Đà Nẵng:

Sẽ kỷ luật học sinh có blog mang nội dung xấu

Theo văn bản về việc giáo dục HS sử dụng blog cá nhân vừa được Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng ban hành, những HS có blog mang nội dung xấu sẽ bị xử lý. Văn bản được gửi đến hiệu trưởng các trường THPT và THCN, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trực thuộc.

Được biết, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc xử lý vi phạm blog cá nhân có nội dung không lành mạnh.

Căn cứ theo Luật Giáo dục mà xử lý

Công văn vừa ban hành ghi rõ, căn cứ vào Luật Giáo dục 2005, điều lệ nhà trường các cấp, quy định đánh giá học sinh các cấp, Quyết định số 46/2007 ngày 20/8/2007 của Bộ GD-ĐT “quy định công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”.

Công văn quy định, đối với các blog xấu, khi phát hiện chính xác, tùy theo mức độ vi phạm, tái phạm của học sinh mà có hình thức kỷ luật thích đáng. Các hình thức kỷ luật bao gồm: nhắc nhở, phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn... Trường hợp học sinh vi phạm nặng sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan chức năng để xử lý.

Theo đó, bên cạnh việc tuyên truyền cho HS về những tác hại, chuẩn mực đạo đức, pháp luật, điều lệ trường, hạnh kiểm HS khi trao đổi thông tin trong blog, nhà trường còn phải giáo dục các em, hướng dẫn thông tin văn hóa qua mạng, blog cá nhân, nhận thức những điều không được làm trên blog cá nhân...

Ban giám hiệu nhà trường còn có nhiệm vụ giới thiệu những trang blog nghiêm túc và hữu ích, đồng thời phát hiện những sai phạm trong các blog, phê phán những blog có nội dung xấu, xuyên tạc, xâm phạm đời tư, vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục.

Khó tìm chứng cứ

Ông Nguyễn Minh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết: “Xuất phát từ thực tế hiện nay là HS từ cấp I đến cấp III đều có thể sử dụng blog, tự viết các entry đưa lên mạng, trong đó có thể có những sai phạm như nói xấu, trao đổi các thông tin không được phép, dẫn đến sai phạm. Nhà trường sẽ thông qua giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên và HS để biết các blog của HS nào vi phạm mà xử lý”.

Tuy nhiên, khi được hỏi: “Nhà trường có đủ năng lực để truy tìm nguồn gốc các blog “đen” của HS mà xử lý không?”, ông Hùng cười: “Việc đó nhà nước làm chưa nổi, sao nhà trường đủ sức”. Nhà trường chỉ xử lý blog của HS khi có đủ chứng cứ và được HS đó thừa nhận đấy là blog của mình”.

Việc xác định blog như thế nào là vi phạm, ông Hùng cho rằng thông qua ngôn từ HS sử dụng trên blog. Nhà trường không hy vọng gì vào việc triệt tiêu các blog xấu trong nhà trường nhưng thông qua hình thức này để giáo dục là chính. “Thông qua các hình thức kỷ luật như vậy, các HS khác sẽ “cô lập” các HS có blog mang nội dung xấu và như vậy đã là có hiệu quả. Hành động này không vi phạm gì đến đời tư của HS” - ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết sau một năm từ ngày văn bản ban hành về việc giáo dục HS sử dụng blog cá nhân trên mạng, Sở GD-ĐT sẽ sơ kết để đánh giá hiệu quả của quy định này.

Theo Pháp Luật TPHCM