Sẽ xóa bỏ các khối thi đại học

“Bộ GD-ĐT đang triển khai một đề án lớn theo hướng tách hẳn khâu thi và khâu tuyển. Từ năm 2009 sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia gồm nhiều môn để phục vụ cho tuyển sinh đại học và xét tốt nghiệp THPT. Khi đó, có lẽ không còn các khối thi như hiện nay”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long trả lời báo chí, sáng 10/5.

Theo đề án của Bộ GD-ĐT, năm 2009 sẽ cải tiến thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo đó, cách thi có gì khác so với hiện nay?

 

Dự kiến 2009 sẽ tổ chức kỳ thi gồm nhiều môn. Như vậy, nghĩa là sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia chứ không phải nhập hai kỳ thi: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vào thành một. Trên cơ sở đó, chúng ta có lẽ cũng phải nghĩ không còn các khối A, B, C, D như hiện nay. Đây là đề án rất lớn và Bộ GD&ĐT cũng đang triển khai.

 

Kết quả của kỳ thi đó không chỉ phục vụ cho tuyển sinh đại học mà còn sử dụng kết quả thi đó để xét tốt nghiệp THPT. Dựa trên kết quả thi, các ĐH, CĐ hoàn toàn chủ động chọn người học theo ngành nghề, yêu cầu sử dụng và vị thế của nhà trường.

 

Kỳ thi quốc gia sẽ tổ chức tại các sở GD-ĐT (như kỳ thi tốt nghiệp) hay tổ chức tại các ĐH, CĐ (như kỳ thi tuyển sinh)?

 

Việc tổ chức kỳ thi như thế nào sẽ còn phải nghiên cứu tiếp. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước chỉ đạo kỳ thi đó. Có thể Cục sẽ là nơi chuẩn bị ngân hàng đề thi, sau đó tổ chức tại nhiều trung tâm thi hoặc tổ chức tại nhiều sở, hoặc tổ chức tại các trường. Nhưng các trung tâm thi đó phải đảm bảo điều kiện là các trung tâm thi quốc gia.

 

Nhiều ý kiến cho rằng cơ chế quản lý hiện nay đang bó buộc sự phát triển của giáo dục đại học, cần phải dỡ bỏ để tạo bước đột phá trong thời gian tới. Ông nghĩ sao?

 

Bộ GD-ĐT đã bàn về vấn đề này và hiện Bộ trưởng đã giao cho 3 ĐH là Thái Nguyên, Đà Nẵng, Huế có cơ chế hoạt động như ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM. Sắp tới, 9 ĐH trọng điểm cũng sẽ có cơ chế hoạt động như vậy, các trường này tự chủ về chỉ tiêu đào tạo, tài chính...

 

Ở đây tôi lưu ý một điều là trong quá trình thực hiện có những văn bản nhà nước chưa có thay đổi, còn những hạn chế. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với các bộ liên quan, phối hợp để tạo tính tự chủ của các trường ở mức cao nhất, ví dụ như vấn đề tài chính.

 

Các trường đề nghị được giao quyền tự chủ từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có bước chuyển rõ rệt. Ông nghĩ gì trước ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT đang níu kéo, chưa muốn phân cấp quản lý?

 

Chúng ta phải xây dựng một hệ thống văn bản pháp quy đủ mạnh, làm thế nào để ngoài vấn đề tự chủ, các trường cũng phải tự chịu trách nhiệm, đảm bảo chất lượng đào tạo. Gần đây tôi cho rằng công việc này đang được triển khai khá nhanh.

 

Đến bao giờ các trường có thể tự chủ về chỉ tiêu tuyển sinh, không phải chờ xin chỉ tiêu đào tạo của nhà nước?

 

Đây là câu hỏi hay. Việc giao và nhận chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường. Thời gian tới sẽ giao chỉ tiêu trên cơ sở các trường có thể đảm nhận và đảm bảo chất lượng đào tạo. Bộ GD-ĐT đang gấp rút xây dựng đề án và dự kiến năm 2008 sẽ thực hiện.

 

Trở lại vấn đề của mùa thi năm nay, nhiều thí sinh học chương trình phân ban rất lo ngại về đề thi. Mối lo này có sẽ được Bộ GD-ĐT giải tỏa thế nào?

 

Chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là đề phải bám sát chương trình, cho nên phụ huynh, thí sinh không nên lo lắng. Tôi cũng đã làm việc với các đồng chí phụ trách công tác thi và xin khẳng định là sẽ không có ảnh hưởng đến nội dung các em học chương trình phân ban.

 

Những thí sinh nông thôn lại có một băn khoăn nữa về đề thi trắc nghiệm Ngoại ngữ. Ông sẽ giải thích với các em thế nào?

 

Môn Ngoại ngữ chỉ có ở khối D trong kỳ tuyển sinh ĐH, các em không nhất thiết phải dự thi khối này. Nếu các em chưa yên tâm về khả năng Ngoại ngữ thì có thể chọn dự thi các khối thi khác. Còn với kỳ tốt nghiệp THPT, có chương trình Ngoại ngữ 3 năm và chương trình 7 năm. Đề thi sẽ phù hợp với chương trình các em được học.

 

Theo Việt Anh
VnExpress