Sinh viên, giảng viên nước ngoài háo hức đón Tết Việt

Tự tay làm món ăn truyền thống, tham gia các trò chơi dân gian, tìm hiểu về nền văn hóa mới mẻ và lạ lẫm cùng gia đình các sinh viên bản địa... khiến lưu học sinh nước ngoài cũng như giảng viên ở các trường Đại học Đà Nẵng cảm thấy ấm áp như đón Tết trên quê hương mình.

Lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam đang háo hức mong chờ Tết Việt.
Lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam đang háo hức mong chờ Tết Việt.

Nhiều sinh viên, tình nguyện viên nước ngoài đang học, công tác trường Đại học sư phạm, Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng… cũng rộn ràng vui tươi trong không khí đón Tết cổ truyền Việt Nam.

Ghé thăm khu ký túc xá sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng vào một chiều cuối năm, trong khi các bạn sinh viên Việt Nam bận rộn gói ghém đồ đạc, hành trang về quê đón Tết cùng gia đình thì các bạn sinh viên nước ngoài như Lào, Hàn Quốc, Trung Quốc… lại rộn ràng trang trí phòng ốc, chuẩn bị những bộ đồ xinh tươi để di dạo phố đón xuân đang tràn về.

Dù không phải lần đầu đón tết tại Việt Nam, nhưng bạn Sounthala Olany, sinh viên Lào đang theo học khoa Sư phạm Toán- Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng phấn khởi kể: "Mình đã nhiều lần ăn Tết tại Việt Nam. Tết cổ truyền Việt Nam khác với Tết Bunpimay của Lào, Tết Bunpimay của mình, mọi người dân té nước để cầu may, bình yên cho cả năm. Tết Việt Nam có nhiều phong tục rất lạ như cúng tất niên, cúng giao thừa, đi chùa, lì xì...

Nhưng với mình, đi chùa khấn phật, cầu may trong ngày tết là phong tục rất riêng của Việt Nam so với các nước Á đông. Mọi người cùng chắp tay cầu nguyện một năm mới sung túc, may mắn, hạnh phúc và những điều an lành. Năm nay mình ở lại TP. Đà Nẵng đón Tết, sẽ đi chùa trong đêm 30 để cầu chúc may mắn cho gia đình, bạn bè của mình. Ngày Tết, lòng mình cảm thấy ấm hơn vì được các bạn học cùng lớp chở đi ngắm chợ hoa, cùng gói bánh chưng và đón giao thừa trong không khí ấm cúng… Đặc biệt là mình còn thường được nhận phong bì lì xì cùng những lời chúc hết sức ý nghĩa cho một năm mới bình an và hạnh phúc” - sinh viên Sounthala Olany chia sẻ.

Khi nhắc đến Tết cổ truyền Việt Nam, Kim Young Han (SV khoa Quốc tế học Trường ĐH Ngoại ngữ) chia sẻ: “Năm trước, tôi đã rất may mắn khi được đón Tết cổ truyền của Việt Nam. Đến giờ tôi vẫn nhớ rõ cảm giác phấn khởi khi hòa chung cùng dòng người tập trung hai bên bờ sông Hàn cùng chờ đón thời khắc giao thừa, xem pháo hoa”.

Bạn Vi Ngôn Vinh, sinh viên khoa Quản Lý khách sạn, Đại học Kinh tế đến từ Trung Quốc tâm sự: "Đây cũng là lần đầu em đón Tết tại Việt Nam, với kỳ nghỉ dài ngày này, em đang có kế hoạch cùng với bạn bè đi du lịch khám phá thêm vẻ đẹp cuộc sống, văn hóa, con người trên mọi miền đất nước Việt. Tết này em sẽ tham gia gói bánh chưng và thưởng thức những món ăn tết cổ truyền của Việt Nam".

Bạn Tô Diễm Phương, đến từ Nam Ninh, Trung Quốc, hiện đang là sinh viên năm cuối khoa Quản lý du lịch, Đại Học Kinh tế cho biết: "Lần đầu tiên mình ở lại đón tết tại Việt Nam, dù rất nhớ người thân, gia đình nhưng được sống trong bầu không khí sum vầy, sẻ chia từ nhà trường, các bạn sinh viên Việt Nam và nhóm sinh viên quốc tế ở lại dịp này, mình cảm thấy ấm áp như đang được đón Tết trên chính quê hương. Tết cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc ngoài sự sự tương đồng, chắc chắn sẽ có những nét mới, do đó mình đang hồi hộp chờ đón cái Tết vừa có nét thân quen vừa có hương vị mới mẻ này.

Việc đón Tết cổ truyền tại Việt Nam giúp mình tích lũy thêm nhiều kiến thức phục vụ cho việc học tập. Chắc chắn đây sẽ là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời'.

 
Tết này, cô giáo Ashley Frutiger hi vọng sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp với sinh viên Việt.
Tết này, cô giáo Ashley Frutiger hi vọng sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp với sinh viên Việt.

Cùng tâm trạng mong đợi như các bạn sinh viên, cô giáo Ashley Frutiger đến từ Mỹ chia sẻ: "Trước khi đến Việt Nam tôi đã nghe người thân, bạn bè kể nhiều về nét đẹp rất riêng của Tết Việt, nó rất đặc biệt so với Tết ở phương tây. Điều đó là động lực để tôi chờ đợi một cái Tết Việt bằng tất cả sự náo nức của mình. Tôi đã đi vòng quanh thành phố trong vài ngày gần Tết và cảm nhận được sự quan trọng, ý nghĩa của Tết cổ truyền đối với đất nước các bạn. Tôi sẽ thưởng thức tất cả các món ăn cổ truyền của dân tộc Việt trong ngày Tết như: củ kiệu, dưa hành, bánh chưng xanh".

Bà Hồ Lộng Ngọc, Phó Trưởng Ban Hợp tác quốc tế - Đại học Đà Nẵng cho hay, tại Đại học Đà Nẵng có khoảng 500 sinh viên các nước đang học tập tại các trường thành viên, nhiều nhất là sinh viên đến từ các nước Lào, Trung Quốc. Tết cổ truyền năm nay, Đại học Đà Nẵng có hơn 50 sinh viên nước ngoài đăng ký ở lại đón Tết cổ truyền Việt Nam.

 
"Để các em có một không khí đón tết thật ý nghĩa, Đại học Đà Nẵng sẽ tổ chức Gala đón mừng năm mới cùng các bạn. Tại đây các bạn sẽ được thưởng thức các tiết mục văn nghệ mang bản sắc của quê hương dân tộc Việt, phát bánh chưng và thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam. Chúng tôi muốn tạo ra một không khí ấm áp, thân thương để các bạn sinh viên đón một cái Tết đậm đà bản sắc Việt", bà Ngọc nói.