Sẽ có khoảng 50% học sinh chọn ban cơ sở

(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên về phương án phân ban mới, ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ trung học phổ thông, Bộ GD-ĐT đã cho biết:

- Phương án phân ban mới vừa được Chính phủ phê duyệt có tính mềm dẻo và linh hoạt hơn bởi đã tạo thêm cơ hội lựa chọn cho học sinh và phù hợp với điều kiện cụ thể đa dạng của từng trường THPT. Theo dự báo của các nhà chuyên môn, sẽ có khoảng 50% học sinh sẽ chọn ban cơ sở, 30% chọn ban KHTN và 20% chọn ban KHXH.

 

Được biết phương án điều chỉnh phân ban này sẽ được áp dụng chính thức ngay từ năm  học 2006-2007 và sau 3 năm sẽ áp dụng trong toàn cấp THPT. Vậy Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị thế nào?

 

Ngay từ đầu năm 2004, cùng với chuẩn bị Dự án Luật giáo dục sửa đổi, Bộ GD-ĐT đã tiến hành hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông theo quy định tại Luật giáo dục 2005. Chương trình đã qua một quá trình hoàn thiện và thẩm định từ tháng 2/2004 với sự tham gia của trên 400 nhà khoa học, cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ, kinh nghiệm. Trong quý I/2006, chương trình giáo dục phổ thông biên soạn theo Luật giáo dục 2005 sẽ được Bộ GD-ĐT ban hành. 

 

Theo đó, cấp THPT có 8 môn học bên cạnh SGK hoàn thiện theo chương trình chuẩn có sách giáo khoa (SGK) nâng cao. Đây là bước chuẩn bị để thực hiện Luật giáo dục 2005, và chủ động đáp ứng mọi phương án dạy học phân hoá ở THPT khi được cấp có thẩm quyền lựa chọn, nên cũng rất phù hợp với phương án điều chỉnh phân ban vừa được quyết định.

 

SGK THPT hoàn thiện theo chương trình mới và danh mục thiết bị dạy học sẽ được ban hành sớm sau khi ban hành Chương trình. Việc tập huấn cho giáo viên cốt cán sẽ được tổ chức vào đầu tháng 5/2006, sau đó các địa phương tập huấn đại trà cho giáo viên để chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình, SGK lớp 10 vào năm học sắp tới 2006-2007. Về SGK, chỉ có một bộ SGK thống nhất, trong đó tất cả các môn học đều có loại SGK biên soạn theo chương trình chuẩn và 8 môn có thêm loại SGK nâng cao theo quy định của Luật giáo dục 2005.

 

Phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT phân ban sẽ như thế nào khi năm học 2005-2006 theo quy định của Luật giáo dục 2005 sẽ bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS, thưa ông?

 

Tuyển sinh vào lớp 10 THPT phân ban dự kiến sẽ áp dụng phương thức xét tuyển hoặc thi tuyển cho từng trường THPT. Phương án tuyển sinh của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do sở GD-ĐT trình UBND quyết định. Với phương án thi tuyển, chỉ thi 2 môn Toán và Ngoại ngữ với đề thi do Sở GD-ĐT ra chung cho toàn tỉnh, thành phố. Để xác định điểm trúng tuyển, mỗi trường THPT có một điểm trúng tuyển chung cho tất cả các ban.

 

Về cách tính điểm ưu tiên, khuyến khích, giữ nguyên những quy định hợp lý của Quy chế hiện hành, có bổ sung điểm khuyến khích đối với kết quả rèn luyện đạo đức và học tập của học sinh trong 4 năm học ở cấp THCS.  Dự kiến, học sinh có học lực giỏi và hạnh kiểm tốt trong mỗi năm học sẽ cộng 1 điểm...Số được cộng điểm khuyến khích được ưu tiên tuyển sinh vào lớp 10 sẽ không quá 30% trên tổng số học sinh.

 

Thưa ông, việc sắp xếp các ban sẽ được quy định như thế nào và trong quá trình học nếu học sinh muốn chuyển ban có được không?

 

Các trường THPT chỉ đặt vấn đề xếp ban khi học sinh đã trúng tuyển vào trường thông qua hình thức thi hoặc xét tuyển. Mỗi học sinh trúng tuyển sẽ có 3 nguyện vọng tương ứng với 3 ban. Căn cứ nguyện vọng của học sinh và khả năng bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, hiệu trưởng lập phương án sắp xếp các ban báo cáo Giám đốc Sở xét duyệt. 

 

Nhằm phát huy năng lực và sở trường của học sinh, sau khi kết thúc năm học lớp 10, Bộ cho phép học sinh chuyển ban nếu có nguyện vọng. Việc xét chuyển ban phải căn cứ nguyện vọng, điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất và năng lực học tập của học sinh dể quyết định cho phép chuyển hoặc không. Nhà trường trường không được tự ý chuyển xếp lại ban trái với nguyện vọng của học sinh trong quá trình học tập ở THPT.

 

 

Mai Minh - Hồng Hạnh

(thực hiện)