Sinh viên “đòi” được xếp hạng ĐH

(Dân trí) - “Trên danh nghĩa, chưa bao giờ Việt Nam xếp hạng ĐH nhưng thực tế thì việc này đã có cách đây hàng chục năm. Chẳng phải, các cụ từng nói: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa” hay “chuột chạy cùng rào mới vào Sư phạm” còn gì”.

Nguyễn Tuấn, sinh viên năm thứ 4 trường ĐH Thương mại nêu vấn đề.

Cũng theo Tuấn và các bạn sinh viên cùng lớp của cậu thì “việc xếp hạng truyền miệng kiểu từ đời này sang đời khác như vậy là rất “bất công” vì nó đã tạo đẳng cấp rất phi lý tồn tại vô hình giữa các trường. Vì thế, chúng em rất muốn “đòi” được xếp hạng thực sự các trường ĐH để xoá đi khoảng cách phi lý này”.

Tuấn kể một câu chuyện để chứng tỏ điều này. Anh trai của cậu, tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin của trường ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2006, khi đi xin việc, lọt được vào đến vòng trong cùng chỉ còn một đối thủ. Cuối cùng, anh trai Tuấn đã bị loại chỉ vì ông chủ thuộc lớp “người cũ” và chỉ cần nhìn hồ sơ đã chọn ngay ứng viên tốt nghiệp ĐH Bách khoa. Trước khi “chia tay” anh trai Tuấn, ông chủ cũng nói: “Rất tiếc cho cậu. Các vòng thi cậu không thua gì nhưng xưa nay với tôi, Bách khoa là nhất về công nghệ!”

Từ trước đến nay, chưa bao giờ tồn tại các cuộc khảo sát về chất lượng sinh viên của các trường ĐH để xem sinh viên trường nào giỏi hơn. Thế nhưng, trong tâm lý của người tuyển dụng và ngay tâm lý của người học cũng luôn tồn tại sự so sánh đầy cảm tính.

Chị Nga, Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội cho biết, khi tuyển một nhân viên cho vị trí kế toán, nếu lựa chọn ứng viên là sinh viên tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân hay ĐH Thương mại thì nhất định chị sẽ chọn ứng viên đến từ ĐH Kinh tế Quốc dân, chỉ vì ĐH Kinh tế Quốc dân nghe có vẻ lâu đời và bài bản hơn!

Việt Nam đang “xếp hạng” ĐH theo điểm chuẩn đầu vào

Ngoài cách xếp hạng kiểu truyển khẩu mang nặng “màu sắc” cảm tính kiểu như trên thì cách xếp hạng ĐH phổ biển đang tồn tại hiện nay ở Việt Nam là xếp hạng theo điểm chuẩn đầu vào mỗi kỳ thi tuyển sinh ĐH.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-Đ T Bành Tiến Long thì các trường ĐH thường được chia thành 3 top điểm chuẩn đầu vào: Top đầu rất cao với ngưỡng điểm chuẩn ít nhất từ 8 điểm/môn trở lên mới trúng tuyển, thường là khối các trường khối A có Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng…; khối B có các trường ĐHY Hà Nội, Dược… Đây cũng được xem là những trường “xịn” nhất, đẳng cấp nhất hiện nay. Kế đó là các trường có mức điểm trung bình, top cuối cùng là những trường có mức điểm chuẩn chỉ ngang sàn.

Việc đánh giá chất lượng sinh viên hiện nay hầu như cũng căn cứ trên mức điểm chuẩn này với quan niệm: đầu vào có tốt được thì chất lượng học mới tương đương được!

Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng, học ở phổ thông và việc học ở bậc ĐH là hai phương pháp học hoàn toàn khác nhau. Không phải cứ học giỏi ở bậc phổ thông, thi dễ dàng vào một trường ĐH có mức điểm chuẩn cao chót vót là thí sinh đó cũng sẽ một học lực xuất sắc ở bậc ĐH và ngược lại.

Vì vậy, nếu việc “kỳ thị” về chất lượng sinh viên tiếp tục căn cứ vào điểm chuẩn đầu vào như hiện nay sẽ “cướp” rất nhiều cơ hội trong tương lai của họ. Xếp hạng ĐH là một xu hướng tất yếu để trả lại sự công bằng cho sinh viên.

Xếp hạng ĐH - Không quá đáng sợ!

Nhưng, trong khi sinh viên hào hứng trong việc được xếp hạng bao nhiêu thì phần lớn các hiệu trưởng ĐH hiện nay lo lắng bấy nhiêu. Các bản báo cáo tự đánh giá của các trường - căn cứ đầu tiên để Việt Nam tiến hành xếp hạng trong thời gian tới, mặc dù, Bộ GD-ĐT hết sức hô hào nhưng trong suốt 3 năm qua cũng chỉ có 20 trường trong tổng số 173 trường ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá.

Đã thế, những bản báo cáo tự đánh giá này, theo nhận xét của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) thì chưa có độ tin cậy cao. Vì thế, mục tiêu là đến tháng 5/2009, có 90% trường ĐH, CĐ trong cả nước hoàn thành báo cáo tự đánh giá để tiến hành xếp hạng là mục tiêu quá khó để hoàn thành.

Theo sự e ngại của lãnh đạo một trường ĐH vùng thì việc xếp hạng ĐH nếu được thực hiện ở Việt Nam sẽ khiến chỉ tiêu tuyển sinh của họ sẽ tụt xuống. “Thà rằng cứ để mù mờ như hiện nay thì các trường ĐH top dưới mới có đà phát triển được chứ. Nếu phân loại, chúng tôi vốn đã khó tuyển sinh sẽ lại càng khó hơn” - vị này cho hay.

Việc xếp hạng ĐH có thực sự quá đáng ngại cho tương lai của nhiều trường? Thực tế có lẽ không hẳn là như vậy. Theo điều tra của tạp chí “Bản tin thế giới và tin tức Hoa Kỳ” (U.S. News) tại trường ĐH California vào mùa thu năm 2007 với khoảng 300 nghìn sinh viên thì chỉ có 17,6% sinh viên chọn trường theo học căn cứ vào xếp hạng ĐH.

Tạp chí này cũng đưa ra kết luận: “Hoá ra, việc người ta cho rằng sinh viên chọn một trường nào đó chỉ dựa vào kết quả xếp hạng các trường ĐH chỉ là một câu chuyện hoang đường của giáo dục ĐH. Kết quả trên đã bác bỏ nhận định rằng kết quả xếp hạng trường ĐH là cái thúc đẩy sự lựa chọn trường của sinh viên”.

Mai Minh