ, giáo viên “thoái hoá biến chất”…

 

Thực sự cuộc vận động “hai không” đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành cũng như trong cộng đồng. Tuy nhiên hiện một số trường thực sự chưa vào cuộc hay vào cuộc nhưng mới chỉ dừng lại ở việc triển khai cuộc vận động chứ chưa kiên quyết, tích cực, chủ động tìm các biện pháp hữu hiệu để thực hiện đúng mục đích. Thậm chí, một bộ phận cán bộ quản lý các nhà trường và giáo viên vẫn còn tư tưởng hoài nghi về tính khả thi của cuộc vận động…

 

“Xử lý nghiêm những đơn vị chần chừ…” - Bà Nguyễn Thị Nghĩa - GĐ Sở GD-ĐT Quảng Bình

 

Ban chỉ đạo cuộc vận động của Bộ cần phải tỏ rõ thái độ và quyết tâm trong việc chỉ đạo thực hiện cuộc vận động trên phạm vi cả nước. Có biện pháp xử lý nghiêm túc những địa phương, đơn vị có tư tưởng chần chừ hoặc xem nhẹ việc tổ chức thực hiện cuộc vận động, các địa phương để xảy ra tiêu cực trong thi cử, thiếu trung thực trong báo cáo hoạt động gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ngành…

 

Đặng Nguyên Nghĩa