Sẽ có nghị định mới về Thanh tra giáo dục

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa đưa dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động Thanh tra giáo dục để xin ý kiến đóng góp. Việc soạn thảo dự thảo mới này nhằm khắc phục một số bất cập trong hệ thống thanh tra giáo dục.

Theo đánh giá của ban soạn thảo Nghị định thì hệ thống thanh tra giáo dục vẫn còn một số bất cập như chưa thể hiện rõ tính đặc thù của thanh tra chuyên ngành giáo dục; chưa phân định rõ trách nhiệm thanh tra hành chính đối với các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục; hoạt động thanh tra giáo dục ở cấp huyện còn nhiều khó khăn; hoạt động thanh tra nội bộ trong các cơ sở giáo dục đại học chưa thống nhất và hiệu quả; đội ngũ cộng tác viên thanh tra giáo dục rất đông đảo và có đóng góp tích cực vào hoạt động quản lý song chưa có cơ sở pháp lý đủ mạnh để điều chỉnh.

Trong khi đó với nhiều nội dung đã được sửa đổi, bổ sung; các quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục tại Nghị định số 85/2006/NĐ-CP đã không còn phù hợp. Bên cạnh đó, luật Thanh tra 2010 chỉ mới quy định những vấn đề chung, áp dụng cho tất cả các Bộ, ngành. Hoạt động thanh tra giáo dục có nhiều vấn đề cần quy định cụ thể hơn để phù hợp với đặc thù của ngành Giáo dục. Bộ GD-ĐT có đặc thù riêng về tổ chức và hoạt động, là ngành có quy mô lớn, được tổ chức theo hệ thống dọc thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Dự thảo Nghị định được xây dựng trên quan điểm quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra nói chung và thanh tra giáo dục nói riêng; đảm bảo hoạt động thanh tra giáo dục góp phần thiết thực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục. Bám sát các quy định của Luật Thanh tra năm 2010; Luật Giáo dục 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Nội dung Nghị định nhằm hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Giáo dục, phù hợp với đặc thù công tác quản lý ngành của Bộ, có sự phân công, phân cấp cụ thể…

Dự thảo Nghị Định có 7 chương, 33 điều trong có nhiều điểm mới liên quan đến các nội dung về cộng tác viên thanh tra giáo dục; thanh tra hành chính trong lĩnh vực giáo dục; thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục; hoạt động thanh tra giáo dục ở cấp huyện; hoạt động thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp…

Theo đánh giá của một nhà giáo, mặc dù dự thảo đã có những điều chỉnh cần thiết và giao quyền tự chủ cũng như phân cấp hơn. Tuy nhiên cũng xuất hiện một số điểm mới chưa phù hợp. Chẳng hạn như, Thanh tra Sở GD-ĐT có thẩm quyền thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục đối với các Phòng GD-ĐT; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp theo phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục; cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục tại địa phương. Với việc lực lượng “mỏng” kèm theo với năng lực thì liệu thành tra Sở GD-ĐT có thể thanh tra chuyên ngành được các cơ sở giáo dục ĐH hay không cần phải được xem xét một cách thấu đáo.

Bạn đọc có thể xem toàn bộ dự thảo này tại đây.
 
S.H