Sinh viên kiện lớp trưởng, cô giáo và hiệu trưởng

Một sinh viên lớp bác sĩ liên thông y học cổ truyền đã cùng lúc kiện ba bị đơn ra tòa vì cho rằng những người này đã làm ảnh hưởng đến kết quả học tập, khiến bà bị ngưng một năm học.

TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm một vụ kiện dân sự chưa từng có trong tiền lệ giáo dục của Việt Nam: Sinh viên cùng lúc kiện lớp trưởng, cô giám thị và cả hiệu trưởng ra tòa.

Theo đó, bà HTBT (ngụ quận 9, sinh viên lớp bác sĩ liên thông y học cổ truyền tại một trường ĐH ở TP.HCM) yêu cầu ông NTH (lớp trưởng) và bà PTMH (cô giám thị) bồi thường thiệt hại về danh dự và uy tín cho bà mỗi người 50 triệu đồng. Cạnh đó bà cũng yêu cầu hiệu trưởng trường rút lại quyết định buộc bà ngưng học một năm.

“Ảnh hưởng cả cuộc đời”

Đó là câu nói quen thuộc mà bà T. nhấn mạnh suốt cả phiên tòa. Bà T. trình bày: ông H. đã lợi dụng chức vụ lớp trưởng tiêu cực, trục lợi. Ông H. đã nhận bốn đơn xin phúc khảo các môn học kỳ I năm 2010-2011 cùng số tiền 105.000 đồng của bà, trong đó 80.000 đồng là tiền phúc khảo bốn môn và 25.000 đồng tiền làm thẻ sinh viên. Sau khi nhận đơn và tiền, ông H. cố ý không nộp cho bộ môn hoặc cho khoa Khoa học cơ bản và cũng không thông báo, không trả lại đơn cùng tiền cho bà.

Theo bà, ông H. có xác nhận vào đơn yêu cầu nhà trường xem xét, giải quyết phúc khảo cho bà hai trong bốn môn trên nhưng không được vì đã trễ. Từ đó dẫn đến việc bà bị thiếu mất 0,13 điểm/năm học. Kết quả là bà bị nhà trường buộc ngừng một năm học 2010-2011. “Điều này làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tôi, gây thiệt hại về vật chất ước tính 50 triệu đồng” - bà T. nói. Bà kể các khoản này bao gồm tiền ăn uống 16 triệu đồng, tiền đi lại 8,1 triệu đồng, tiền tài liệu trong chín tháng là 5 triệu đồng và tiền mất thu nhập 20,9 triệu đồng. Ngoài ra, bà cũng yêu cầu ông H. trả lại 105.000 đồng đã nộp xin phúc khảo.
 
Sinh viên kiện lớp trưởng, cô giáo và hiệu trưởng

Tương tự, bà cũng yêu cầu cô MH bồi thường 50 triệu đồng vì đã gây thiệt hại danh dự, uy tín của bà. Bởi theo bà T., cô MH đã không chịu phúc khảo bài thi tin học cho bà làm ảnh hưởng đến kết quả năm học khiến bà bị ngưng học một năm.

Bà T. kể: “Khi thi môn tin học cùng các bạn, tôi đã chấp hành nghiêm túc quy chế thi, không quay cóp. Nhưng khi đang làm bài thì máy vi tính bị đứng, mất thời gian để khắc phục sự cố trên. cô MH đã không trừ thời gian này và cũng không cho tôi qua máy tính khác để làm bài thi tin học. Theo quy định của nhà trường, sinh viên được chuyển sang máy khác 2-3 lần/giờ thi và được in ba bài thi/ba máy của sinh viên để chấm điểm. tôi không quay cóp nhưng bị cô MH nói là đã quay cóp và buộc phải rời khỏi phòng thi trong khi còn rất nhiều thời gian. Sự việc này nhiều bạn thi cùng đều nhìn thấy”.

bà T. nói cô MH còn cố tình không chịu chấm phúc khảo bài thi cho bà, làm ảnh hưởng đến kết quả học tập khiến bà bị ngưng học một năm. Bà cho rằng đây là lỗi của lớp trưởng và giáo viên gác thi tin học.

Chưa từng có tiền lệ

Không đồng ý với bà T., ông H. cho rằng ông không có nhận đơn gì của bà T.

Còn cô MH thì cho biết lúc thi tin học máy tính bình thường, sinh viên T. có xin thêm giờ với lý do máy hư nhưng không được chấp nhận. Bởi máy vi tính không hư, hơn nữa hệ thống hoàn toàn tự động. Cô MH nhấn mạnh: “Việc bà T. nói tôi hứa cho thêm giờ nhưng không cho thêm chỉ là sự tưởng tượng nhằm vu khống tôi”.

Tại tòa, đại diện hiệu trưởng trường tỏ ra rất buồn. Theo ông: “Bao lâu nay nhà trường không có tình trạng sinh viên kiện thầy cô như trên. Với tư cách là người thầy trên bục giảng, chúng tôi rất đau lòng”.

Bác lại, bà T. trình bày kèm cử chỉ diễn tả các động tác như giơ tay xin có ý kiến lúc thi... Tuy nhiên, nhiều câu hỏi của tòa không được bà trả lời vào trọng tâm mà bà luôn trình bày theo ý riêng của bà. Đôi khi bà bày tỏ bức xúc cho rằng hành động của ông H., cô MH đã làm ảnh hưởng cả cuộc đời bà. Trước đây bà luôn học giỏi...

Những người học cùng lớp được tòa triệu tập đến theo yêu cầu của bà T. đều cho rằng họ không làm nhân chứng cho nguyên đơn, họ đến đây chẳng qua vì nhận giấy triệu tập của tòa. Trong khi bà T. cứ khẳng định họ là những người biết rõ sự việc để minh định bà đúng...

Không có căn cứ nên bị bác

Đại diện VKS tham gia phiên tòa đề nghị HĐXX bác các yêu cầu của bà T. vì không có căn cứ. Sau khi nghị án, HĐXX đồng tình với án sơ thẩm bác các yêu cầu của bà T.

Đi vào từng yêu cầu, HĐXX nhận định việc bà T. buộc ông H. trả lại 105.000 đồng tiền phúc khảo bốn môn và bồi thường danh dự 50 triệu đồng là không có căn cứ. Bà T. không chứng minh được ông H. đã nhận tiền và đơn của bà thời gian nào. Cạnh đó bốn môn bà khai tại tòa khác bốn môn bà xin phúc khảo tại trường trước đó. Và cũng không có căn cứ để xác định ông H. đã nhận đơn của bà nhưng không nộp lại trường làm ảnh hưởng kết quả học tập của bà.

Với yêu cầu đòi cô giáo MH bồi thường, HĐXX xét thấy theo quy chế của Bộ GD&ĐT thì cô MH chỉ là giám thị coi thi, cô không có chức năng, nhiệm vụ xem xét chấm phúc khảo bài thi không đạt điểm trung bình của sinh viên hoặc nhận đơn xin phúc khảo. Cho nên việc nguyên đơn cho rằng do cô MH không chịu nhận đơn hoặc chấm phúc khảo môn tin học làm ảnh hưởng kết quả học tập của nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận.

Còn việc buộc hiệu trưởng rút lại quyết định ngưng học một năm, tòa nhận định yêu cầu này cũng không có căn cứ. Bởi lẽ hiệu trưởng đã căn cứ hồ sơ điểm trung bình học tập năm thứ nhất của bà T., đối chiếu với quy chế của trường để ra quyết định buộc bà T. ngưng học một năm là đúng quy định.

Nếu là người khác thì đã... đánh lớp trưởng rồi (!)

Phiên tòa xử vụ này diễn ra khá căng thẳng vì thái độ của nguyên đơn, thậm chí việc tuyên án phải tạm gián đoạn. Bảo vệ phiên tòa có mặt và yêu cầu bà T. không lớn tiếng, cản trở HĐXX làm việc, sau đó lập biên bản vi phạm.

Đỉnh điểm là sau khi nghe VKS đề nghị bác kháng cáo, HĐXX nghị án sau đó trở lại phòng xử để tuyên án, bà T. đã lớn tiếng không đồng tình quan điểm của VKS, không để tòa tuyên án. Mặc cho chủ tọa và thẩm phán yêu cầu bà T. giữ im lặng để tòa tuyên án, bà T. vẫn cứ phản ứng. Bảo vệ đã phải có mặt để hỗ trợ giữ trật tự phiên tòa.

Cạnh đó, trong suốt phiên xử, bà T. luôn đặt vấn đề ngược lại cho tòa, rằng nếu bà không phải là người biết điều, nếu là người khác thì đã đánh lớp trưởng H. rồi chứ không thèm khởi kiện ra tòa.

 

Theo Hoàng Yến

Pháp luật TPHCM