Sau tiếng trống, học sinh cả xã ngồi vào bàn học

(Dân trí)-Gần 10 năm qua, đã thành thông lệ, cứ từ 7g tối, khi tiếng trống vang lên, hàng trăm học sinh xã Thọ Cường (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) nghiêm túc ngồi vào bàn học bài mà phụ huynh không phải nhắc nhở. Có được điều đó là nhờ vào phong trào khuyến học của địa phương.

Từ lâu, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa vốn nổi tiếng là nơi có phong trào tiếng trống học đêm. Tiếng trống học bài của các em học sinh như một phần nếp sống của người dân nơi đây. Nhắc đến mô hình này, người dân địa phương chỉ cho chúng tôi đến nhà ông Lê Đình Cư - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thọ Cường, là một trong những “công thần” của phong trào khuyến học.

Sau tiếng trống, hàng trăm học sinh trong cả xã ngồi vào bàn học ngay.
Sau tiếng trống, hàng trăm học sinh trong cả xã ngồi vào bàn học ngay.

Ông Cư tâm sự: “Ngày trước cứ giờ này, chúng tôi phải chia nhau từng tổ đi kiểm tra tình hình học tập của các cháu rồi, nhưng bây giờ thì đã khác, mọi thứ đã đi vào nề nếp cả rồi nên các cháu cứ thế thực hiện”.

Vốn là một cựu binh, năm 1988, sau khi xuất ngũ trở về địa phương công tác, đến năm 2004 ông Cư nghỉ hưu và được cử sang làm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thọ Cường. Lúc đầu, công tác tổ chức mới chỉ có Ban chấp hành ở xã, cả chi hội và hội viên thì chưa có, mọi hoạt động đều đang gán ghép.

Ông Cư nhớ lại vào cuối năm 2007, ông Lê Văn Thọ - người con của địa phương đi làm ăn xa thành đạt về chứng kiến phong trào học tập ở địa phương tốt nên đã hứa tài trợ cho xã trong công tác khuyến học. Cũng từ đó, xã củng cố lại ban chấp hành Hội, từ con số 13 lên 21 thành viên, động viên các bác hưu trí nhiệt tình với công việc tham gia.

Để phát động phong trào, đầu năm 2008, Hội Khuyến học xã đã tổ chức chương trình xuân 2008 do ông Lê Văn Thọ tài trợ buổi tọa đàm, giao lưu để phát động phong trào “Tiếng vọng mùa xuân”. Tất cả sinh viên, học sinh và người dân trong xã được mời tham gia. Cũng tại buổi tọa đàm này, những người tâm đắc với phong trào khuyến học đã tham gia ủng hộ được 11 triệu đồng cho Hội, từ đó phong trào ngày càng được đẩy mạnh.

Dù điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động của Hội Khuyến học, tuy nhiên, thời gian đầu Hội cũng trang bị cho mỗi thôn xóm một bộ loa, đài, âm ly để tuyên truyền phong trào khuyến học. Từ giữa năm 2008 đến đầu năm 2009 đề ra phong trào tự quản tiếng trống học đêm từ ý tưởng của cựu chiến binh Lê Khắc Kháng.

Phong trào chủ yếu là quản lý giờ học tập của các em học sinh từ 19 giờ đến 21 giờ tối. Từ phong trào đó chia ra từng cụm và tổ dân cư. Hiện cả xã có 47 tổ tự quản đang hoạt động rất tốt. Nhiệm vụ của tổ tự quản là nhắc nhở các gia đình có góc học tập, đèn chiếu sáng cho con em mình. Những năm đầu, Hội còn trích quỹ cho nhiều gia đình vay tiền đóng bàn học nơi yên tĩnh để các cháu không bị ảnh hưởng trong quá trình học bài.

Anh Lê Đình Dũng ở, thôn 6, xã Thọ Cường chia sẻ: “Từ khi có tiếng trống khuyến học, hàng đêm, gia đình không phải nhắc nhở các cháu về ý thức học tập nữa, đêm đến cứ nghe thấy tiếng trống là các cháu tự giác ngồi vào bàn học bài. Cũng nhờ đó mà việc học tập của các cháu đi vào nề nếp tốt”.

Để phong trào thiết thực và có hiệu quả, Hội đã phát động từng tổ một thi đua với nhau. Nếu tổ nào làm không tốt sẽ nhắc nhở trên hệ thống loa truyền thanh. Bên cạnh đó, Hội cũng tiến hành làm sổ liên lạc ghi đầy đủ thông tin liên hệ với nhà trường để công bố công khai kết quả học tập của các cháu.

Ngoài ra, xây dựng quỹ tình nghĩa, ốm đau thăm hỏi, quỹ từng chi hội, dòng họ, gia đình. Hàng năm, các chi hội bình bầu cá nhân xuất sắc, chi hội suất sắc, gia đình xuất sắc để khen thưởng. Kết hợp với hội phụ nữ, an ninh, cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc…. để đảm bảo phong trào học tập tốt. Phương châm đề ra là tổng thể các khối đoàn thể trong xã tập trung xây dựng phong trào khuyến học.

Là một địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2008, xã Thọ Cường đã ba lần tổ chức hội trại hè lớn, phát động nhiều chương trình hoạt động bổ ích như kể chuyện tấm gương Bác Hồ, các gương sáng trong học tập. Phong trào không chỉ dừng ở góc học tập nữa mà còn mở rộng ra nhiều phong trào khác như điện sáng, liên gia, vở sạch chữ đẹp...

Sau tiếng trống, hàng trăm học sinh trong cả xã ngồi vào bàn học ngay.
Ông Lê Đình Cư - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thọ Cường - người đóng góp nhiều công sức trong việc phát triển phong trào khuyến học địa phương.

Để minh chứng cho những cố gắng, nỗ lực cũng như hiệu quả của phong trào khuyến học của địa phương, ông Cư lật cuốn sổ đã cũ kỹ theo màu thời gian, nhưng nó ghi chép đầy đủ những thành qủa sau bao năm của Hội. Ông Cư cho biết, tỷ lệ học của các cháu tăng lên về chất lượng, cụ thể, năm học 2004 - 2005 cả xã có 8 học sinh đậu Đại học, 11 Cao đẳng, 15 Trung cấp chuyên nghiệp… thì đến năm học 2007 - 2008 có 22 học sinh đậu Đại học, 13 Cao đẳng, 5 Trung cấp chuyên nghiệp… Hiện cả xã đã có 735 hội viên, chiếm 65% số hộ gia đình tham gia phong trào.

Rồi ông Cư chùng giọng xuống khi nói đến những khó khăn đang gặp phải như con người tổ chức, vận động người vào rất khó, nhất là những người trẻ tuổi xông xáo thì lo đi làm ăn, những người già ngại vào. Việc xây dựng quỹ cũng không phải là việc đơn giản… Nói rồi ông đứng dậy, bật loa, tiếng trống vang lên. Ông Cư giải thích thêm: “Nhiều nơi đến áp dụng mô hình như chúng tôi nhưng cũng chỉ được một thời gian thôi, giờ đây, chỉ cần như thế là học sinh cả xã ngồi vào bàn học rồi đấy”.

Duy Tuyên