Sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức trong ngành giáo dục: Nặng lòng!

(Dân trí) - Nặng lòng, đầy tâm tư là tâm trạng của rất nhiều nhà giáo trước thông tin Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên. Nhất là điều kiện làm việc hiện nay của giáo viên, không thể phủ nhận "biên chế" là động lực bám nghề của nhiều nhà giáo.

Nhiều nhà giáo buông tiếng thở dài khi nghe ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trong đợt tiếp xúc với cử tri ở Bình Định gần đây về việc sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong nghề giáo.

Điều này có thể nói sẽ “nới” một khoảng trống cần thiết để nhân tài có đất dụng võ ngay trong môi trường sư phạm mà lâu nay ít người đề cập. Vậy nhưng, trong điều kiện hiện nay việc thí điểm tuyển giáo viên theo chế độ hợp đồng lại như một vết thương lòng đối với nhà giáo.

Biên chế là động lực để bám nghề của rất nhiều nhà giáo
Biên chế là động lực để bám nghề của rất nhiều nhà giáo

Giáo dục đang có rất nhiều thứ... thí điểm. Về chương trình, nội dung, sách giáo khoa rồi nhiều đề án, chủ trương, thông tư cải cách liên quan đến dạy học, thi cử liên tục được đưa vào nhà trường thí điểm mà đối tượng tác động trực tiếp là thầy và trò.

Giữa đủ những biến chuyển, cải cách, thí điểm... đồng lương của nhà giáo vẫn vững bền "dậm chân một chỗ", họ chỉ biết chờ tăng lương theo mốc thâm niên. Rồi phải kể, môi trường, điều kiện làm việc của nhà giáo còn rất bức bí với đủ thứ ràng buộc từ ngành dọc, ngành ngang. Nghề giáo cần sự tự chủ, tự do, sáng tạo nhiều nhất thì họ lại đang dạy học trong tư thế “trên đe dưới búa”.

Trong hoàn cảnh đó, việc thí điểm bỏ viên chức, công chức đối với giáo viên... làm cho giáo viên càng thêm lo lắng. Cô Nguyễn Ngọc Anh, giáo viên ở TPHCM tâm sự, giáo viên đồng lương còn thấp, môi trường làm việc còn ngột ngạt, điều họ mong mỏi nhất của họ là được yên ổn làm việc. Biết rằng sàng lọc, lựa chọn người giỏi là cần thiết trong giáo dục nhưng việc này sẽ làm số đông giáo viên bất an, thấp thỏm.

"Tôi chưa nói đến những tiêu cực có thể phát sinh trong việc tuyển dụng giáo viên theo chế độ hợp đồng. Trong điều kiện hiện nay, đổi mới giáo dục trong điều kiện rất khó khăn, chúng ta cần những chính sách có lợi cho người thầy để họ dốc sức, để họ thấy được vai trò quan trọng của mình. Còn người thầy lên lớp còn thêm hoang mang, lo lắng cắt hợp đồng lúc nào thì khó toàn tâm toàn ý lắm", cô Ngọc Anh nói.

Một giáo viên trẻ dạy tiểu học ở Q.3, TPHCM bộc bạch, giáo viên đang theo dạy hợp đồng, không được biên chế sẽ có tâm thế sẵn sàng tìm việc khác khi có cơ hội. Nhiều người đi dạy tạm thời khi chưa biết làm gì, chờ có việc là... "nhảy". Như vậy, làm sao để họ dốc sức cho nghề, cho trò?

Theo ý kiến của TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội chính sách bỏ công chức viên chức trong trường học để hi vọng cải tổ chất lượng giáo dục trong nhà trường là không cần thiết. Nhất là điều khiến giáo dục không đảm bảo chất lượng và hiệu quả không nằm trong việc viên chức hay công chức mà ở chính môi trường làm việc của giáo viên thì bà còn lo ngại quyết định này có thể dẫn đến hiệu ứng ngược.

TS Hương cho hay, người thầy đang phải làm việc dưới đủ tầng quản lý, về khía cạnh chuyên môn, nhân sự. Họ chỉ làm khác so với "khuôn mẫu" chút xíu có thể bị đánh giá là sai. Chưa kể, áp lực từ phụ huynh, dư luận, báo chí... đối với nghề giáo rất lớn. Từng động thái, hành vi của nhà giáo dễ dàng bị mổ xẻ bởi những người không có chuyên môn.

Ngoài ra, môi trường làm việc hết sức bó hẹp trong lớp, trong trường cùng hàng loạt các yêu cầu về thi cử, hội hè, giấy tờ... làm người thầy mất đi nhiệt tình với việc dạy trẻ. Đi đến nhiều nước, bà Hương thấy khác biệt rõ nhất giữa giáo viên "nhà người ta" và giáo viên "nhà mình" chính là môi trường làm việc.

Ở Việt Nam, TS Vũ Thu Hương thẳng thắn cho rằng: “Thứ níu chân giáo viên công lập hiện giờ có lẽ chỉ có là biên chế”

Đội ngũ giáo viên cần phải có những "cú hích" để thay đổi là cần thiết. Tuy nhiên, môi trường giáo dục chưa phải là nơi hấp dẫn để người ta chỉ cần làm việc ở diện hợp đồng, nhất là khi hai từ "biên chế" còn rất quan trọng đối với người Việt.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)