Hiệu phó ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị:

Sinh viên “giả” học giỏi hơn sinh viên “thật”

(Dân trí) -Ngày 9/1, góp ý về Dự thảo tuyển sinh mới của Bộ GD-ĐT, ông Đỗ Doãn Hải - Hiệu phó ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị lấy ví dụ sinh động: “Tôi tiếp xúc với sinh viên không đủ điểm sàn vào trường, thấy các em học giỏi hơn những em đủ điều sàn”.

Phát biểu góp ý về Dự thảo tuyển sinh mới, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH tư thục Quản lý và Công nghệ Hữu Nghị Đỗ Doãn Hải cho biết: "Tôi rất tán thành bỏ điểm sàn vì điểm sàn không có ý nghĩa gì".
 
Ông Đỗ Doãn Hải - Hiệu phó ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị: Tôi hoàn toàn nhất trí bỏ điểm sàn.
Ông Đỗ Doãn Hải - Hiệu phó ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị: "Tôi hoàn toàn nhất trí bỏ điểm sàn".
 
Ông Hải đưa ví dụ thực tế ngay tại trường ông, về con số hơn 100 sinh viên của trường không đủ điểm sàn như báo chí nêu. “Con số hơn 100 sinh viên không đủ đầu vào, tức là không đủ điểm sàn của Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị mà báo chí nêu là đúng hết, không sai. Nhưng tôi lại thấy có điều này rất ý nghĩa. Tôi tiếp xúc với sinh viên không đủ điểm sàn vào trường, không biết có phải các em biết thân biết phận hay sao mà học giỏi hơn những em đủ điểm sàn. Các em này thi đạt hết các môn. Trong khi đó, nhiều em đủ điểm sàn lại học kém hơn. Cho nên bỏ điểm sàn là hoàn toàn tôi nhất trí” - ông Hải góp ý.
 
Ông Hải chia sẻ thêm: Tôi có 2 con học ở Mỹ, đều không phải thi tuyển đại học chỉ mang bằng phổ thông trung học của Việt Nam sang là họ cho vào ĐH ngay. Tại sao ở Việt Nam lại khó hơn Mỹ?
 
Ông Đỗ Doãn Hải - Hiệu phó ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị: Tôi hoàn toàn nhất trí bỏ điểm sàn.
Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng: "Đầu vào đại học chỉ là một yếu tố, không phải tất cả".
 
Còn ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải phòng cho rằng: “Chính lãnh đạo Bộ GD-ĐT chia sẻ về việc một số học sinh thi trượt ĐH, bố mẹ gửi ra nước ngoài học. Sau họ học tốt quay về lại làm thầy của nhiều sinh viên.Vậy cho nên, đầu vào chỉ là một yếu tố, không phải tất cả. Quan trọng là quá trình giảng dạy, phương pháp học tập của sinh viên ra sao… Không thể căn cứ vào điểm thi ĐH thí sinh thấp mà cho rằng các em học kém, không đủ năng lực học ĐH. Điểm thi ĐH của các em thấp là do chỉ tiêu ít hơn nhiều so với nhu cầu, người ra đề buộc phải “đánh đố” thí sinh để ít em có thể lọt qua khe cửa trường ĐH”.
 
Ông Nghị cũng khuyên các trường sớm chuẩn hóa, khẳng định và công bố chất lượng đầu ra để thấy rằng học sinh trường ngoài công lập dù đầu vào nhiều nơi chưa cao nhưng học vẫn rất tốt.

Cần làm ngay việc sát nhập 2 kỳ thi vào 1

Cùng chung quan điểm bỏ điểm sàn đại học, ông Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng: “Nếu chúng ta đặt ra yêu cầu về điểm sàn, thực tế không hợp lý. Người ta nghĩ sàn cao thì chất lượng cao, sàn thấp thì chất lượng thấp. Nhưng ta không có đề chuẩn, lần này đề dễ nhưng lần sau đề khó, nên mức sàn không thể so sánh để đánh giá chất lượng cao hay thấp”.
 
Ông Lê Viết Khuyến: Cần xem thi “3 chung” đó là dịch vụ công ích.
Ông Lê Viết Khuyến: "Cần xem thi “3 chung” đó là dịch vụ công ích".

Ông Khuyến cũng cho hay, Bộ GD-ĐT “bắt bí” các trường, đầu tiên thì quy định trường nào tổ chức thi riêng thì không được xét tuyển kết quả “3 chung”, sau đó, thông tin lại là cho xét tuyển “3 chung” nhưng phải trên điểm sàn. Bộ cũng đừng nên quan niệm các trường tự chủ thì Bộ không liên quan đến tổ chức thi.

“Cần xem thi “3 chung” đó là dịch vụ công ích để hỗ trợ các trường phục vụ cho việc tự chủ tuyển sinh. Các trường có quyền sử dụng hoàn toàn, một phần, hoặc hoàn toàn kết quả kỳ thi của Bộ. Bộ cũng không nên ép các trường nếu muốn sử dụng các kết quả của kỳ thi chung thì phải đăng ký với Bộ và phải chấp nhận "luật chơi riêng" của Bộ như đã nêu” - ông Khuyến góp ý.

Còn ông Đỗ Văn Chừng, nguyên Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT, “cha đẻ” của kỳ thi “3 chung” cho biết: “3 chung” là chung đề, chung đợt và sử chung kết quả thi chứ không phải “chung” có nghĩa hẹp là chung điểm sàn.

Ông Chừng cho hay, khi chúng tôi làm đề án “3 chung” có 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là làm “3 chung” như vừa rồi. Giai đoạn thứ hai là tiến tới kỳ thi quốc gia duy nhất. Theo đó, phải làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả đó để xét tuyển vào đại học.
 
Ông Đỗ Văn Chừng: Cần làm nhanh việc sát nhập 1 kỳ thi.
Ông Đỗ Văn Chừng: "Cần làm nhanh việc sát nhập 1 kỳ thi".

“Chúng tôi làm Đề án “3 chung” xuất phát từ lợi ích của dân vì nhiều năm thấy dân đi thi đại học khổ quá, tốn kém quá nhiều. Mọi người thử hình dung hơn 1,5 triệu người đi thi, mỗi người chi 1 triệu thì mất khoảng 1.500 tỷ, rất tốn kém. Do đó, Bộ xử lý càng nhanh càng tốt nên chuyển sang 1 kỳ thi duy nhất để đỡ tốn kém. Do vậy, cần làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đó là một biện pháp cơ bản giảm luyện thi, dạy thêm tràn lan” - ông Chừng kiến nghị.

Về chủ trương giảm kỳ thi phổ thông hiện nay của Bộ GD-ĐT để đỡ tốn kém, theo ông Chừng, không phải tốn kém ở kỳ thi này mà là tốn kém ở kỳ thi đại học vì thi phổ thông là thi tại chỗ, học sinh không phải đi đâu xa. Do vậy, cần làm tốt kỳ thi THPT để lấy điều kiện vào đại học.

Kết thúc cuộc họp, Hiệp hội ngoài công lập đã kiến nghị Bộ GD-ĐT thực hiện “5 bỏ”. Cụ thể, bỏ điểm sàn, bỏ thi theo khối, bỏ quy định các trường không được phép sử dụng kết quả thi của trường khác làm căn cứ xét tuyển, bỏ việc bắt các trường phải nộp đề án tuyển sinh, từ năm 2015 bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Hồng Hạnh