“Sính” bằng cấp đang thành đại dịch

Sở Y tế Thanh Hóa phát hiện 20 bác sĩ, y sĩ, dược sĩ… sử dụng bằng giả. Còn tại Trường ĐH Y Dược Hải Phòng đúng ngày thi tốt nghiệp có 22 sinh viên bị đình chỉ với lý do cần phải làm rõ văn bằng, chứng chỉ của họ. GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) phân tích về nạn bằng giả dưới góc nhìn chuyên môn.

GS Phạm Tất Dong: “Học thật làm việc còn khó…”

PV: Thưa giáo sư, ông nghĩ sao về hiện tượng này?

GS Phạm Tất Dong: Theo quy định khi tuyển dụng viên chức, cơ quan tuyển dụng phải dựa trên văn bằng, chứng chỉ để xác định chuyên môn nhằm sắp xếp “đúng người đúng việc”. Nếu như văn bằng, chứng chỉ ấy là thật, nghĩa là người có nó học thật, được đào tạo đúng chuyên môn như vậy thì không có gì phải bàn. Thế nhưng nếu là giả, ngay cả trong trường hợp bằng thật, nhưng học giả cũng coi là giả thì coi như người sử dụng là gian dối, đúng hơn nữa là lừa đảo cơ quan tuyển dụng.

GS Phạm Tất Dong
GS Phạm Tất Dong.

PV: Và đương nhiên những người ấy không làm được việc nếu như không muốn nói là “vô tích sự” trong trường hợp họ được tuyển dụng phải không thưa ông?

GS Phạm Tất Dong: Trong ngành sư phạm, bao nhiêu sinh viên ra trường, nhưng có phải sinh viên nào cũng có thể đứng trên bục giảng giảng dạy cho học sinh một cách hiệu quả được đâu. Hay bác sĩ cũng vậy, sau 5 năm ngồi trên ghế giảng đường đại học, ra trường không phải 100% sinh viên đều có thể chữa trị cho các bệnh nhân. Bởi học và làm là hai việc hoàn toàn khác nhau, cần hội tụ nhiều yếu tố nữa như kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức ngoài chương trình… thì mới làm được.

PV: Nhưng có ý kiến cho rằng, cũng có thể học từ thực tế ngoài đời để thực hiện công việc được giao, ông có đồng tình không?

GS Phạm Tất Dong: Phải tùy từng ngành nghề và tùy từng trình độ thì mới có thể làm được theo kiểu “trăm hay không bằng tay quen”. Chứ không phải nghề nào cũng có thể học như vậy mà làm được đặc biệt là đối với những ngành liên quan trực tiếp đến con người như y tế, giáo dục.

Đối với những ngành nghề ấy, bắt buộc phải đào tạo bài bản trước khi học hỏi thực tế hay trang bị kỹ năng trên cơ sở đã có kiến thức cơ bản. Còn “đốt cháy giai đoạn” là không làm được việc. Như đã nói ở trên, đến học bài bản ra mà còn không làm được việc huống hồ không học chút nào. Cho nên phải học theo đúng “quy trình” từ kiến thức cơ bản đến kiến thức thực tế và đó là cách học tốt nhất cho những người muốn làm việc hiệu quả.

Còn người chỉ sử dụng bằng giả thì không thể học được như vậy do không có “gốc”.

PV: Như vậy thì thực sự nguy hại không chỉ cho cơ quan, cơ sở nơi họ làm việc mà còn cho cả xã hội?

GS Phạm Tất Dong: Đúng vậy. Và bài học nhãn tiền vẫn còn đấy, chắc hiếm ai quên trường hợp cô nuôi dạy trẻ ở Trường Mầm non tư thục Phương Anh, ở TP Hồ Chí Minh đã dìm đầu trẻ vào phuy nước khi trẻ không ăn, đánh đập dã man như tra tấn khi trẻ không nghe lời; Hay việc nhục mạ học sinh của một số giáo viên hiện nay mà báo chí đã lên án…

Nguyên nhân của những vụ việc ấy tôi cho rằng họ đã học giả và thậm chí cả bằng giả cũng nên. Điều đó sẽ dẫn đến hậu quả ngoài việc làm tổn thương thể xác còn làm hỏng cả một thế hệ về tâm hồn, về cách ứng xử giữa người với người, về sự nhân văn, bao dung vẫn được coi là truyền thống đạo lý của dân tộc ta. Còn nếu ở ngành y thì hệ lụy thấy ngay: Chết người!

Đối với hệ thống công quyền, nếu “lọt” người sử dụng bằng giả vào thì rõ ràng toàn bộ hệ thống yếu đi do chất lượng công việc không hiệu quả. Tóm lại, sử dụng bằng giả dẫn đến hệ lụy rất lớn cho xã hội.

PV: Vậy theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng dùng bằng giả?

GS Phạm Tất Dong: Nguyên nhân trực tiếp theo tôi là “tiền”! Vì bằng cấp quyết định mức lương, thu nhập, vị trí công tác nên nhiều người, dù không có năng lực vẫn bằng mọi giá phải có bằng cấp để đạt được mục tiêu này. Và xin lưu ý trong đó có cả người làm lãnh đạo, quản lý tại công sở, doanh nghiệp… Do đó dẫn đến tình trạng sử dụng bằng giả. Nhưng theo tôi, nguyên nhân lớn nhất và mang tính quyết định đối với tình trạng sử dụng bằng giả là ý thức của con người. Nhiều người đang có xu hướng gian dối và chấp nhận sự gian dối ở trong tất cả mọi việc. Vì vậy cũng đã làm cho tình trạng dùng bằng giả gia tăng.

Danh sách cán bộ Thanh Hóa dùng bằng giả
Danh sách cán bộ Thanh Hóa dùng bằng giả.

PV: Có người cho rằng, “sính” bằng cấp cũng là nguyên nhân của tình trạng này, ông có ý kiến như thế nào?

GS Phạm Tất Dong: Bằng cấp chắc chắn phải được coi trọng. Vì nó thể hiện trình độ, năng lực của người được cấp. Nhưng với điều kiện đó phải là bằng thật. Còn tình trạng bằng giả hiện nay cũng xuất phát từ việc chú trọng nhưng lại chỉ chú trọng về hình thức, nghĩa là chỉ quan tâm đến tấm bằng ấy màu gì, nội dung ra sao. Còn chất lượng của cái bằng ấy là thực lực, quá trình học tập… của người được cấp như thế nào lại không được quan tâm.

PV: Để giải quyết triệt để vấn đề này, ông có giải pháp nào dưới góc độ chuyên môn của mình?

GS Phạm Tất Dong: Thứ nhất là, đối với vấn đề này cần có sự chung tay giải quyết của các bộ, ngành và toàn xã hội. Nhưng riêng đối với ngành giáo dục - đào tạo cần trọng trách hơn trước hết vì đây là “cái nôi” của các loại bằng cấp và quản lý bằng cấp. Tiếp đến là nơi giáo dục ý thức của con người. Mà ý thức quyết định hành vi. Cho nên để giải quyết tình trạng sử dụng bằng giả thì ngành giáo dục phải đẩy mạnh hơn nữa giáo dục ý thức, đạo đức cho học sinh để căn bản, các em không gian dối và chấp nhận sự gian dối dù dưới hình thức nào.

Thứ hai là quan tâm đến chất lượng đào tạo để bảo đảm giá trị thực sự của bằng cấp nhằm đánh giá đúng năng lực của người được cấp và thứ ba về phía xã hội cần một sự minh bạch, công bằng trong tuyển dụng, đề bạt… và thắt chặt quản lý cán bộ, hồ sơ… để loại trừ hành vi sử dụng bằng giả khỏi xã hội…

Thượng tôn pháp luật

PV: Thưa tiến sĩ, vấn nạn bằng giả bắt đầu từ nguyên nhân nào?

TS Trịnh Hòa Bình: Đúng! Sử dụng bằng giả hiện nay đang là “vấn nạn” của xã hội và vấn nạn này bắt đầu từ nguyên nhân “sính” bằng cấp. “Sính bằng cấp” lại xuất phát từ chủ nghĩa hình thức, một “căn bệnh” không hề nhẹ trong xã hội hiện tại nên dù trong công việc gì, lĩnh vực nào như thăng thưởng, bổ nhiệm, lương bổng… đều dựa trên bằng cấp, “thượng tôn bằng cấp”.

TS Trịnh Hòa Bình
TS Trịnh Hòa Bình.

PV: Theo ông, “thượng tôn bằng cấp” đã thể hiện như thế nào?

TS Trịnh Hòa Bình: Nhiều người có bằng cấp được tôn vinh thái quá trong khi chất lượng của bằng cấp ấy không được xác nhận. Thế là nhìn những cảnh ấy, người ta đổ xô đi tìm bằng cấp, có được bằng cấp với bất cứ giá nào. Nghe vậy thì có vẻ thấy “bác” chuyện coi trọng bằng cấp nhưng thực tế đây là tình trạng coi trọng bằng cấp thiếu kiểm soát dẫn đến tình trạng sử dụng bằng giả tràn lan.

Bạn đã bao giờ chứng kiến cảnh người không biết nửa chữ bẻ đôi ngoại ngữ lại được đi học ở nước ngoài chưa? Bạn đã bao giờ thấy cảnh thuê người đi học hay mua - bán luận văn, tiểu luận… như ở chợ chưa v.v… Đấy, cũng là chuyện làm bằng giả đấy nhưng chỉ khác với bằng được in giả là được hợp thức hóa.

PV: Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý ra sao?

TS Trịnh Hòa Bình: Đã có cơ quan quản lý hợp thức hóa bằng giả thì bảo sao xã hội không đua nhau làm điều này để được “tôn vinh”, để được đề bạt... Để triệt tiêu vấn đề này từ cơ quan đầu tiên là ngành giáo dục đào tạo cần phải thắt chặt quản lý công tác đào tạo, chất lượng đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ…

Bên cạnh đó, xã hội phải nói “không” với bằng giả đồng thời đối với những cơ quan tuyển dụng nên có bộ phận độc lập để đánh giá năng lực thực tế nhằm tuyển đúng người đúng việc. Nhưng trên hết tất cả những điều ấy, phải “thượng tôn pháp luật” từ ý thức đến hành vi ở tất cả mọi đối tượng trong xã hội.

Theo Tú Anh
PetroTimes