Bộ GD-ĐT:

Sẽ phạt đến 100 triệu đồng nếu lập cơ sở giáo dục trái phép

(Dân trí) - Các đơn vị thành lập cơ sở giáo dục trái phép, tùy theo cấp học, có thể bị phạt từ 10 triệu tới 100 triệu đồng.

Đó là một trong những nội dung Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49 /2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra để lấy ý kiến đóng góp. 

Cụ thể, phạt tiền đối với hành vi thành lập cơ sở giáo dục trái phép theo các mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi thành lập cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, mức phạt sẽ tăng dần theo cấp học và đến 100 triệu đồng đối với cơ sở giáo dục đại học, sau đại học.

Phạt tiền đối với hành vi mở lớp để giảng dạy theo các chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc hành vi cho phép sai thẩm quyền theo mức phạt từ 500.000 đồng đối với lớp mầm non đến 10 triệu đồng đối với lớp đại học, sau đại học.

Dự thảo này cũng quy định sẽ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với vi phạm tuyển vượt từ 5% đến dưới 10% chỉ tiêu số lượng tuyển sinh được giao; phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm tuyển vượt quá từ 10% đến dưới 15% (hoặc từ 100 người học trở lên) so với chỉ tiêu số lượng tuyển sinh được giao hoặc tuyển dưới 10 người học không đúng đối tượng, tiêu chuẩn; phạt từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với vi phạm tuyển vượt quá từ 15% đến dưới 20% chỉ tiêu số lượng tuyển sinh được giao hoặc tuyển từ 10 đến 20 người học không đúng đối tượng, tiêu chuẩn; Phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với vi phạm tuyển vượt quá từ 20% trở lên chỉ tiêu số lượng tuyển sinh được giao hoặc tuyển từ 21 người học trở lên không đúng đối tượng, tiêu chuẩn.

Đào tạo trung cấp chuyên nghiệp vượt quá chỉ tiêu số lượng, sai đối tượng hoặc tiêu chuẩn theo quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 15 triệu đồng tùy mức độ vi phạm. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp... 
 
Dự thảo cũng nêu rõ phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi thông báo tuyển sinh (bằng mọi hình thức) khi chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép; Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi thu nhận hồ sơ, tổ chức thi hoặc xét tuyển, triệu tập thí sinh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền giao.

Bên cạnh đó, hành vi sử dụng nhà giáo không đạt chuẩn cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, cao nhất là 15 triệu đồng - nếu sử dụng giảng viên ĐH, sau ĐH không đạt chuẩn. Mức phạt này ở cấp học mầm non là 1 triệu đồng; ở cấp phổ thông là 2 triệu đồng…

Đặc biệt, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi để xảy ra tai nạn đối với người học, người dạy như xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo; ngược đãi, hành hạ người học.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi ra quyết định trái quy định để mua, tiếp nhận quà tặng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục và thiết bị giáo dục không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến việc giảng dạy, học tập...

Lý do sửa đổi một số điều của Nghị định, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, qua thực tế triển khai đến nay Nghị định 49 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như khung tiền phạt quy định ở nhiều điều, khoản tại Nghị định 49 đến nay quá thấp, không đủ sức răn đe. Một số hành vi vi phạm thực tế đã xảy ra nhưng chưa có trong quy định để xử phạt như: việc bố trí số lượng người học trong một lớp quá lớn làm ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, các điều kiện về an toàn đối với người học… Một số quy định mới được ban hành để quản lý hoạt động quản lý giáo dục và hoạt động giáo dục, theo đó các hành vi vi phạm mới phát sinh cần phải đưa vào quy định để xử phạt. Ví dụ: vi phạm các quy định về liên kết đào tạo….

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, từ năm 2005 đến năm 2009, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã tiến hành xử phạt 61 cá nhân và đơn vị với tổng số tiền phạt là: 2.137.500.000đ, mức thấp nhất là 1.000.000đ và mức cao nhất là: 90.000.000đ. Các hành vi vi phạm tập trung vào: tuyển sinh vượt chỉ tiêu, tuyển để đào tạo các ngành chưa được phép, tuyển không đúng đối tượng, cấp chứng chỉ trái phép, vi phạm tuyển sinh và đào tạo có yếu tố nước ngoài, xử dụng bằng bất hợp pháp.

Đối với các Sở GD-ĐT, đã có trên 40 Sở GD-ĐT gửi báo cáo sơ kết, trong đó có 8 đơn vị đã thực hiện xử phạt với tổng số tiên phạt là: 421.100.000đ. Các hành vi vi phạm tập trung vào: tỷ lệ giáo viên cơ hữu, thành lập và tổ chức hoạt động giáo dục, sử dụng nhà giáo, tuyển sinh, dậy thêm, cấp chứng chỉ, dậy không đủ số tiết, thi hộ, thi thay, kỷ luật học sinh.

 

Hồng Hạnh