Singapore và giấc mơ trở thành trung tâm chất xám

Nhìn vào trường Tisch School of the Arts Asia, chi nhánh Singapore của trường nghệ thuật Tisch School thuộc ĐH New York, người ta có thể nhận thấy những nỗ lực của Singapore trong việc phát triển lĩnh vực nghệ thuật và tham vọng về nền giáo dục toàn cầu.

Trong số 33 học viên của lớp làm phim mới tuyển của trường này, chỉ có 2 người Singapore, còn một nửa là người Mỹ. Năm tới, trường này có dự định mở thêm một lớp mỹ thuật. Chương trình và học phí của Tisch ở Singapore cũng tương tự như của trường này ở Mỹ.

Khát vọng khẳng định

Với việc thuyết phục trường Tisch mở chi nhánh nước ngoài đầu tiên của trường tại Singapore, các nhà hoạch định chính sách kinh tế của nước này nhằm vào hai mục tiêu có liên quan chặt chẽ với nhau.

Mục tiêu thứ nhất là đưa Singapore trở thành một “trường học toàn cầu”, nơi các trường đại học đẳng cấp quốc tế đưa tới những vị giáo sư nổi tiếng để đào tạo nhân tài mà đa phần trong đó các sinh viên châu Á. Chính sách này sau đó sẽ tăng cường sức hấp dẫn của Singapore đối với các công ty đa quốc gia muốn tiếp cận với một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại châu lục.

Mục tiêu thứ hai là xóa bỏ tiếng xấu rằng Singapore là một xã hội ì ạch, phát triển theo kịch bản đã vạch sẵn, nơi sức sáng tạo bị hạn chế bởi những quy định can thiệp quá sâu của Chính phủ. Tóm lại, bằng con đường thúc đẩy sự sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật cũng như nghiên cứu khoa học, Singapore muốn trở thành một trung tâm chất xám toàn cầu.

Singapore đang phấn đấu tới năm 2015, tuyển sinh được 150.000 sinh viên nước ngoài, so với con số khoảng 80.000 ở thời điểm hiện tại. Phần lớn sinh viên nước ngoài tại Singapore là sinh viên đến từ Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Tham vọng này của Singapore cũng phản ánh sự tăng trưởng nhanh chóng của lĩnh vực giáo dục toàn cầu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năm 2005, số lượng sinh viên mới được tuyển sinh trên toàn thế giới là 2,7 triệu sinh viên.

Trong đó, Mỹ là quốc gia có số lượng sinh viên được tuyển mới đông nhất, tiếp theo là Anh và Australia. Đặc biệt, Australia đã thành công trong việc quảng bá các trường đại học của mình là những lựa chọn với chi phi thấp dành cho những sinh viên châu Á muốn có bằng cấp nước ngoài.

Singapore rất muốn đầu tư vào thị trường giáo dục toàn cầu đang phát triển nhanh chóng này. Do đó, mặc dù các trường đại học trong nước của Singapore đã có sức hấp dẫn nhất định đối với nhiều sinh viên châu Á, nước này vẫn muốn hợp tác với các trường đại học danh tiếng của phương Tây với mong muốn có một nền giáo dục đẳng cấp quốc tế.

Từ năm 1998 đến nay, đã có khoảng 16 trường đại học nước ngoài hợp tác các trường đại học của Singapore, chủ yếu là dưới dạng các chương trình hợp tác nghiên cứu sinh như chương trình của Đại học Kỹ thuật Nanyang hợp tác với Đại học Cornell của Mỹ. Trường kinh doanh nổi tiếng INSEAD của Pháp cũng đã có một chi nhánh ở Singapore.

Mặt khác, Singapore cũng tìm cách kêu gọi một số trường đại học nước ngoài - không riêng gì những trường kinh doanh - đặt chân tới “trường học toàn cầu” này. Tuy nhiên, việc thuyết phục Đại học Harvard mở chi nhánh ở Singapore - đồng nghĩa với việc làm lu mờ thương hiệu cao cấp của đại học này - nghe giống như một giấc mơ viển vông.

Tuy vậy, chắc chắn vẫn có những trường đại học nước ngoài khác ít nổi tiếng hơn Harvard có thể bị thuyết phục bởi lời mời chào của Singapore vì những ưu đãi mà Chính phủ nước này dành cho, hoặc vì một chiến lược nào đó của trường.

Singapore chưa bao giờ giữ bí mật về nguồn tài chính dồi dào cũng như thái độ sẵn sàng trong việc sử dụng nguồn tài chính này để thúc đẩy những ngành công nghiệp mà các nhà lãnh đạo nước này tin rằng Singapore có thế mạnh hơn so với các đối thủ khác, như ngành công nghệ sinh học và dịch vụ môi trường.

Và những trở ngại lớn

Đầu năm nay, Đại học New South Wales của Australia đã mở một chi nhánh tạm thời ở Singapore để tuyển sinh 148 sinh viên mới. Đồng thời, ở một khu vực gần sân bay quốc tế Changi, trường đại học của trường này cũng khởi công xây dựng ngôi trường trị giá 91 triệu USD được thiết kế dành cho 15.000 sinh viên. Khu nhà này dự kiến trở thành trường đại học 100% nước ngoài đầu tiên ở Singapore.

Mặc dù vậy, đến tháng 5 vừa qua, trường đại học này đột ngột hủy kế hoạch xây dựng và tuyên bố đóng cửa chi nhánh tạm thời sau khi đã chi ra 14,4 triệu USD. Phó hiệu trưởng của trường là Fred Hilmer gọi dự án này là một “gánh nặng tài chính không thể duy trì” và đề nghị đưa sinh viên của trường về Sydney.

Ông cho biết, việc tuyển sinh rất đáng thất vọng và giải thích tại sao chỉ có ít sinh viên đăng ký đến vậy. “Khi một sinh viên muốn lấy bằng đại học của Australia, điều mà sinh đó thực sự muốn là việc được sống ở Sydney… và mua những tấm ván lướt sóng”, ông nói.

Khi UNSW cam kết xây dựng chi nhánh tại Singapore vào năm 2005, Đại học Warwick của Anh cũng lên kế hoạch mở một chi nhánh lớn ở Singapore. Nhưng sau đó, kế hoạch này đã bị hủy do sinh viên và các giáo sư của trường phản đối vì lo ngại sự tự do trong môi trường giáo dục vốn được coi là đương nhiên trong các trường đại học tại Anh sẽ không phù hợp với bối cảnh ở Singapore.

Điều này khiến Singapore khó có thể trở thành một trung tâm trí thức vận hành tự do giống như New York hay Oxford - những nơi mà nơi tự do giáo dục được đề cao.

Một vấn đề nữa là liệu mô hình của Singapore - đưa các trường đại học nước ngoài vào để đào tạo sinh viên nước ngoài là chủ yếu - có đạt mang lại hiệu quả kinh tế hay không?

Việc thuê giảng viên nước ngoài là không hề rẻ chút nào, trong khi giá sinh hoạt tăng cao ở Singapore cũng đang là một áp lực đội ngũ giảng viên. Hiện tại, giáo viên nước ngoài đã chiếm vị trí chủ chốt trong giảng dạy tại các trường đại học trong nước của Singapore. Mặt khác, việc thuê những giảng viên hạng sao mà Singapore cần chứng tỏ mình là một điểm đến toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục có lẽ còn tốn gấp 2 lần so với thuê những giảng viên bình thường.

“Một đầu vào chính trong quá trình giáo dục là người dạy. Trong giáo dục bậc cao, có thể thuê giáo sư nước ngoài, nhưng phải trả cao hơn để thuyết phục được những giáo sư đẳng cấp quốc tế như ở Stanford hay Harvard để chuyển tới Singapore”, Linda Lim, một giáo sư người Singapore tại trường kinh doanh của ĐH Michigan nói.

Người dân Singapore cũng có thể đặt câu hỏi, liệu sự ủng hộ hào phóng - từ tiền thuế mà họ phải đóng - dành cho các trường đại học nước ngoài và cấp học bổng cho các sinh viên nước ngoài có đem lại lợi ích cho đất nước này?

Các quan chức Singapore thì cho rằng, lợi ích kinh tế sẽ xuất phát từ danh tiếng toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục, cũng như việc nhân tài nước ngoài quyết định ở lại làm việc hoặc nghiên cứu tại đây. Chính phủ Singapore cũng áp dụng chính sách khuyến khích nhân lực chất lượng cao nước ngoài cư trú vĩnh viễn ở nước này.

Bà Lim cho biết, học bổng đại học chưa chắc đã thu hút cho Singapore một lực lượng lao động được đào tạo cao như nước này mong muốn vì nhiều người muốn sử dụng Singapore để làm bàn đạp tiến sang Mỹ.

Mặt khác, ưu đãi dành cho sinh viên nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc có ít vị trí trong các trường đại học cho các sinh viên trong nước hơn.

Mặc dù Singapore đã đổ nhiều tiền vào lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa và thúc đẩy các sự kiện đa văn hóa, sở thích chủ yếu của người ở đây vẫn là đi mua sắm. Có lẽ, Singapore cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

 

Theo Kiều Oanh

Thời báo Kinh tế Việt Nam