Sẽ không có kết quả thi tốt nghiệp đột biến!

(Dân trí) -Việc triển khai thi cụm và chấm chéo trong thi tốt nghiệp THPT 2009 là tiền đề để tiến tới một kỳ thi quốc gia. Bộ sẽ tập huấn kỹ cho cán bộ chấm thi và sẽ có barem điểm chi tiết để tránh tình trạng có kết quả đột biến, thấp quá hoặc cao quá.

“Sẽ không có kết quả thi tốt nghiệp đột biến!” - là khẳng định của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tại tại hội nghị giao ban lần thứ II các Sở GD-ĐT của 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ ngày 24/3 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, nhiều tỉnh băn khoăn lo lắng về việc thi cụm sẽ gây khó khăn cho thí sinh trong việc đi lại và đề nghị Bộ GD-ÐT đưa ra hình thức kỷ luật đối với những người làm công tác chấm thi ở các địa phương để tránh “sát phạt”. Đồng thời, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể đối với khâu tổ chức bảo quản, vận chuyển, bàn giao kết quả bài thi tự luận giữa các địa phương.

Phó Thủ tướng khẳng định, việc triển khai thi cụm và chấm chéo trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 là một chủ trương mới của Bộ nhằm siết chặt kỷ cương phòng thi, tiến tới một kỳ thi quốc gia.

Dựa trên kinh nghiệm thực tế của nhiều địa phương đã thực hiện thi cụm từ nhiều năm nay, Bộ sẽ tập huấn kỹ cho cán bộ chấm thi và sẽ có barem điểm chi tiết để tránh tình trạng có kết quả đột biến như thấp quá hoặc cao quá. Bộ có sẽ có hướng dẫn cụ thể và chi tiết trước ngày 10/3 để giúp các Sở thuận lợi trong việc triển khai các công tác chuẩn bị.

Phó thủ tướng cũng đưa ra ý kiến về việc ra đề thi cho học thi để các Sở tham khảo là nên chọn lọc các thầy cô giáo dạy giỏi ở các trường để thành lập một tổ ra đề thi, từ đó hình thành nên một ngân hàng đề với quy mô đủ lớn để công khai kho đề. Mỗi năm nên bổ sung thêm khoảng từ 10 đến 15% đề thi vào ngân hàng đề này.

Không có học sinh nào ngồi nhầm lớp

Trong hội nghị giao ban lần thứ 2 năm học 2008-2009 của 5 thành phố lớn trong cả nước này, thông tin số học sinh bỏ học đã giảm. Cụ thể: Hà Hội có 762 học sinh phổ thông bỏ học; Hải Phòng 1.689; Đà Nẵng có 215;  TPHCM 1.922; Cần Thơ 1.056 và đặc biệt chưa phát hiện ra học sinh nào ngồi nhầm lớp.

Nguyên nhân học sinh bỏ học mà các thành phố đưa ra chủ yếu là học lực kém không có khả năng đến lớp, do hoàn cảnh khó khăn, xa trường…

Được biết, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tình hình bỏ học của kỳ I năm học 2008-2009 của cả nước đã giảm 40% so với kỳ I năm học 2007-2008 từ 147 nghìn học sinh bỏ học xuống còn 86 nghìn.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, việc giảm nhanh số lượng học sinh bỏ học của kỳ I của năm học này là có sự nỗ lực rất lớn của các thầy cô giáo trong việc phân loại và dạy kèm đối với những học sinh có học lực yếu kém và sự phối hợp lãnh đạo của các tổ chức xã hội, chính quyền các cấp.

Bà Huỳnh Thị Ngô Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, trưỏng vùng 7 của 5 thành phố lớn cho biết, để khắc phục tình trạng trên, năm học tới, các Sở sẽ tập trung bồi dưỡng học sinh yếu, tổ chức tốt kiểm tra học kỳ II, đánh giá đúng kết quả học tập, không để có hiện tượng học sinh chưa đủ điều kiện được lên lớp.

Hồng Hạnh